Người dân tố nước bẩn, nhà cung cấp phủ nhận
Thời gian vừa qua, Báo Giao thông nhận được phản ánh của một số người dân sinh sống khu vực quận Long Biên về tình trạng nước sinh hoạt kém chất lượng. Bà Nguyễn Thị Bình, xóm 3, số 73 đường Bắc Cầu, Long Biên, Hà Nội vặn vòi nước chỉ cho PV thấy nước có cặn. "Nước máy của Công ty nước sạch số 2 Hà Nội cấp về đây ba bốn năm nhưng không ai dám dùng vì sợ bẩn. Như nhà bà, tắm giặt phải dùng nước giếng khoan, ăn phải mua nước bình lọc.
Đang rót trà đá cho khách, bà Nguyễn Thị Lan, số nhà 54, Bắc Cầu, Long Biên chia sẻ: Nước máy nhà tôi sử dụng không bị đục nhưng chắc không đảm bảo chất lượng vì "vôi nhiều lắm”, không dám ăn. Mỗi năm nhà tôi thau bể một lần, dưới đáy bể vôi lắng cặn một hai phân trắng xóa.
Nhà nằm cuối tuyến phố Bắc Cầu, anh Hải chủ nhà số 391 gay gắt: “Nước đục ngầu như nước ao, vàng ươm như rỉ sắt, ở quê người ta hay gọi là ao ngậy, không ai dám ăn. Bình thường các gia đình bơm trực tiếp vào bể, bình chứa lắng cặn nên nhiều khi không phát hiện được".
Nước bẩn, cặn mà bà Bình, chị Lan, anh Hải phản ánh ở trên là nước ngầm do Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội tự sản xuất, cung cấp.
Trao đổi với đơn vị cung cấp nước sạch, ông Ngô Văn Đức, Trưởng phòng kế hoạch-Kỹ thuật Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội vẫn khẳng định: Chất lượng nước ngầm tại hơn 20 giếng ngầm của Công ty cơ bản ổn định, không bị ô nhiễm. Nguyên nhân nước có cặn bẩn, theo ông Đức là do một số nhà lâu không thau bể, lớp cặn dầy theo nước ra. Chỉ số đục của nước do công ty cung cấp đạt chất lượng. Việc có cặn vôi là do nguồn nước ngầm có khoan qua lớp trầm tích nhưng chỉ số vẫn nằm trong ngưỡng.
Tuy nhiên, chất lượng về nước ngầm, giếng khoan bị ô nhiễm, không đảm bảo yêu cầu trên toàn thành phố Hà Nội đã được cơ quan chức năng nhận định rõ sau quá trình khảo sát thời gian vừa qua.
Theo đánh giá của Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE), đơn vị được giao lập điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội, nguồn nước ngầm tại Hà Nội đang ô nhiễm ở mức báo động.
Trong đó, theo khảo sát hiện trạng cấp nước cho đô thị của VIWASE, các giếng ngầm tại quận Long Biên vừa có hàm lượng sắt cao vừa có hàm lượng mangan cao.
Trước tình trạng nhiều nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm, TP. Hà Nội sẵn sàng thực hiện chủ trương sử dụng nước mặt thay nước ngầm.
Mới đáp ứng 30% nhu cầu
Bên cạnh vấn đề về chất lượng, sản lượng nước ngầm cũng chưa đạt yêu cầu của người dân.
Theo ông Đức, lượng nước ngầm tự sản xuất của công ty ông mới đạt khoảng 30.000m3 nước/ngày đêm, chỉ đáp ứng được 30% hộ dân, 70% nhu cầu nước còn lại (100.000m3 nước/ngày đêm) phải mua nước mặt của Công ty nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống và Công ty nước trên Mê Linh.
Trong đó, CTCP nước mặt Sông Đuống mới chỉ cung cấp cho Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội với số lượng khiêm tốn, chỉ mua khoảng 10.000 m3 nước/ngày đêm trong khi trữ lượng nước tại CTCP Nước mặt Sông Đuống khá dồi dào, công suất đạt 150.000 m3/ngày đêm và đang mở rộng tới 300.000 m3/ngày đêm.
“Hiện nay Công ty nước sạch số 2 Hà Nội đang mua của chúng tôi chỉ khoảng 10.000 m3 nước. Số lượng này là quá nhỏ so với công suất mà nhà máy nước mặt Sông Đuống đang có. Chưa kể, chất lượng nước tại nhà máy chúng tôi đạt tiêu chuẩn châu Âu, dùng các thiết bị châu Âu G7, đáp ứng 109 quy chuẩn của Việt Nam và thế giới, có thể uống nước tại vòi, ông Tạ Đức Hoàng, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Aquaone (cổ đông chính của CTCP nước mặt Sông Đuống) nói.
Ông Hoàng cũng cho biết hiện, công suất của nhà máy Nước mặt Sông Đuống đã đạt 150.000 m3/ngày đêm và đang mở rộng 300.000 m3/ngày đêm. Theo kế hoạch dựa trên bản quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, nhà máy này sẽ cấp khoảng 120.000 m3-130.000 m3 nước/ngày tới quận Long Biên. Nhà máy cũng mong muốn có thể cấp nhiều hơn nữa lượng nước chất lượng, chứ không chỉ 7% như hiện nay để người dân Long Biên đỡ phải dùng nước cặn bẩn.
Còn về phần mình, để thực hiện chủ trương điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thành phố trong đó sử dụng nước mặt, giảm nước giếng ngầm, ông Đức cho biết Công ty nước sạch số 2 Hà Nội đang phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện theo kế hoạch chung. Tuy nhiên, giống như các công ty cấp nước khác, khó khăn nhất vẫn là về phần kinh phí thực hiện, mua sắm, lắp đặt thiết bị, chưa kể là giảm việc làm, giảm công nhân gây thiếu việc, thất nghiệp.
“Để giải quyết bài toán này Công ty đang nghiên cứu theo hướng mở rộng địa bàn, tăng khách hàng “tăng việc, không tăng người”, ông Đức nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận