Đường bộ

Người dân háo hức trong ngày thông xe cầu Châu Đốc

23/04/2024, 10:07

Sáng 23/4, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ thông xe cầu Châu Đốc. Đây là cây cầu không dây văng đầu tiên bắc qua sông Hậu.

Không còn cảnh phải lụy phà

Có mặt tại buổi lễ thông xe cầu Châu Đốc, PV Báo Giao thông ghi nhận không khí nhộn nhịp nơi công trình có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.

Người dân háo hức trong ngày thông xe cầu Châu Đốc- Ảnh 1.

Người dân mong chờ sau buổi lễ thông xe sẽ được đi trên cầu Châu Đốc.

Hòa chung niềm vui trong ngày thông xe cây cầu không dây văng đầu tiên bắc qua sông Hậu, ông Nguyễn Ngọc Hoàng (60 tuổi, ngụ thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết: "Tôi cùng bà con ở đây phấn khởi vô cùng và chờ đợi được chạy xe qua cầu Châu Đốc để cảm nhận sự khác biệt khi qua sông mà không phải đi phà.

Khi cây cầu hoàn thành, việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của người dân được tốt hơn. Từ đó, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống".

Ngay từ sáng sớm, ông Phạm Văn Chín (55 tuổi, ngụ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) đã có mặt bên phía bờ Châu Đốc để được hòa mình trong buổi lễ thông xe cây cầu có ý nghĩa rất lớn đối với người dân thị xã vùng biên.

"Mấy ngày nay xem tin tức, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin cầu Châu Đốc sẽ được thông xe ngay dịp lễ 30/4/2024.

Nhưng sau đó dời lại ngày hôm nay (23/4), tức là sớm hơn được một tuần nên tôi cảm thấy rất phấn khởi vì được qua sông bằng cây cầu lớn.

Bởi vậy, tôi thu xếp công việc xong sớm để đến đây xem thông xe và trải nghiệm lần đầu tiên qua cầu Châu Đốc", ông Chín phấn khởi chia sẻ.

Công trình kết nối liên vùng

Ông Đinh Văn To, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp (Ban QLDA CTGT) tỉnh An Giang cho biết, công trình cầu Châu Đốc là gói thầu số 17 thuộc Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc (An Giang), kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.

Công trình có tổng mức đầu tư 534,028 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh An Giang.

Theo hợp đồng, thời gian thi công xây lắp là 33 tháng (bắt đầu ngày 9/3/2022 - 9/12/2024 hoàn thành). Nhưng trên thực tế, cây cầu đã hoàn thành ngày 20/4/2024, vượt tiến độ gần 9 tháng.

Người dân háo hức trong ngày thông xe cầu Châu Đốc- Ảnh 2.

Cầu Châu Đốc là công trình có ý nghĩa kết nối liên vùng.

Ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang thông tin, An Giang là một trong bốn tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Do vậy, cầu Châu Đốc được bắc qua sông Hậu, là công trình giao thông quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đây là điều kiện để tỉnh thông tuyến quốc lộ N1, kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam Bộ nằm trên trục hành lang biên giới các tỉnh gồm Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang.

Qua đó, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại liên vùng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói chung và của tỉnh An Giang nói riêng, gắn với mục tiêu đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, công trình đã giúp khơi thông kết nối, đồng bộ tải trọng trong khu vực, rút ngắn thời gian di chuyển. Đồng thời, cầu Châu Đốc còn là đòn bẩy, tạo động lực trong phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp…

Dự án cầu Châu Đốc có tổng mức đầu tư trên 534 tỷ đồng, do hai đơn vị liên danh Công ty CP Xây dựng Tân Nam và Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 thi công.

Cầu Châu Đốc có 13 nhịp, trong đó bốn nhịp chính dài 260m, khoang thông thuyền rộng 75m, cao 11m. Mặt cầu thiết kế bốn làn xe, rộng 14m, vận tốc 60km/h.

Đây là cầu thứ ba bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, Vàm Cống. Sau khi hợp long, đơn vị thi công tiếp tục làm phần đường dẫn, dự kiến hoàn thành toàn bộ cuối năm 2024.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.