Nghề nặn phỗng đất có từ lâu đời tại làng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh). Giữa những nhộn nhịp, ồn ào, hối hả của cuộc sống thời công nghệ 4.0 tưởng chừng nghề này đã biến mất nhưng vẫn còn những người cặm cụi giữ lại hồn cốt một nghề dân gian gắn với tuổi thơ của những đứa trẻ vùng Đồng bằng sông Hồng.
Gia đình ông Phùng Đình Giáp ở làng cổ thôn Đông Khê (Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) đã có 60 năm làm nghề này. Một bộ phỗng đất gồm 5 nhân vật: Con chim bay trên trời thể hiện khát vọng hòa bình. Con rùa gắn với biển cả bao la. Trong tâm trí người Việt đây còn là biểu tượng thiêng liêng được thần thánh hoá. Nhân vật người già và em bé thể hiện sự nối tiếp truyền thống. Nhân vật phỗng hình Phật ở vị trí trung tâm mang ý nghĩa tâm linh, giáo dục con cháu sống hiền lành, đúng mực.
Những ngày cuối năm, vợ chồng ông Giáp đang tạo ra những chú phỗng hình lợn có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Hầu hết sản phẩm đã được đặt hàng cho năm mới Kỷ Hợi 2019.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận