Về hưu nhưng ông Phan Đăng Long lại bận rộn hơn với nhiều công việc khác nhau, trong đó ông dành nhiều thời gian để chăm sóc hai con nhỏ |
Tính đến nay, ông Phan Đăng Long, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã nghỉ hưu được 1 năm 4 tháng. Khi còn đương chức, ông Long thường có những phát ngôn thẳng, thật đến mức gây sốc. Bởi thế, những ngày đầu năm này người ta lại nhớ đến ông bởi những phát ngôn “nóng rực” tính thời sự như “cướp có văn hóa” ở hội Gióng hay “chẳng cần nhịn bắn pháo hoa để ủng hộ người nghèo dịp Tết”.
“Bảo mẫu” của hai đứa con nhỏ
Tâm sự thêm về công việc sau khi nghỉ hưu của mình, ông nói hiện đang giữ chức Phó chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, bên cạnh đó còn tham gia nhiều hoạt động kinh tế khác để có thể đảm bảo cuộc sống cho gia đình nhỏ, rồi khi về hưu cũng bận bịu hơn với những công việc của gia đình, của dòng họ. “Nhưng tôi khác với mọi người, họ về hưu thì con cái đều đã trưởng thành, nhưng tôi bây giờ lại có 2 đứa con nhỏ, chưa có cháu nội, ngoại nên về hưu là toàn tâm toàn ý dành thời gian làm bảo mẫu”, ông nói và chia sẻ rằng, vì vợ bận đi làm, cả hai con đều rất quấn bố nên ông luôn bận rộn, mà bận rộn với trẻ con thì chẳng bao giờ chán cả.
Hỏi ông vì sao lấy vợ, sinh con muộn thế, ông cười lớn và nói không biết trả lời sao, có lẽ do duyên số. Rồi ông bật mí về mối lương duyên của mình với người vợ kém 25 tuổi. Ông xây dựng gia đình khi đã 49 tuổi, người vợ khi ấy là sinh viên nhạc viện và hiện giờ là giảng viên thanh nhạc tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Ông tâm sự, trước kia khi ông còn đi làm, nguồn lương và các khoản phụ cấp, hỗ trợ cũng đủ để chi tiêu, xoay xở trong gia đình, nhưng khi về hưu thì mức lương hưu của ông và lương đi dạy của vợ cũng không thể đủ được nữa khi hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, vô cùng tốn kém. Chính vì thế, ngay khi vừa nghỉ hưu, ông phải “lao” vào các hoạt động, công việc làm ăn kinh tế bên ngoài một cách chính đáng để kiếm thêm thu nhập. Ông đã cùng bạn bè lập công ty cổ phần kinh doanh thép xây dựng và các vật liệu xây dựng khác. Nếu không làm thêm mà chỉ dựa vào lương hưu thì... không đủ sống.
Hiện, vợ chồng ông cùng hai người con, một con trai học lớp 6 và con gái học lớp 4 vẫn sống trong ngôi nhà có diện tích hơn 20m2 trên phố Hàng Trống, căn nhà cũng do bố mẹ ông để lại giờ đây được cơi nới thêm một phần gác xép để tăng không gian sinh hoạt cho cả gia đình.
Ông tự nhận mình là người không có tư duy kinh tế, cả đời gắn với công việc văn hoá, tuyên giáo nên khi còn đương chức, dù có nhiều cơ hội kiếm tiền một cách chính đáng ông cũng... không quan tâm. “Hơn nữa, khi ấy tôi quá say sưa với công việc, cộng với việc trước đó tôi rất dễ bằng lòng với cuộc sống nên không thấy có những áp lực về kinh tế. Chỉ sau này khi lấy vợ, có con thì mới xuất hiện những áp lực đó. Nhưng nghĩ lại thì mỗi con người mỗi hoàn cảnh nên mình chấp nhận thế và không hối tiếc điều gì cả”, ông chia sẻ.
“Nhiều người khuyên tôi bớt nói thật, thẳng đi”
Nhắc đến tên ông Phan Đăng Long, người ta sẽ nghĩ ngay đến không ít phát ngôn “gây sốc” của ông khi ông còn giữ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, người chủ trì các cuộc giao ban báo chí hàng tuần của Thành ủy. Bởi những phát ngôn đó đã từng một thời làm dư luận dậy sóng, nhiều người chia sẻ với ông, nhưng bên cạnh đó không ít ý kiến trái chiều và không ít lần ông bị “ném đá” từ dư luận.
Vậy nhưng khi được hỏi nếu có cơ hội được nói lại, trả lời lại, ông có chọn một cách an toàn hơn để không phải chịu những áp lực từ dư luận hay không, thì ông cương quyết sẽ vẫn làm thế, nói thế, bởi đó là bản tính con người ông. “Tôi khẳng định cho đến giờ phút này, tôi phát ngôn đúng với cương vị của mình. Tôi chịu trách nhiệm về thông tin mình nói, nói thông tin có cơ sở chứ không cảm tính. Đương nhiên tôi thẳng tính, không vòng vo, không né câu hỏi của báo chí và có lẽ đó là lý do tôi hay “gặp vạ”, nhất là với những phóng viên muốn “câu view” khi họ thông tin không đầy đủ những phát ngôn của tôi”, ông cười và chia sẻ.
Ông cũng nói rằng khi đó ông không dùng mạng xã hội, nhưng ông hiểu bản chất sự dậy sóng ở cộng đồng mạng thường phần lớn do nhiều người tham gia mạng xã hội không có chính kiến, không chịu tìm hiểu sự việc mà thường hùa vào theo đám đông, “ném đá” hội đồng, tham gia theo trào lưu... “Chặt cây không cần hỏi dân”, “cướp có văn hoá”, “khai man tuổi là yêu nước”... là một số phát ngôn từng làm nóng dư luận của ông Phan Đăng Long, nhưng cho đến nay, sau những chia sẻ từ đáy lòng của ông, dường như nhiều người đã hiểu hơn và chia sẻ với ông về những “tai nạn nghề nghiệp” từ những phát ngôn bị cắt xén.
Sau mỗi “tai nạn”, ông thường im lặng và chịu trận một mình, ít khi lên tiếng thanh minh, giải thích. Ông tâm sự rằng, giữa sóng gió của dư luận, ông luôn chọn cách im lặng vì cái chung, ông không muốn phản ứng rồi lại khiến bức xúc của nhân dân, dư luận thêm “nóng” lên.
Dù nhiều lần phát ngôn và bị báo chí cắt xén dẫn đến dư luận hiểu sai bản chất vấn đề, “ném đá hội đồng”, nhưng khi hỏi vì sao ông lại không né, không cẩn trọng hơn mỗi khi báo chí hỏi, ông thừa nhận ông không bao giờ “cảnh giác”, cũng không bao giờ tạo khoảng cách với báo chí. “Khi còn giữ cương vị, tôi luôn trả lời hết khả năng, trách nhiệm mà tôi có, mục đích cuối cùng là giúp anh em báo chí có thông tin để viết tin bài. Còn việc báo này hay báo kia đưa tin chưa chính xác làm ảnh hưởng đến tôi, tôi vẫn nghĩ rằng đó chỉ là cá biệt, bởi tôi biết còn rất nhiều nhà báo làm việc có lương tâm và trách nhiệm. Tôi hoàn toàn tin tưởng khi cung cấp thông tin cho họ”, ông tâm sự.
Hỏi ông những khi ấy có phải chịu áp lực từ cấp trên không, ông cười và nói ở cơ quan ông không phải chịu áp lực gì cả, vì ông nói đúng bản chất vấn đề. “Chỉ có nhiều người khuyên tôi bớt thẳng, bớt thật đi, nhưng biết làm thế nào được, đó là con người của tôi”, ông cười.
Áy náy khi nghĩ về vụ chặt hạ cây xanh
Với nhiều người, có lẽ khoảng thời gian sau khi nghỉ hưu sẽ là khoảng thời gian khá hụt hẫng vì họ đang quen với công việc, nhưng với ông Phan Đăng Long, đó chỉ là những cảm giác thoáng qua, vì ông đã chuẩn bị tinh thần và cả kế hoạch sau khi nghỉ hưu từ trước. Bởi vậy mà ngay khi vừa nghỉ, ông đã cùng bạn bè tự lái ô tô đi du lịch khắp các tỉnh Bắc Lào, sau đó về nhà lại say sưa với nguồn vui mới là hai đứa con đáng yêu bên cạnh.
"Về vụ chặt hạ cây xanh, tôi biết rõ ràng có những chỉ đạo cụ thể từ UBND TP xuống, vậy mà khi xem xét trách nhiệm đổ hết cho cấp dưới, lãnh đạo thành phố dường như đứng ngoài cuộc, không có trách nhiệm gì. Tôi thấy oan ức cho một số cán bộ. Tất cả là do một số lãnh đạo thành phố khi ấy không dám chịu trách nhiệm, đổ lỗi cho cấp dưới. Đó là vụ việc khiến tôi buồn và suy nghĩ cho đến tận bây giờ." Ông Phan Đăng Long |
“Vì quá bận rộn với con cái mà tôi bị cuốn theo guồng quay đó luôn, không có thời gian mà hụt hẫng. Ngày nào cũng ngoài việc làm ăn kiếm thu nhập, tôi dành hết thời gian chăm lo cho con, đưa con đi học, dạy con học, đưa con đi chơi, cùng con xem phim...”, ông tâm sự và nở nụ cười vui khi thấy hai đứa con nhỏ vừa đi học về đã ríu rít sà vào ôm và trò chuyện với bố.
“Anh em, bạn bè tôi thường nói đùa rằng, tôi già rồi, về hưu rồi mới bắt đầu khởi nghiệp nên vất vả hơn người khác, vì vậy, tôi cũng phải nỗ lực nhiều hơn”, ông nói.
Trong hơn một tiếng đồng hồ trò chuyện cùng ông, dù vài lần hỏi ông có tiếc nuối gì, có điều gì còn suy nghĩ, còn áy náy trong suốt quá trình làm việc không, ông đều nói dù có thì đó cũng chỉ là những cảm giác thoáng qua.
Nhưng khi PV định rời đi, ông nói muốn chia sẻ thêm về câu hỏi mà PV đặt ra. Sau khi suy nghĩ, đắn đo, ông nói rằng có một chuyện ông vẫn thấy buồn, thấy áy náy lâu nay và giờ ông quyết định sẽ nói ra. Đó là những câu chuyện xoay quanh việc chặt hạ hàng loạt cây xanh trên địa bàn thành phố - từng khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Ông khẳng định đó là một chủ trương rất đúng, nhưng lại sai ở cách triển khai thực hiện, tạo ra sự bức xúc trong nhân dân. Thế nhưng khi xem xét trách nhiệm về việc này, người ta lại đưa ra một bản kết luận thanh tra không thoả đáng, mà ở đó, những người sai, người “chịu trận” hoàn toàn là các cán bộ cấp dưới. Bản kết luận này, ngay khi đó ông đã trực tiếp điện thoại có phản ứng không đồng ý với ông Phạm Quang Nghị, là Bí thư Thành ủy lúc đó và định có ý kiến với báo chí. Nhưng rồi vì trách nhiệm với thành phố, ông đã không thông tin với báo chí về phản ứng với bản kết luận của thành phố về vụ cây xanh đã đổ hết trách nhiệm cho cấp dưới và kỷ luật họ như những vật “tế thần”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận