Y tế

Người đàn ông ngã gục khi chơi pickeball, bác sĩ cảnh báo điều gì?

03/12/2024, 19:15

Khi đang chơi pickleball, một người đàn ông ở Hà Nội bất ngờ ngã gục, ngừng tuần hoàn. Theo cảnh báo từ chuyên gia y tế, tình trạng đột quỵ khi chơi thể thao chủ yếu ở nhóm người vốn có vấn đề về huyết áp, tim mạch...

Thông tin từ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, các bác sĩ của trung tâm vừa tiếp nhận cấp cứu cho người đàn ông 55 tuổi, ngừng tuần hoàn trên sân bóng pickleball ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội.

Người đàn ông ngã gục khi chơi pickeball, bác sĩ cảnh báo điều gì?- Ảnh 1.

Một trường hợp đổ gục trên sân khi đang chơi pickleball (ảnh minh họa).

Các nhân viên y tế phải tiến hành hồi sức cấp cứu tại chỗ trong khoảng 15-20 phút để tái lập mạch cho bệnh nhân trước khi chuyển vào Bệnh viện E.

Khi vào bệnh viện cấp cứu, nạn nhân đã tái lập tuần hoàn tự nhiên nên đang được bác sĩ điều trị tích cực.

Được biết, nạn nhân chỉ vừa mới tham gia chơi pickleball được 15-20 phút thì bất ngờ xảy ra sự cố đáng tiếc.

Trong thời gian qua, không hiếm trường hợp phải nhập viện cấp cứu khi đang chơi thể thao. 

BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam chia sẻ: Tình trạng đột quỵ khi chơi thể thao chủ yếu ở nhóm người bệnh có vấn đề về huyết áp, bệnh lý tim mạch, hoạt động quá sức khiến bệnh lý tái phát và dẫn đến đột quỵ.

Khoảng 80% các trường hợp đột quỵ khi chơi thể thao là người bệnh lý tim mạch từ trước. Nhiều người biết trước bệnh nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ, song có người có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì không đi khám, hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa nên không được phát hiện.

BS Mạnh cho hay, chẳng hạn như khi đá bóng, nhịp tim thay đổi, đập nhanh hơn, nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến huyết áp tăng nhanh, xuất hiện các cơn thiếu máu lên não. Có thể sau vài phút người bệnh sẽ trở lại trạng thái bình thường nhưng đây chính là dấu hiệu dự báo cơn đột quỵ nguy hiểm sắp xảy ra

Trước đây, đột quỵ thường xảy ra với người cao tuổi và người trung niên, người từ 50 tuổi trở lên, còn gần đây tỷ lệ đột quỵ gia tăng ở cả người trẻ. Nhiều nguyên nhân như dị dạng mạch máu não, bệnh lý mãn tính không lây (tăng huyết áp, tiểu đường), thói quen về sinh hoạt, ăn uống, vận động có thể tăng nguy cơ đột quỵ như hút thuốc lá, ăn uống thiếu lành mạnh; thói quen ít vận động, di chuyển đi lại.

Để ngăn ngừa đột quỵ não, người bệnh nên kiểm soát tốt các bệnh lý nền, nhất là tăng huyết áp. Cần thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát huyết áp như hạn chế muối hoặc natri, bia rượu, thuốc lá, cà phê, trà, nước ngọt, chất béo bão hòa. Tăng cường rau củ quả, vận động thường xuyên.

Với các yếu tố nguy cơ không thể tự nhận biết như dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não, u não, mọi người nên khám sức khỏe định kỳ, chủ động tầm soát đột quỵ. Các chỉ định như chụp CT, MRI sọ não, chụp mạch máu DSA có thể phát hiện sớm các bất thường ở não, từ đó can thiệp kịp thời.

Trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào, mọi người cần chủ động gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp. Nếu có vấn đề gì bất thường, sẽ được tư vấn chọn môn tập và chọn lượng vận động phù hợp, tránh những hệ luỵ đáng tiếc. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.