Chuyện dọc đường

Người dân phải “chọn mặt gửi tiền”

29/11/2017, 08:01

Gửi tiết kiệm là một hình thức đầu tư, người gửi tiền phải xác định rõ ràng cả về cơ hội lẫn rủi ro.

co-phieu-ngan-hang-ucxh-1499582741363

Người dân phải “chọn mặt gửi tiền”

Trước khi luật hóa quy định cho phép các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt phá sản, vấn đề này cũng đã được đề cập một cách gián tiếp trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. 

Song, trên thực tế, chưa có bất cứ một ngân hàng nào “được cho phép” phá sản từ xưa đến nay, thậm chí cụm từ đề cập đến nội dung này cũng hiếm khi được nhắc đến một cách chính thức.

Ngoài ra, thông tin về sức khỏe ngân hàng, nhất là khía cạnh tiêu cực, sai phạm thường được tiếp cận dè dặt, với lý do “nhạy cảm”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế cơ hội tìm hiểu thông tin cho người gửi tiền, cũng như làm giảm hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng nói riêng và của toàn xã hội nói chung với loại hình doanh nghiệp này. Do vậy, nếu áp dụng quy định cho phép ngân hàng phá sản trong điều kiện góc nhìn về vấn đề này còn dè dặt; Hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa đầy đủ, chặt chẽ; Quản trị ngân hàng còn thiếu minh bạch; Đặc biệt là trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo - sẽ là rủi ro không nhỏ cho người gửi tiền cũng như chính hệ thống ngân hàng.

Việc Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, không chỉ củng cố giá trị pháp lý, mà còn “cởi trói” tư tưởng về việc phá sản ngân hàng. Khi đó, cạnh tranh thị trường ngân hàng chắc chắn khốc liệt hơn, song cũng sòng phẳng hơn và tiến tới hiệu quả hơn.

Để quy định “phá sản ngân hàng” có thể đi vào thực tiễn, phát huy ý nghĩa tích cực là thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng, cơ chế, chính sách cụ thể liên quan đến vấn đề này cần tiếp tục được rà soát, hoàn chỉnh. Một trong những chính sách quan trọng cần xem xét lại là mức bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng - được cho là chưa phù hợp, cần được nghiên cứu nâng lên. Cùng đó, cần phải có cơ chế về minh bạch hóa quản trị, thông tin sức khỏe ngân hàng để người gửi tiền có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, làm cơ sở ra quyết định “chọn mặt gửi tiền”.

Hiện, chỉ một số ngân hàng đã niêm yết, báo cáo tài chính được công bố định kỳ, công khai theo đúng quy định, còn đại đa số chỉ công khai báo cáo mỗi năm một lần, thậm chí thưa thớt hơn, dù rằng phần lớn tài sản ngân hàng được hình thành từ nguồn vốn huy động từ dân cư, tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt, để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, công tác kiểm tra, giám sát phải đảm bảo chính xác, kịp thời và công khai hóa. Nhìn từ kinh nghiệm các nước, trách nhiệm kiểm tra, giám sát không chỉ của cơ quan quản lý, thanh tra, mà bảo hiểm tiền gửi cũng phải tham gia, bởi họ là cơ quan phải “móc hầu bao” chi cho người gửi tiền khi có một ngân hàng phá sản. Có như vậy, sức khỏe của mỗi ngân hàng sẽ được chăm sóc thường xuyên, chủ động và tích cực, góp phần giảm thiểu “ốm đau, bệnh tật”, hoặc được “bắt bệnh, bốc thuốc” kịp thời.

Xét cho cùng, gửi tiết kiệm cũng là một hình thức đầu tư, bởi vậy người gửi tiền cũng phải xác định rõ ràng cả về cơ hội lẫn rủi ro. Càng nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác, phân tích hợp lý, thấu đáo về ngân hàng, về thị trường, người gửi tiền càng tăng cơ hội lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro cho mình. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.