Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nằm trên trục quốc lộ 60 (QL60) nối liền hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Tại Sóc Trăng, dự án thuộc địa bàn hai huyện Cù Lao Dung và Long Phú, với chiều dài khoảng 5,3km, diện tích đất cần thu hồi trên 200.000m2.
Người dân đồng thuận cao
Tính đến ngày 10/9, số hộ đồng thuận chủ trương và tự nguyện bàn giao mặt bằng sạch đạt tỷ lệ 96,6%, trong đó, huyện Long Phú có số hộ dân đồng thuận đạt 100%, với tổng diện tích thu hồi hơn 6.564m2.
Còn huyện Cù Lao Dung có 90 hộ đồng thuận giao mặt bằng với diện tích thu hồi hơn 161.771m2 đạt tỷ lệ gần 90%.
Nhận tiền đền bù bởi dự án, ông Huỳnh Thanh Diệp (ngụ xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: "Gia đình tôi có trên 700m2 đất bị ảnh hưởng bởi dự án đi qua. Tôi thấy, việc kiểm đếm, đo đạc và thu hồi đất địa phương làm rất tốt, giá bồi thường phù hợp".
Ông Nguyễn Văn Xuyên (ngụ xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) cũng chia sẻ, gia đình ông rất đồng tình khi nhà nước thực hiện dự án, các khung chính sách đền bù thỏa đáng, minh bạch và đúng theo quy định.
"Người dân xứ cù lao sông nước chúng tôi mong muốn dự án sớm thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu nay. Có cầu Đại Ngãi đời sống bà con Cù Lao Dung rồi đây sẽ phát triển mạnh", ông Xuyên bộc bạch.
Không để người dân thiệt thòi
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, giá đền bù GPMB dự án đoạn thuộc địa bàn huyện Long Phú và huyện Cù Lao Dung, nơi cao nhất có giá hơn 1,9 triệu đồng/m2 và thấp nhất 161.000 đồng/m2.
Giá bồi thường tùy theo từng loại đất (đất ở tại nông thôn, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm…) và vị trí đất sẽ có mức giá bồi thường tương ứng đúng theo quy định.
Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, dự án đi qua địa bàn huyện có chiều dài khoảng 5,1km, tổng diện tích thu hồi hơn 186.644m2, có 93 hộ dân bị ảnh hưởng.
"Thời gian qua, huyện đã niêm yết công khai áp giá bồi thường, thực hiện họp dân công bố phương án áp giá đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng dự án.
Qua đó, các hộ dân bị ảnh hưởng đã đồng thuận cao với mức hỗ trợ của địa phương đưa ra. Quan điểm của chúng tôi trong bồi thường là tính đúng, tính đủ, không để người dân phải chịu thiệt thòi", ông Nguyên cho hay.
Theo ông Phạm Kiến Quốc, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Sóc Trăng, đơn vị được UBND tỉnh giao thực hiện công tác bồi thường và GPMB dự án, quá trình triển khai được người dân đồng thuận cao.
Tỉnh Sóc Trăng đang phấn đấu đến cuối tháng 9/2023 sẽ giải phóng mặt bằng đạt 100% và bàn giao cho Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải) thi công.
Tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng
Dự án cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu, trên quốc lộ 60 nối liền 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.
Theo đó, dự án có điểm đầu giao với QL54, thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 15,14 km. Phần tuyến được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng hơn 5.200 tỷ đồng. Chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030 khoảng hơn 2.700 tỷ đồng.
Cầu Đại Ngãi hoàn thành giúp thông tuyến quốc lộ 60, rút ngắn khoảng cách 80km khi di chuyển từ tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau lên TP.HCM so với tuyến quốc lộ 1.
Đồng thời, mở ra hướng phát triển kinh tế cho vùng duyên hải các tỉnh miền Tây Nam Bộ, hỗ trợ phát triển kinh tế biển của các địa phương, tạo tính kết nối vùng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận