Theo Báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố tại Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, nguy cơ rửa tiền nói chung giai đoạn này ở mức trung bình; mức độ dễ tổn thương về rửa tiền là trung bình cao; rủi ro rửa tiền quốc gia Việt Nam là trung bình cao.
Soi chiếu vào các lĩnh vực cụ thể, hai lĩnh vực được đánh giá có nguy cơ rửa tiền ở mức cao là lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, riêng kênh chuyển tiền phi chính thức cũng được đánh giá ở mức cao.
Nguy cơ rửa tiền ở lĩnh vực chứng khoán, kiều hối, casino/sòng bạc ở mức trung bình. Các lĩnh vực kiểm toán, kế toán, luật sư, công chứng được đánh giá nguy cơ rửa tiền ở mức thấp…
Ở lĩnh vực ngân hàng, báo cáo cho biết chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) gửi đến Cục Phòng, chống rửa tiền, cao hơn các lĩnh vực khác. Mặc dù phải khẳng định rằng không phải tất cả các khoản tiền thu bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình tẩy rửa tiền, song điều này cũng chứng tỏ, so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, khả năng bọn tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp pháp hóa các khoản thu bất chính để biến những đồng “tiền bẩn” trên thành “tiền sạch” là cao hơn.
Ngày 30/4/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020.
Mục tiêu của kế hoạch là hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam; kiểm soát, giảm thiểu rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố được xác định từ kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017; đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; đồng thời phục vụ đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam trong năm 2019.
Kế hoạch hành động được chia thành 5 nhóm hành động gồm: 1. Nhóm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; 2. Nhóm các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; 3. Hợp tác trong nước; 4. Các sản phẩm tài chính toàn diện; 5. Hợp tác quốc tế.
Căn cứ vào những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian vừa qua và các số liệu về STR của Cục Phòng, chống rửa tiền có thể thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản (tội phạm chủ yếu liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn), đánh bạc và trốn thuế. Theo đó, để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.
“Trên cơ sở phân tích những nội dung có liên quan nêu trên, có thể thấy nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực ngân hàng là cao”, báo cáo nhấn mạnh.
Lĩnh vực bất động sản thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.
Ngoài ra, đối với các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng đang bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến các tài sản là các bất động sản. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.
“Với các phân tích liên quan đã đưa ra kết luận nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là cao”, báo cáo tiếp tục nhấn mạnh.
Lĩnh vực chứng khoán: Giai đoạn từ 2012 - tháng 9/2017, theo số liệu thống kê của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền, không có vụ rửa tiền nào bị điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến lĩnh vực chứng khoán.
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, cơ quan quản lý đã tiến hành phối hợp, xác minh, xử lý đối với 7 vụ việc giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ liên quan đến rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán. Cơ quan quản lý đã nhận được 2 báo cáo giao dịch đáng ngờ từ công ty chứng khoán.
Căn cứ vào việc phân tích trên, có thể đưa ra kết luận nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực chứng khoán là trung bình.
Lĩnh vực bảo hiểm: Từ năm 2010 - 9/2016, Cục Phòng, chống rửa tiền đã tiếp nhận 176 STR từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm, chiếm 3,17% tổng số STR.
Kết quả phân tích STR từ năm 2012 đến tháng 9/2016, Cục Phòng, chống rửa tiền đã chuyển giao 13 vụ việc (liên quan đến 28 báo cáo STR) cho cơ quan công an để điều tra, xác minh thông tin. Các vụ việc được chuyển giao sang cơ quan công an chủ yếu liên quan đến việc các doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành rà soát và phát hiện các đối tượng có liên quan trong các hợp đồng bảo hiểm có tên trong danh sách tội phạm bị truy nã, là đối tượng đang bị viện kiểm sát khởi tố, đang thuộc diện thi hành án.
Căn cứ vào việc phân tích những nội dung trên, có thể đưa ra kết luận nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm là trung bình thấp.
Lĩnh vực đại lý chuyển và thu đổi ngoại tệ: Kênh chuyển tiền chính thức do thủ tục qua các công ty kiều hối thường đơn giản hoặc không cần cung cấp, mức phí thấp hơn nên nguy cơ rửa tiền dược đánh giá là trung bình cao.
Kênh chuyển tiền phi chính thức (kênh ngầm) với phí thấp, tiện lợi, không phải chứng minh mục đích chuyển tiền, thủ tục đơn giản… nên cũng được đánh giá có nguy cơ rửa tiền ở mức cao.
Lĩnh vực casino/sòng bạc: Giai đoạn từ 2010 đến tháng 9/2017, không có vụ rửa tiền nào bị điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến lĩnh vực casino được Chính phủ quản lý rất chặt chẽ.
Một số lĩnh vực khác như kế toán, kiểm toán; Luật sư, công chứng; Lĩnh vực các tổ chức tài chính khác có thể kết luận nguy cơ rửa tiền ở mức thấp.
Ngoài ra, từ năm 2010 đến tháng 9/2016, Việt Nam đã nhận được 15 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự từ nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước Úc, Hoa Kỳ, Ba Lan, Tây Ban Nha, Campuchia và liên quan chủ yếu đến các tội rửa tiền, ma túy (trong đó riêng yêu cầu có liên quan đến tội rửa tiền chiếm 11/15 yêu cầu) và các tội khác như trốn thuế, lạm dụng chức vụ, hối lộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận