Xã hội

Người cuối cùng làm bờ xe nước trên sông Trà

15/02/2024, 06:35

Đã hàng chục năm kể từ ngày công trình thủy lợi Thạch Nham đi vào vận hành, bờ xe nước cũng chấm dứt sứ mệnh. Song với mỗi người dân Quảng Ngãi, hình ảnh "gây nhớ, gây thương" chưa từng phai mờ trong tâm trí.

Biểu tượng bên dòng sông Trà

Ngày cuối năm, quốc lộ 24 xe cộ tấp nập. Ở một góc vườn trong con hẻm thuộc xã Tịnh Ấn Tây (TP Quảng Ngãi), ông Mai Văn Quýt, nay đã hơn 80 tuổi vẫn miệt mài chẻ tre, vót lạt, nẹp từng thanh lại với nhau để hoàn tất những công đoạn cuối cùng của công trình bờ xe nước 9 bánh. Mô hình này sẽ được đưa vào TP.HCM trưng bày tại không gian "Sắc quê Quảng Ngãi lần thứ I".

Người cuối cùng làm bờ xe nước trên sông Trà- Ảnh 1.

Ông Mai Văn Quýt bên một đàn xe nước do tự tay ông làm để thỏa đam mê giữ lại hình tượng xứ Quảng.

Lớn lên bên dòng Trà Giang, tuổi thơ ông Quýt vào những ngày sau tết Nguyên đán là theo cha ra sông Trà Khúc tắm, nhìn cha cùng các chú, các bác dựng bờ xe nước để chuẩn bị lấy nước cho vụ sản xuất mới.

Cứ thế, lớn lên cùng những đàn xe nước, niềm đam mê đã dần khiến ông Quýt trở thành "truyền nhân" dựng bờ xe nước lúc nào không hay.

Ông Quýt là đời thứ ba kế tục nghề làm bờ xe nước. Từ năm 18 tuổi, ông đã theo cha vót tre, chẻ nan. Đến giờ ông vẫn nhớ như in những tháng ngày cùng cha đưa nước từ sông Trà về đồng ruộng để phục vụ tưới tiêu cho ruộng đồng. Thời ấy, cha ông là một "trùm" điều khiển bờ xe nước có tiếng.

Tuổi thơ ông gắn liền với bờ xe nước, nó ăn sâu vào trong máu thịt của ông. Thế nên, lúc nào ông cũng có tâm nguyện muốn lưu giữ lại cho con cháu mai sau biết về một "biểu tượng" của quê hương xứ sở. Đó chính là lý do thôi thúc ông chẻ tre, vót lạt, phục dựng mô hình bờ xe nước thu nhỏ, có đường kính từ 2-4m.

Ông bảo, cách thức làm bờ xe mô hình vẫn giống y hệt ngoài thực tế, nên người làm phải chế tác sao cho bánh xe cân bằng, khi vận hành không bị lỗi, vẫn có thể lấy nước và quay đều.

Trước đây, các vật liệu chưa có nên phần lớn bờ xe được buộc bằng dây rừng. Còn bây giờ, ông làm mô hình bằng dây kẽm, dây đồng, cước để kết các chi tiết bằng tre của bánh xe nước lại với nhau, rồi phủ thêm lớp sơn bên ngoài nhằm tăng độ bền.

Đôi tay vẫn nhuần nhuyễn trên từng đường lạt, nẹp tre tỉ mỉ trong từng chi tiết dù là nhỏ nhất đã tạo nên những bộ phận và kết cấu giống hệt những chiếc bánh xe nước cỡ lớn trước đây trên sông Trà.

Từ chỗ làm cho thỏa đam mê, những mô hình bờ xe nước ấy được nhiều người dân Quảng Ngãi xa xứ biết đến. Họ tìm về tận nhà đặt hàng ông làm và mang đi khắp nơi để trưng bày tại các quán cà phê, nhà hàng, khu du lịch... Từ đó, bờ xe nước do ông Quýt làm đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên…

"Tôi làm bờ xe nước mô hình để thỏa đam mê và để biểu tượng của Quảng Ngãi không bị phai nhòa", ông Quýt nói.

Điều khiến ông lo lắng là sau này sẽ không tìm được người kế tục mình, những bánh xe nước dù là mô hình nhưng sẽ bị thất truyền. Trong khi, đó "là cái hồn, cái cốt trong sáng tạo của cha ông để lại", minh chứng cho những ký ức đẹp, đầy tự hào của người dân xứ Quảng.

Theo ông Lê Hồng Khánh, nhà nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ngãi, ông Mai Văn Quýt là một trong những người cuối cùng ở tỉnh này còn lưu giữ được kỹ thuật, cách làm bờ xe nước truyền thống. "Công trình bờ xe nước không chỉ mang ý nghĩa lớn lao về tài năng lao động của người nông dân Quảng Ngãi thuở xa xưa mà đây còn là một biểu tượng", ông Khánh nói.

Công trình thủy lợi độc đáo

Hơn 40 năm trước, du khách đi dọc miền Trung, ngang qua TP Quảng Ngãi sẽ dễ dàng bắt gặp những guồng xe nước nặng trĩu, cần mẫn suốt ngày đêm mang nước từ sông Trà Khúc tưới tắm cho những cánh đồng màu mỡ ven sông mà không phải tiêu hao một giọt nhiên liệu nào.

Người cuối cùng làm bờ xe nước trên sông Trà- Ảnh 2.

Bờ xe nước 9 bánh do ông Quýt chế tạo có mặt trong không gian Sắc quê Quảng Ngãi lần thứ I tại TP.HCM ngày 12, 13/1/2024.

Mỗi bờ xe nước có khoảng 10-12 bánh xe, cao 12m, dài 20m. Bắt đầu mùa lũ hằng năm, bờ xe nước được tháo dỡ đưa lên bờ để vừa tu sửa, cũng là để tránh bị lũ cuốn trôi. Qua mùa lũ, bờ xe nước lại được đưa xuống sông để cung cấp nước tưới cho ruộng đồng.

Để làm một bờ xe nước có 9 hoặc 10 bánh, mỗi bánh xe có đường kính 4m, tưới cho khoảng 70ha phải mất 4.000-5.000 cây tre và vô số dây rừng. Do vậy, để có bờ xe tưới nước cho ruộng lúa vào mùa xuân, mùa hạ, từ tháng 6, tháng 7, những "ông trùm" bờ xe nước cùng những người thợ kết bè tre ngược sông Trà tìm đến những bản làng đồng bào dân tộc H’re ở Sơn Hà, Ba Tơ mua từng đám tre, chặt kết bè thả trôi trên sông về xuôi.

Họ chọn những gò cao để tập kết tre, rồi đêm ngày đan, vót. Đến sau lũ (thường là 23/10 Âm lịch hằng năm), họ mới xuống sông Trà khảo sát lại một lần nữa chỗ đặt bờ xe. Sau đó, họ chở từng bè tre ra sông và mang vồ để đóng cọc tre làm bờ cừ cho nước dâng lên.

Trong ký ức của các thợ xe nước, nghề làm bờ xe cực nhọc và cũng đòi hỏi kỹ thuật thủ công khá cao để tránh sự cong vênh ảnh hưởng đến tốc độ quay của bờ xe.

Việc làm bờ xe không khó, mà cái khó nhất là chọn được địa điểm và xây dựng bờ cừ. Bờ cừ phải xây theo hình chữ V, làm sao nước được dẫn dồn về một chỗ hẹp để tạo dòng chảy mạnh. Ngay tại điểm nước chảy mạnh sẽ đặt bờ xe.

Xung quanh mỗi bánh xe được buộc hàng trăm ống tre, đặt nghiêng một góc, sao cho khi bánh xe quay xuống nước, các ống tre này đong đầy nước. Lực chảy của nước do việc đắp bờ cừ, sẽ đẩy bánh xe tiếp tục quay tròn, đưa ống nước lên cao và trút ra máng, dẫn nước đến đồng ruộng.

Bờ xe nước hình thành trên sông Trà Khúc và tồn tại hàng trăm năm qua. Đó là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi khi xưa, thể hiện sức sáng tạo vô hạn của cộng đồng dân cư gắn liền với nông nghiệp. Trên sông Vệ và sông Trà từng có không dưới 114 bờ xe nước...

Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, nguyên Phó giám đốc Sở VH, TT&DL Quảng Ngãi cho biết, một thời, từ Bắc vào Nam đều có guồng xe nước, nhưng khi nhắc đến công trình thủy lợi độc đáo này người ta nghĩ ngay đến Quảng Ngãi. Bởi, nơi đây có số lượng công trình nhiều, quy mô lớn tập trung. Điểm khác biệt lớn giữa bờ xe nước ở Quảng Ngãi với những nơi khác là số bánh xe. Nếu ngoài Bắc chỉ có một thì ở Quảng Ngãi có đến 10-12 bánh.

"Nghề làm bờ xe nhọc nhằn nên được người dân tôn vinh, gọi người chỉ huy làm bờ xe là ông "trùm". Dưới ông "trùm" là ông "trọn" rồi mới đến ông "rẽ" (tức thợ bờ xe)". Người Quảng Ngãi rất tự hào về công trình thủy lợi này", ông Chư nói.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.