Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson |
Tờ The Diplomat của Nhật Bản cho hay, từ 15 - 18/3, ông Rex Tillerson bắt đầu chuyến công du châu Á trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ. Đáng chú ý, trong chuyến công du này, ông Tillerson đã không cho phép các phóng viên thuộc các cơ quan truyền thông của nước này tháp tùng cùng chuyến đi.
Chuyến công cán không dễ dàng
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Rex Tillerson đến Tokyo ngày 15/3, ở thăm và làm việc tại Nhật Bản trong 2 ngày, sau đó ông Tillerson đến Hàn Quốc ngày 17/3 và cuối cùng sẽ đến Trung Quốc trong ngày 18/3.
Kênh ABC của Mỹ bình luận, đây sẽ là chuyến công cán không dễ dàng với ông Rex Tillerson, người được cho là còn khá mới mẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao bởi thực tế là từ năm 2006 đến khi được ông Trump bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, công việc chính của ông Tillerson là Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn Dầu lửa ExxonMobil.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngay trước khi ông Tillerson lên máy bay công du ba nước châu Á, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Susan Thornton nhấn mạnh rằng, chuyến đi của Ngoại trưởng Rex Tillerson có mục đích củng cố các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực nói chung chứ không đơn thuần là tăng cường quan hệ song phương. Ngoài ra, theo bà Thornton, ông Tillerson sẽ thảo luận chiến lược đối phó với mối đe dọa từ tên lửa hạt nhân của Triều Tiên với các nước liên quan. |
Đáng chú ý, chuyến công du của ông Tillerson đến châu Á diễn ra giữa lúc khu vực này đang ở trạng thái căng thẳng sau vụ Triều Tiên phóng bốn quả tên lửa cách đây hơn một tuần và Hàn Quốc quyết xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD bất chấp sự tức giận của Trung Quốc. Theo ABC, chuyến thăm 3 nước châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ lần này thực sự khó đoán bởi cho đến thời điểm này quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ vẫn chưa bộc lộ bất cứ điều gì về chính sách của ông trong những năm tới đây.
Jeff Kingston, một giáo sư của Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Temple Tokyo, Nhật Bản đưa nhận định nói rằng ông Tillerson có ít nhất hai nhiệm vụ khó khăn cho chuyến công cán đặc biệt này. “Ông Tillerson có nhiệm vụ giương cờ, chứng minh với các đồng minh là Mỹ luôn đứng sau họ và cố gắng sẽ vận động để Trung Quốc ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình thử nghiệm hạt nhân của nước này”, chuyên gia Jeff Kingston nói.
Tuần trước, sau khi quân đội Triều Tiên bắn các tên lửa vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, Mỹ đã ngay lập tức đưa một hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo tầm cao, giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc. Động thái này cũng đã khiến Trung Quốc tức giận vì Bắc Kinh tin rằng, các tên lửa của Mỹ vừa đưa đến Seoul là để nhằm vào hệ thống phòng thủ của Trung Quốc.
Giáo sư Jeff Kingston cho hay, việc thuyết phục được Bắc Kinh tin rằng, THAAD ở Hàn Quốc không nhằm chống lại Trung Quốc sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với Ngoại trưởng Tillerson.
Lộ trình công tác tiết lộ ưu tiên của Mỹ
Theo các nhà quan sát, việc ông Tillerson thăm Nhật Bản đầu tiên sau đó mới đến Hàn Quốc và Trung Quốc cũng cho thấy mức độ ưu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong quan hệ với các đồng minh và đối tác, kiêm đối thủ cạnh tranh của mình. Tại Tokyo, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lần lượt gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Shinzo Abe. Công du Nhật Bản sẽ diễn ra theo tinh thần thân thiện giống như những gì ông Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đối đãi với nhau ở Florida.
Sau khi rời Nhật Bản, ông Rex Tillerson sẽ đến Hàn Quốc - nơi nhà lãnh đạo cao nhất của xứ sở kim chi là Tổng thống Park Guen-hye vừa bị phế truất vì vướng bê bối chính trị. Ông Tillerson dự kiến sẽ gặp gỡ, thảo luận với Thủ tướng kiêm Tổng thống tạm quyền Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn cũng như Bộ trưởng Ngoại giao nước này là ông Yun Byung-se.
Nhiệm vụ chính của Ngoại trưởng Mỹ ở Hàn Quốc là làm yên lòng chính giới Seoul, thúc giục họ nhanh chóng ổn định, bầu tổng thống mới cũng như bàn bạc những biện pháp cụ thể để xử lý việc Triều Tiên tiến hành bắn nhiều tên lửa đạn đạo đe dọa an ninh khu vực.
Sẽ biết nhiều hơn về ông Tillerson
ABC dẫn nhận định rằng, ông Rex Tillerson, người vốn chỉ được biết đến nổi bật nhất với cương vị CEO của Tập đoàn Exxon Mobil trong lĩnh vực công nghiệp. Kể từ khi được ông Trump bổ nhiệm cho đến nay, Ngoại trưởng Mỹ chưa từng có phát ngôn nào công khai, thậm chí ông cũng từng từ chối trả lời câu hỏi của các phóng viên khi họ đề cập một số điều để tìm hiểu về triển vọng chính sách của ông đối với các vấn đề quốc tế.
Đáng chú ý, trong chuyến công du châu Á, ông Tillerson đã có động thái chưa từng có tiền lệ ở một Ngoại trưởng Mỹ đó là không cho phép các phóng viên thuộc các cơ quan truyền thông của nước này tháp tùng cùng chuyến đi.
Tất cả nhân sự của các cơ quan báo, đài đều phải tự sắp xếp lịch trình trong các chuyến công cán của ông Tillerson ngay cả ở nội địa Mỹ hay ra nước ngoài.
Giáo sư Kingston nói với ABC rằng: “Có một số trong rất nhiều câu hỏi về cá nhân Ngoại trưởng Mỹ Tillerson sẽ được trả lời sau chuyến công du ba nước châu Á lần này. Tôi dự đoán như vậy”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận