Thời sự Quốc tế

Người dân Phần Lan rèn luyện quân sự phòng nguy cơ căng thẳng với Nga

Số lượng người dân Phần Lan tham gia các khóa huấn luyện quân sự đã tăng “đột biến” sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng lên.

Các hiệp hội huấn luyện quân sự ‘hút khách’

Kể từ khi căng thẳng leo thang tại Ukraine, Hiệp hội lính dự bị Vantaa ở Phần Lan chứng kiến sự thay đổi đặc biệt về số lượng thành viên. Hơn 1/4 trong số 1.354 thành viên mới gia nhập Vantaa là tham gia trong vòng vài tuần qua.

Trong thời gian xung đột Nga và Ukraine nổ ra, hàng nghìn người Phần Lan đã nhanh chóng đăng ký với các hiệp hội huấn luyện để rèn giũa kỹ năng quân sự hoặc học những kỹ năng mới như sơ cứu.

Mặc dù 900,000 người Phần Lan trên toàn quốc đã được huấn luyện quân sự, nhưng nhiều người vẫn thấy rằng cần được huấn luyện thêm.

img

Một bộ phận ngày càng tăng người Phần Lan tham gia huấn luyện quân sự phòng nguy cơ xung đột. Ảnh - USA Today

Hiệp hội lính dự bị quốc gia gồm 45,000 thành viên đã có thêm hơn 6.300 thành viên mới trong những tháng gần đây, gần gấp đôi số người gia nhập trong giai đoạn năm 2015 - 2021.

Trong khi đó, Hiệp hội huấn luyện quốc phòng Phần Lan, được Bộ Quốc phòng giám sát, đã ghi nhận số lượng người đăng ký các khóa đào tạo huấn luyện gấp 8 lần bình thường.

“Nhiều người nói rằng họ rất hoảng sợ những diễn biến căng thẳng của Nga vào Ukraine, họ muốn được tăng năng lực phòng vệ, học những kiến thức mới và đảm bảo chuẩn bị đầy đủ cho những điều tồi tệ nhất", ông Ossi Hietala, huấn luyện viên của Hiệp hội Huấn luyện Quốc phòng Phần Lan, cho hay.

Và đây cũng là những điều nhiều người dân Phần Lan đang lo ngại. Antti Kettunen, một thành viên của Vantaa, nói: “Có vẻ không ổn cho châu Âu vào lúc này”.

Kortelainen, một thành viên khác của Hiệp hội lính dự bị Phần Lan, lưu ý rằng mặc dù khó xảy ra nhưng nguy cơ chiến tranh đang cao hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong đời ông.

Xét lại lập trường trung lập?

Xu hướng này xuất phát từ sự lo lắng về khoảng cách địa lý của Phần Lan với Nga. Phần Lan có đường biên giới chung dài 830 dặm và lịch sử từng xảy ra nhiều trận chiến với Nga trong thế kỷ trước.

Do vậy, Phần Lan là một trong số ít các quốc gia châu Âu yêu cầu người dân thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Lịch sử đó cũng đã định hình nên lập trường chính trị của nước này là duy trì trung lập trong Chiến tranh Lạnh và trở thành trung gian giữa phương Tây và Nga. Phần Lan coi đây là biện pháp giúp họ duy trì nền độc lập và tự chủ khi tồn tại giữa hai "ông lớn".

Trong nhiều năm qua, lựa chọn gia nhập NATO dường như là khả năng xa vời đối với nhiều người Phần Lan. Nhưng lúc này, khi xung đột tại Ukraine bất ngờ bùng lên, đó lại là một lựa chọn cấp bách đối với nhiều người.

Trong những tuần gần đây, các quan chức Phần Lan đã tham gia vào một loạt các cuộc họp với các quan chức châu Âu. Phía châu Âu cũng úp mở khả năng quốc gia 5,5 triệu dân có thể bắt đầu quá trình gia nhập NATO vào mùa hè năm nay.

Janne Kuusela, một quan chức Bộ Quốc phòng Phần Lan cho biết: “Chúng tôi không bao giờ mất cảnh giác như nhiều nước châu Âu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Chúng tôi có đủ khả năng để tự vệ nếu cần trong tương lai”.

Theo ông Kuusela, Nga không đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với Phần Lan, nhưng người Phần Lan đang lo ngại về một thời kỳ bất ổn kéo dài ở châu Âu. Phần Lan và Nga trước đây có rất nhiều hoạt động thương mại và du lịch xuyên biên giới, nhưng nay bị giảm dần do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

“Có rất nhiều điều bất ổn và có thể mối quan hệ lạnh nhạt giữa Nga và phương Tây sẽ còn kéo dài” - ông Kuusela nói.

Tỷ lệ ủng hộ gia nhập NATO tăng đáng kể

Ngoài chuẩn bị về kiến thức, năng lực quân sự, lần đầu tiên trong lịch sử Phần Lan, có rất nhiều người Phần Lan ủng hộ việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hiện tại, có khoảng 60% người Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO, tỷ lệ gia tăng đáng kể so với trước cuộc xung đột Ukraine. Thời điểm đó, chỉ 20% người Phần Lan ủng hộ và đại đa số không có quyết định gì về vấn đề này.

Timo Virtanen, 35 tuổi, đồng sáng lập của một công ty CNTT Phần Lan, và là một trong sáu người Phần Lan dẫn đầu làn sóng kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý công khai về việc liệu Phần Lan có nên gia nhập NATO hay không.

Virtanen cảm thấy đây là thời điểm để hành động về vấn đề này. Người Phần Lan đã rất lo lắng kể từ khi xung đột Ukraine bùng lên, khi một số mặt hàng trở nên khan hiếm và nhiều người đi gia cố hầm trú bom.

Trong nhiều năm qua, các quan chức Phần Lan đều nhấn mạnh cần phải có sự ủng hộ rõ ràng của người dân Phần Lan mới quyết định gia nhập NATO nhưng theo Virtanen, chính phủ gần như không làm gì để thu hút sự ủng hộ của người dân. Chính phủ thường đề cập đến “lựa chọn NATO” nhưng chưa thực sự hành động về vấn đề này.

Cách đây ít ngày, một bản kiến nghị mở cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập NATO của người dân Phần Lan đã thu thập được đủ 50.000 chữ ký cần thiết trong vòng một tuần. Sau khi chính thức kết thúc đợt thu thập chữ ký, hơn 76.007 người đã tham gia ủng hộ. Bản kiến nghị đã được gửi đến Quốc hội Phần Lan vào ngày 8/3.

Tuy Quốc hội nước này không bắt buộc phải thực hiện cuộc trưng cầu dân ý và bỏ phiếu công khai về vấn đề này, nhưng việc đệ trình bản kiến nghị này cũng đã là dấu mốc lịch sử.

Phản ứng của Nga trước đồn đoán Phần Lan có thể gia nhập NATO

Trong khi đó, trước làn sóng dư luận về việc Phần Lan, và cả Thụy Điển, có thể sắp gia nhập NATO, Điện Kremlin không ủng hộ động thái này và đã đưa ra những phản ứng rõ ràng.

Trong cuộc họp báo ngày 11/4, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định rằng liên minh này (NATO) vẫn là một công cụ phục vụ cho đối đầu và việc mở rộng NATO sẽ không mang lại sự ổn định cho châu Âu".

Trước đó, vào ngày 7/4, ông Dmitry Peskov cũng thông tin, nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO thì Nga sẽ phải "tái cân bằng tình hình" bằng các biện pháp của riêng mình, trong đó có việc củng cố sườn phía Tây để đảm bảo an ninh.

Dù vậy, Nga sẽ không coi động thái gia nhập NATO của hai nước này là một mối đe dọa hiện hữu và Moscow cũng không xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả điều đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.