Trao đổi với PV Báo Giao thông bên lề sự kiện Banking Việt Nam 2019 (ngày 30/5), ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch LienVietPostBank cho biết, chủ trương của Chính phủ, NHNN là giảm thanh toán bằng tiền mặt để gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay theo ông Thắng là sự kết nối ba bên và trao đổi hợp tác giữa Ngân hàng – nhà cung cấp dịch vụ - khách hàng.
Ông Thắng lấy ví dụ, ngân hàng muốn thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân khi trả tiền điện thì ngân hàng phải kết hợp được với ngành điện.
“Phải thống nhất chủ trương và kết nối hệ thống dữ liệu tích hợp, từ đó ngân hàng cung cấp dịch vụ cho người dân. Vừa rồi chúng tôi đi làm chương trình xây dựng chính phủ điện tử và ứng dụng giải pháp thành phố thông minh cho một tỉnh, nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền, UBND tỉnh họp với các bên điện, nước và Sở Công thương thì mới thực hiện được", ông Thắng gợi ý.
Tuy nhiên, điều khó khăn nhất theo ông Thắng là làm thế nào để tiền mặt của người dân “đi" vào hệ thống thẻ, ví điện tử, vào tài khoản ngân hàng.
“Đề nghị NHNN sớm có chính sách làm sao phát triển hệ thống đại lý 24/7 để tại bất cứ điểm nào kể cả nửa đêm người dân vẫn nạp được tiền. Ví rỗng thì chả làm được gì”, Chủ tịch LienVietPostBank nói.
Theo đề xuất của ông Thắng, ở đây cần NHNN cho phép các ngân hàng tự chọn và tự xét duyệt các đại lý hỗ trợ nạp tiền mặt vào ngân hàng số, ví điện tử và được nhận một khoản phí. Khi cần, khách hàng vẫn có thể rút tiền ra.
“Ở quê, đầu làng một cửa hàng bán lẻ, cuối làng có một cửa hàng bán lẻ để hỗ trợ người dân bất cứ khi nào cũng nộp được tiền và thực hiện gửi tiết kiệm mua sắm online”, ông Thắng đề xuất.
Trách nhiệm pháp lý ở đây khi xảy ra rủi ro với khách hàng, theo ông Thắng, ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Mỗi chi nhánh đại lý đều có mã số quản lý. Khách hàng làm gì, hưởng quyền lợi gì, tiền vào tiền ra hàng ngày, hàng tháng đều được ngân hàng kiểm soát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận