Dân đồng thuận, tỷ lệ GPMB cao
Khi triển khai dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, ông Thạch Khâm (ấp Phô Nô Cam Bốt, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, gia đình ông và nhiều hộ dân ở địa phương bị ảnh hưởng khi dự án đi qua.
Ông Thạch Khâm ký nhận tiền bồi thường, hỗ trợ
Nhưng ông và bà con rất vui mừng, phấn khởi nhường nhà, đất cho dự án với mong muốn được góp phần nhỏ của mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực ĐBSCL.
Ông Thạch Khâm vừa đi ký nhận tiền đền bù, nhưng vì lý do tế nhị, ông không tiết lộ con số...
Ông Tăng Trung Bảo, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn cho biết: “Đến nay, toàn xã có 85/95 hộ dân đã nhận số tiền đền bù trên 50 tỷ đồng.
Trong đó số hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ ít nhất là 294.580 đồng và cao nhất là trên 4 tỷ 366 triệu đồng. Còn lại 10 hộ đang thực hiện các thủ tục và sẽ được chi trả sau”.
Theo ông Đặng Văn Phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, Tham Đôn là xã đầu tiên của huyện Mỹ Xuyên và của cả tỉnh thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng dự án cao tốc.
Để người dân sớm được nhận tiền chi trả bồi thường từ dự án cao tốc, các bộ phận có liên quan làm việc cả ngày nghỉ để đảm bảo tiến độ bồi thường cho các hộ dân trên địa bàn xã.
Trong quá trình chi trả tiền cho bà con, huyện chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đúng, đầy đủ các quy trình, thủ tục, đảm bảo nhanh chóng, minh bạch, rõ ràng, tạo sự hài lòng của người dân.
Ông Thạch Khâm vui vẻ nhường nhà cho dự án
Tại xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), Hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư dự án cao tốc huyện Mỹ Xuyên cũng đã phối hợp tổ chức chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự án cao tốc, đoạn qua địa phương này.
Toàn xã đã có 234/247 hộ nhận tiền chi trả tiền đền bù, hỗ trợ và tái định cư, với số tiền trên 86,7 tỷ đồng. Trong đó, tiền bồi thường đất trên 52,4 tỷ đồng; bồi thường nhà ở, công trình, vật kiến trúc, cây trồng, hoa màu, mồ mả, di chuyển nhà trên 8,1 tỷ đồng và tiền hỗ trợ trên 26 tỷ đồng.
Số hộ nhận tiền đền bù, hỗ trợ ít nhất là 632.000 đồng và nhiều nhất là trên 3 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết thêm: “Chúng tôi rất vui, cảm ơn người dân xã Đại Tâm đã ủng hộ, đồng tình, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền trong thực hiện dự án cao tốc.
Để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho bà con, địa phương đã nhiều lần tổ chức họp dân để xin ý kiến của bà con trong từng công việc cụ thể, từ công khai dự án đến thông báo diện tích thu hồi đất, thông báo áp giá…”.
Theo Chủ tịch huyện Mỹ Xuyên, công tác tư vấn, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm được thực hiện công tâm, khách quan, minh bạch nên bà con đồng tình, nhất trí cao.
“Trong công tác xác định giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cái gì có lợi cho người dân mà theo đúng quy định pháp luật thì được tỉnh, huyện vận dụng giải quyết tối đa cho người dân.
Cùng với công tác xác định giá đất bồi thường đảm bảo đúng, trúng, sát thực tế thì công tác đo đạc đất đai, kiểm đếm hoa màu, vật kiến trúc cũng được thực hiện tỉ mỉ, chu đáo, công khai, minh bạch, không để người dân chịu thiệt.
Nhà sư Dương Hiếu, ký nhận tiền đền bù, hỗ trợ đất gia đình ở ấp Cần Giờ 2, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng
Vì thế, khi công bố phương án áp giá đền bù giải phóng mặt bằng dự án, hầu hết bà con đều thống nhất với bảng áp giá chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”, ông Phương cho biết.
Chuẩn bị quyết liệt cho ngày khởi công
Những ngày qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đang rốt ráo cùng Ban Quản lý dự án 2 - chủ đầu tư dự án, các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ chi trả đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
“Đến hết ngày 5/6, các địa phương trong vùng dự án đã hoàn thành việc niêm yết, công bố áp giá hỗ trợ bồi hoàn cho người dân ở các địa phương có dự án đi qua và đã nhận được sự đồng thuận cao.
Việc GPMB ở Sóc Trăng tiến hành khá thuận lợi và diễn ra nhanh chóng”, ông Thạch Minh Hoài, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Trước đó, ngày 22/5, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định phê duyệt giá đất làm cơ sở tính tiền bồi thường về đất khi thu hồi để thực hiện dự án.
Ngoài bồi thường về đất, người có đất bị thu hồi phục vụ dự án cao tốc còn được hưởng các khoản hỗ trợ theo quy định như: hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ tái định cư…
Theo đó, giá đền bù GPMB dự án, nơi cao nhất hơn 7,8 triệu đồng/m2 và thấp nhất là 57 nghìn đồng/m2.
Một người dân ở xã Tham Đôn chấp nhận nhường nhà, khi bị ảnh hưởng dự án
Tùy theo từng loại đất (đất ở tại đô thị, đất ở tại nông thôn, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm…), vị trí đất (tiếp giáp Quốc lộ 1A, đường tỉnh lộ, huyện lộ, kênh thủy lợi…) sẽ có mức giá bồi thường tương ứng, đảm bảo người dân nhận tiền bồi thường đúng theo từng loại, vị trí đất đã được phê duyệt.
Theo ông Hoài, 4 địa phương có tuyến cao tốc đi qua đã chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho 740 hộ dân trong tổng số gần 1.800 hộ dân bị ảnh hưởng, đạt hơn 41% số hộ. Qua đó, các địa phương cũng đã hoàn thành GPMB mặt bằng trên 40% diện tích đất cho dự án cao tốc.
Hiện, các địa phương có tiến độ giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất là huyện Mỹ Xuyên đạt trên 90%, TP Sóc Trăng đạt trên 55%. Hai huyện còn lại là Mỹ Tú đạt trên 33% và huyện Trần Đề đạt 23%.
Ngày khởi công dự án thành phần 4 theo đề xuất của tỉnh Sóc Trăng là 17/6, nhưng mới đây, theo dự kiến có thể dời sang ngày 18/6.
Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Sóc Trăng có chiều dài khoảng 58,37km, tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, diện tích đất cần giải tỏa 384,10ha, ảnh hưởng 1.787 hộ và 8 tổ chức.
Dự án thành phần 4 đi qua các huyện: Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và TP Sóc Trăng, với tổng diện tích đất thu hồi 331ha, số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khoảng 2.789 hộ.
Dự án có quy mô đầu tư 4 làn xe (theo phân kỳ đầu tư), vận tốc thiết kế 100km/h, với tổng chiều dài tuyến 58,37km, điểm đầu tại huyện Mỹ Tú (giáp với tỉnh Hậu Giang) và điểm cuối là huyện Trần Đề (giao với Quốc lộ Nam sông Hậu).
Theo thiết kế, cao tốc sẽ có các điểm đấu nối, nút giao, điểm dừng nghỉ tại các huyện, thành phố trong tỉnh.
Đây là cơ hội để Sóc Trăng và các địa phương trong tỉnh quy hoạch phát triển dịch vụ - thương mại, đô thị, các khu, cụm công nghiệp trong tương lai, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận