Liên quan đến việc ngày 28/3, Báo Giao thông có bài viết “Giả mù chữ ăn bớt thi lý thuyết bằng lái xe” phản ánh nhiều trường hợp biết đọc, biết viết nhưng vẫn xin xác nhận của địa phương là “mù chữ” để được giảm thiểu phần thi lý thuyết sát hạch GPLX, trong quá trình xác minh trên địa bàn huyện Bảo Thắng có 15 trường hợp, huyện Bắc Hà có 3 trường hợp, huyện Si Ma Cai có 1 trường hợp; huyện Bảo Yên có 3 trường hợp; huyện Mường Khương có 12 trường hợp; huyện Bát Xát có 93 trường hợp.
Kết quả xác minh cho thấy, có 77/127 học viên biết đọc, viết chữ Tiếng Việt, 4 người không xác minh được do không có dữ liệu dân cư hoặc không có thông tin cư trú tại địa phương.
Luật sư Phạm Quân (Văn phòng Luật sư Quang Vinh, Đoàn luật sư tỉnh Yên Bái
Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Quân (Văn phòng Luật sư Quang Vinh, Đoàn luật sư tỉnh Yên Bái) cho biết: "Đối với Chủ tịch UBND xã, nếu qua điều tra, xác minh của cơ quan chức năng mà Chủ tịch UBND xã biết việc người dân giả bị mù chữ nhưng vẫn ký xác nhận "không biết chữ" cho công dân để nhận được tiền từ "cò mồi", tùy vào tính chất, mức độ có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức hoặc bị xử lý hình sự về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ Luật Hình sự.
Trường hợp biết người đó không mù chữ mà vẫn ký xác nhận (nhưng không có hành vi nhận hối lộ), hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm không kiểm tra, xác minh kỹ dẫn đến ký xác nhận có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức".
Luật sư Phạm Quân cũng cho biết, đối với người khai báo gian dối bị mù chữ để ăn bớt thi lý thuyết bằng lái xe: “Theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 37 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ) quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe thì "cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch, cấp mới, cấp lại GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ" có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3 triệu đến 5 triệu đồng".
Đối tượng "cò mồi" đứng ra nhận tiền và giúp người dân xin xác nhận của UBND xã về việc không biết chữ để làm hồ sơ thi GPLX, nếu quá trình xin xác nhận của UBND xã mà đối tượng đưa tiền hối lộ cho Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã, căn cứ số tiền đưa hối lộ (từ 2 triệu trở lên), cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hình sự về tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).
Nếu không có hành vi đưa hối lộ, chế tài về hành chính chưa quy định xử phạt đối với hành vi "cung cấp nội dung thông tin sai sự thật trong hoạt động hành chính tư pháp". Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, tuy nhiên trong nghị định chưa quy định chế tài xử phạt đối với hành vi nêu trên nên khó xử lý đối tượng "cò mồi" để làm hồ sơ thi GPLX.
Bản chất hoạt động "xin xác nhận" là hoạt động mà cơ quan hành chính (UBND xã) chứng thực cho công dân về một nội dung vấn đề, nội dung thông tin là sự thật. Tuy nhiên, theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì hoạt động "xác nhận" của UBND xã không thuộc các trường hợp quy định về chứng thực, mặc dù "xác nhận" và "chứng thực" về bản chất là 2 hoạt động giống nhau.
Báo Giao thông tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận