Phong trào hiến máu tình nguyện cần được lan tỏa hơn nữa bằng cách truyền thông rộng rãi và có chính sách thiết thực cho người hiến máu |
Trước tình trạng thiếu nhóm máu O trầm trọng nguy cơ ảnh hưởng lớn tới người bệnh, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã tha thiết kêu gọi người dân, nhất là những người có nhóm máu O tham gia hiến máu cứu người. Viện này cũng thông báo một số địa điểm người dân có thể đến hiến máu từ nay đến Tết Nguyên đán.
Trên nhiều diễn đàn, đa số ý kiến bày tỏ sự đồng tình, kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ. "Có rất ít người bán máu, nếu không ai hiến máu thì lấy đâu ra máu cứu người bệnh, chúng ta hãy biết sống vì mọi người, hãy nghĩ đến lúc chính người thân của chúng ta gặp nguy cấp...", một người có tài khoản Phương Anh viết.
"Tai nạn giao thông diễn ra thường xuyên, kiểu gì chả thiếu máu vì có ai tự dưng đi bán đâu, lượng máu hoàn toàn trông chờ vào hiến máu tình nguyện, mọi người cùng hưởng ứng đi nào...", bạn Loan Trần - một thành viên tích cực của các diễn đàn từ thiện chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn như: Tại sao lại đến mức cạn máu nhóm O phải thông báo trên truyền hình, có gì bất thường không, các nhóm máu khác thì sao? Người hiến máu có được miễn phí trong trường hợp chẳng may cần dùng? Vì sao hiến máu thì miễn phí nhưng khi bán ra cho người bệnh giá rất cao?
Nick namne Minh Khuyên bày tỏ: "Cứu người là việc nên làm nhưng mình hiến cho bệnh viện rồi người ta lại bán cho người dân với giá đắt. Cần phải làm rõ những vấn đề này thì việc khuyến khích người dân hiến máu mới đạt kết quả".
Bạn Hồng Nguyễn băn khoăn: "Trong trường hợp chẳng may mình gặp tai nạn mất nhiều máu gần truyền bổ sung mà trước đó mình từng hiến máu thì có được miễn phí không? Gia đình có người cần máu có được nhận lượng máu tương đương mình đã hiến không? Thủ tục có phức tạp?".
Những ý kiến "không nhiệt tình" trên đã nhận được nhiều phản hồi.
Cư dân Thanh Huyền viết trên một diễn đàn: "Mọi người cứ suy nghĩ tích cực là với lượng máu mình cho đi góp với nhiều người thì sẽ có nhiều người được cứu. Cho dù là phải mua với giá đắt còn hơn giá đắt không có mà mua".
"Cứ lo đắt rẻ, thiệt hơn như các bạn thì ai hiến nữa. Đã là việc thiện, tự nguyện làm tự tâm thì đừng suy tính thiệt hơn. Nếu không chung tay vì cộng đồng, chẳng may lúc nào đó bạn hay người thân gặp nạn, không có máu mà mua thì dù có rất nhiều tiền, liệu bạn làm được gì?", bạn Hồng Anh đáp trả 1 ý kiến bình luận thiếu tích cực.
Chia sẻ về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Trà Liên, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn, Hà Nội - đơn vị thường xuyên tổ chức các chương trình hiến máu cho biết, theo quy định hiện nay, người hiến máu trong trường hợp không may cần đến máu, với giấy chứng nhận hiến máu, người bệnh sẽ được cơ sở y tế nhà nước bồi hoàn 100% số máu đã hiến. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định dùng giấy hiến máu của người này để cho người khác, dù là người thân trong gia đình.
"Thường thì, thủ tục bồi hoàn máu cho người đã hiến sẽ không kịp xử lý ngay nên người bệnh vẫn phải mua luôn máu của bệnh viện nhưng sau đó sẽ được thanh toán giảm trừ", bà Liên cho hay. Trường hợp, người bệnh không hiến máu thì phải trả phí theo quy định.
"Toàn bộ ngân hàng máu trong bệnh viện là lấy từ nguồn máu hiến của người tình nguyện. Lượng máu được hiến trước khi được truyền cho người bệnh phải qua nhiều chu trình: sàng lọc, bảo quản... Nếu quá hạn bảo quản lượng máu đó chưa được dùng thì phải bỏ. Người hiến máu đều có chế độ bồi dưỡng sức khỏe và hoàn toàn tự nguyện, không ai, đơn vị nào có thể ép buộc. Bản thân các bệnh viện cũng không đăng ký mua máu mà phát huy tinh thần cộng đồng. Về giá, Nhà nước cũng có quy định, các cơ sở y tế không thể tự ý đẩy giá cao", bà Liên nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận