Sở GTVT TP.HCM đang xây dựng phương án tổ chức giao thông cho một số đối tượng có nhu cầu lưu thông thường xuyên giữa TP.HCM và các tỉnh, đặc biệt là những người đi khám chữa bệnh.
Vừa qua TP.HCM phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức cho hàng nghìn người về quê
Cụ thể, người dân từ các tỉnh vào TP.HCM để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) và đảm bảo điều kiện bắt buộc.
Cụ thể, người đến khám chữa bệnh phải có giấy chuyển viện (của các bệnh viện) từ các tỉnh, thành phố đến Bệnh viện tại TP.HCM hoặc giấy hẹn tái khám của các Bệnh viện tại TP.HCM; Hoặc giấy xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) về cho phép di chuyển đến TP.HCM để khám chữa bệnh (Giấy xác nhận có thể hiện đầy đủ thông tin về: người đi khám bệnh, người điều khiển phương tiện và phương tiện).
Đối với hoạt động vận tải hàng hoá, các phương tiện vận tải lưu thông đến và lưu thông ngang qua TP.HCM phải có giấy nhận diện (có mã QR).
Đối với phương tiện có lộ trình quá cảnh qua TP.HCM, không được dừng, đỗ phương tiện trong suốt quá trình lưu thông quá (trừ trường hợp bất khả kháng như: phương tiện bị hư hỏng, sự cố kỹ thuật, về sức khỏe của người trên phương tiện,...).
Đối với hoạt động đưa đón công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh, thành phố đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP.HCM và ngược lại phải được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế đủ điều kiện tham gia hoạt động; Có kết quả xét nghiệm (SARS-CoV-2) âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.
Xe vận chuyển đưa rước công nhân phải là ô tô khách từ 10 chỗ trở lên thuộc sở hữu của đơn vị (trường hợp xe nội bộ xe không kinh doanh vận tải) hoặc thuê đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng tổ chức vận chuyển công nhân.
Về việc tổ chức đi lại, các công ty, doanh nghiệp xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia cụ thể, thông qua đơn vị đầu mối (Ban Quản lý khu chế xuất, Khu Công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, các hiệp hội) đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gởi đến Sở GTVT để phối hợp với với Sở GTVT tỉnh, thành phố liên quan để cấp giấy nhận diện (có mã QR).
Việc vận tải hàng hoá, hành khách trong phạm vi TP.HCM phải tuân thủ theo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận