Hạ tầng

Người dân Thủ đô sắp "ra ngõ gặp điểm chờ xe buýt"?

15/09/2020, 10:02

Hà Nội dự kiến bổ sung hơn 2.500 điểm dừng xe buýt để 80% người dân có thể tiếp cận xe buýt trong phạm vi đi bộ hợp lý với cự ly dưới 500m.

img
Mạng lưới điểm dừng xe buýt Hà Nội được đánh giá thuận lợi ở nội đô nhưng còn bất tiện ở ngoại thành và thiếu kết nối với các tuyến đường sắt trên cao đang xây dựng

Ngoại thành quá ít điểm dừng

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Hà Nội hiện có 3.813 điểm dừng xe buýt (trong đó 361 điểm dừng xe buýt có nhà chờ), phục vụ hoạt động của 127 tuyến và nhánh tuyến xe buýt). Trung bình, cứ 1,1km2 lại có một điểm dừng.

Nếu phân theo khu vực, trong nội thành, tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt với cự ly dưới 500m đạt khoảng 80% (số hành khách lên xe chỉ phải đi bộ dưới 500m là tới điểm dừng xe buýt). Tuy nhiên, tại ngoại thành, con số này thấp hơn nhiều, chỉ đạt khoảng 30%.

Thông tin về mạng lưới điểm dừng xe buýt hiện nay, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội (Tramoc) cho biết: Kết quả khảo sát hiện trường về thực trạng tiếp cận và kết nối xe buýt tại 6 bến xe và 6 điểm trung chuyển nội mạng và 331 điểm dừng đỗ xe buýt đối với 2.000 hành khách cho thấy, chỉ có 5,59% hành khách đánh giá hệ thống điểm dừng xe buýt hiện nay chưa hợp lý, trong đó chủ yếu do điểm dừng nằm xa các ngõ, nút giao.

“Việc kết nối dọc khá thuận lợi và đang là hình thức kết nối chuyển tuyến phổ biến của hành khách hiện nay. Bên cạnh đó, kết nối giữa xe buýt với tuyến buýt nhanh BRT 01 (Kim Mã - Yên Nghĩa) cũng khá tốt, cự ly đi bộ để trung chuyển giữa các loại hình chỉ dưới 200m”, ông Phương thông tin.

Mặc dù vậy, ông Phương cũng thừa nhận, ngay tại nội thành Hà Nội, vẫn còn không ít bất cập liên quan hạ tầng xe buýt. Đáng chú ý nhất là khoảng cách giữa điểm dừng xe buýt với nhà ga các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội vẫn khá xa, không phù hợp với việc trung chuyển của hành khách. Trong đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông có 8/12 nhà ga mà điểm dừng xe buýt cách từ 350 - 500m; tuyến Nhổn - ga Hà Nội có 9/12 nhà ga mà điểm dừng xe buýt cách từ 350 - 500m.

Thêm 1,4 triệu dân Hà Nội sẽ dễ dàng tiếp cận xe buýt

Thông tin thêm, ông Phương cho hay, Tramoc đang khẩn trương hoàn thiện Đề án rà soát, bố trí các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển để tăng khả năng kết nối giữa xe buýt với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, cũng như giữa các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.

Trong giai đoạn tới, Tramoc sẽ đề xuất thành phố nghiên cứu bổ sung khoảng 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt, bố trí lại các điểm dừng tiếp cận gần với các khu dân cư phù hợp với cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông và kế hoạch phát triển mạng lưới xe buýt để khoảng 80% người dân có thể tiếp cận xe buýt trong phạm vi đi bộ hợp lý với cự ly dưới 500m. Cự ly giữa các điểm dừng liền kề trong khu vực đô thị khoảng 300 - 600m.

Các điểm dừng xe buýt sẽ được bố trí theo nguyên tắc tiếp cận gần các nhà ga đường sắt đô thị, các điểm trông giữ phương tiện cá nhân, bảo đảm cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 200m (thời gian đi bộ trung chuyển dưới 5 phút).

“Tramoc cũng sẽ nghiên cứu và tham mưu thành phố phát triển thêm 15 điểm trung chuyển xe buýt, nâng tổng số điểm trung chuyển lên 21 điểm trên địa bàn thành phố. Trong đó 5 điểm trung chuyển kết nối trực tiếp xe buýt với các nhà ga lớn của đường sắt đô thị, cho phép xe buýt hoạt động với tần suất cao, đa dạng về hướng tuyến, bảo đảm năng lực tổ chức xe buýt kết nối trung chuyển hành khách với đường sắt đô thị; 10 điểm trung chuyển phục vụ kết nối nội mạng tại các vị trí thuận lợi cho việc tái cấu trúc mạng lưới, phân tách các tuyến buýt nội thành, ngoại thành, tổ chức các tuyến buýt gom…, hình thành mạng lưới có cấu trúc dựa trên các điểm trung chuyển thay vì cung cấp các dịch vụ kết nối trực tiếp với cự ly dài; tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng tại các điểm trung chuyển xe buýt để hành khách có thể tiếp cận các khu vực nằm trong các phố, ngõ nhỏ”, ông Phương thông tin.

Ông Phương cho biết, theo tính toán ban đầu, với cách làm này sẽ có thêm khoảng 1,4 triệu người dân được tiếp cận xe buýt với cự ly đi bộ dưới 500m và nhiều người khác sẽ có thêm giải pháp kết nối với phương tiện công cộng bằng xe máy, xe đạp công cộng với xe buýt, đường sắt đô thị để giảm thời gian chuyến đi, tối ưu hóa chi phí, thời gian đi lại.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Phan Lê Bình, chuyên gia JICA, giảng viên Trường Đại học Việt Nhật cho rằng, hệ thống nhà chờ, điểm dừng xe buýt của Hà Nội hiện được bố trí khoảng cách khá phù hợp, không thua kém tại Nhật Bản xét về khoảng cách cũng như kết cấu. Mặc dù vậy, vấn đề hiện nay là phải khẩn trương khắc phục tình trạng quá nhiều xe buýt tập trung tại một điểm.

Đơn cử, trước khu vực Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ có một nhà chờ xe buýt, trong khi có đến 8 tuyến buýt đi qua. Việc bố trí này sẽ tạo nên áp lực và sự lộn xộn trong giờ cao điểm. Do đó, cần nghiên cứu vị trí, tách thành hai điểm chờ gần nhau để giảm ùn ứ xe trên đường và khách tại trạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.