Ảnh minh hoạ |
Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) Lê Khánh Hải vừa ký văn bản số 2249 công bố báo cáo kết quả xác minh và thực hiện các kiến nghị liên quan đến những thông tin lùm xùm tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam do Bà Đặng Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm này báo cáo.
Theo đó, Bộ VH-TT&DL giao Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu việc tổ chức kiểm điểm và đề xuất xử lý sau kiểm điểm đối với Giám đốc Trung tâm Triễn lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam Dương Văn Quynh và bà Đặng Thị Ngọc Bích Phó giám đốc Trung tâm này.
Phó Giám đốc “tố” Giám đốc không minh bạch
Sự việc bắt nguồn từ khi bà Đặng Thị Ngọc Bích nhiều lần gửi thư tới Bộ VH-TT&DL đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến Giám đốc Trung tâm là ông Dương Văn Quynh.
Bà Bích “tố” Giám đốc Trung tâm này giải quyết công việc không đúng nguyên tắc, thiếu dân chủ, không công khai, nhiều việc không thông qua Ban giám đốc. Bà cũng đề nghị Bộ VH-TT&DL làm rõ việc ông Quynh không công khai nguồn kinh phí được ngân sách cấp cho trung tâm, việc chi tiền quần áo đồng phục cho viên chức thiếu chứng từ hợp lệ, vi phạm trong tổ chức cán bộ…
Tiếp nhận những thông tin tố giác này, Bộ VH-TT&DL đã lập Tổ công tác kiểm tra, xác minh, đề xuất biện pháp xử lý những người tố giác nêu.
Theo báo cáo kết quả xác minh Tổ công tác gửi Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, ông Dương Văn Quynh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2015, 2016.
Tuy nhiên việc khắc phục một số hạn chế, tồn tại trong tác phong, lề lối làm việc chưa rõ rệt đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, điều hành. Cùng với đó, ông Quynh cũng chưa kịp thời giải quyết thấu đáo các vấn đề phát sinh trong nội bộ dẫn đến những nghi ngại về tính thiếu khách quan, công khai, minh bạch.
Tổ công tác của Bộ VH- TT&DL nhận định, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa thật tốt; Việc điều chỉnh, bổ sung, ban hành quy chế thục hiện dân chủ trong hoạt động của trung tâm còn chậm và cũng không thể hiện rõ trách nhiệm, quan hệ giữa giám đốc và các Phó giám đốc. Điều này dẫn đến việc nhận thức chưa đầy đủ,chưa rõ ràng về chế độ chủ trương và việc phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Tuy nhiên, Tổ công tác cũng xem xét cả trách nhiệm của người đi tố giác là bà Bích – cấp dưới của ông Quynh. Tổ công tác cho rằng, do không thống nhất trong phương pháp và nguyên tắc trong quản lý, điều hành đã báo cáo lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ một số nội dung đúng một phần, một số nội dung không đủ cơ sở để kết luận.
Tổ công tác cũng kết luận bà Bích chưa thực hiện đúng quy định của luật Cán bộ, công chức và các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung phản ánh, báo cáo.
Đặc biệt, đối với sự mất ổn định tình hình nội bộ của Trung tâm trong thời gian qua có một phần trách nhiệm của bà Đặng Thị Ngọc Bích.
Trên cơ sở đó, Tổ công tác kết luận: ông Dương Văn Quynh và bà Đặng Thị Ngọc Bích có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ kéo dài, chưa thật tuân thủ quy định kỷ cương, không thống nhất trong phương pháp làm việc, tạo dư luận không tốt trong công chức, viên chức và người lao động của đơn vị, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Kiến nghị Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ VH-TT&DL chỉ đạo các cơ quan chức năng đề xuất giải quyết dứt điểm sự mất đoàn kết nội bộ kéo dài giữa Giám đốc và Phó giám đốc trung tâm; làm rõ trách nhiệm và kiểm điểm cả ông Quynh và bà Bích.
Không đồng tình việc xử lý cả người đi tố cáo
Ngay sau khi có kết luận, bà Bích đã có đơn khiếu nại gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tỏ ý không đồng tình với báo cáo kết quả xác minh của Tổ công tác. Bà Bích mong Bộ trưởng Thiện có ý kiến chỉ đạo sát sao và giải quyết dứt điểm những vấn đề bà báo cáo về ông Quynh.
Trao đổi với báo giới về việc này bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng – Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho biết, ông vừa trực tiếp chuyển một yêu cầu đi kèm một thư khiếu nại, liên quan đến sự việc của Trung tâm Văn hoá Nghệ thuận Việt Nam đến Bộ trưởng Bộ Văn hoá Nguyễn Ngọc Thiện.
“Tôi đã trực tiếp gặp Bộ trưởng nói về vấn đề này. Tôi nói tôi không chất vấn Bộ trưởng việc này nhưng kiến nghị Bộ trưởng xem xét lại sự việc” – ông Nhưỡng nói và nhấn mạnh quan điểm, việc xử lý cả người đi tố cáo lẫn người bị tố cáo, cho rằng gây mất đoàn kết là không hợp lý, ông không đồng tình. “Người ta thường xuyên có văn bản thì không thể nói người ta mất đoàn kết, mà là do anh không giải quyết và tự anh gây mất đoàn kết” – ông Nhưỡng đánh giá.
Trước đó, thảo luận tại Quốc hội về Luật tố cáo, nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm đến việc cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo, khuyến khích mọi người dám đứng ra tố cáo sai phạm.
ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo niềm tin và đảm bảo để người tố cáo thực hiện quyền tố cáo của mình trong đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật cũng như trong công tác phòng, chống tham nhũng, về bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết tố cáo.
Tuy nhiên, do mô hình cơ quan tổ chức tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết tố cáo thường là những tập thể với nhiều bộ phận khác nhau nên nếu không quy định cụ thể trách nhiệm của cá nhân, của những người có liên quan thì việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo theo quy định này khó được đảm bảo. “Các cơ quan, tổ chức có liên quan phải xây dựng và thực hiện các quy trình nghiệp vụ về tiếp nhận xử lý và giải quyết tố cáo, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm trong việc bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo” – ông Sang nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận