Tài chính

Người mang lợi nhuận, an vui đến khách hàng

07/08/2022, 07:19

Trầm cảm sau một dự án kinh doanh thất bại cũng là lúc vị CEO An Vui phát hiện ra cơ hội khởi nghiệp lại: Số hoá cho các DN vận tải đường dài.

Mang an vui cho vận tải khách đường dài

Chọn miền Trung cho chuyến du lịch tháng 6 vừa qua, anh Nguyễn Hải Nam (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng 5 người bạn bay đến Đà Nẵng.

Tại đây, để di chuyển tới các điểm đến như: Bà Nà, Mỹ Sơn, Hội An… anh Nam vào app của Công ty CP Đồng Hành Travel (Travebus) chọn điểm đi, điểm đến, thời gian, tại đây hiển thị nhiều chuyến xe tương ứng với các khung giờ, số ghế, vị trí còn trống, giá vé…

img

Khách hàng trải nghiệm dịch vụ vận tải đường dài chỉ bằng một cú “nhấp chuột”

Sau khi lựa chọn chuyến đi, thanh toán, anh Nam nhận được vé điện tử bao gồm mã số và QR code kèm hướng dẫn chi tiết về điểm đón, trả, giờ lên xe, số xe, liên lạc của tài xế, hành trình di chuyển…

“Không cần điện thoại í ới để hẹn hay tìm nhau vì đã có app hiển thị chính xác vị trí của mỗi bên”, anh Nam cho biết.

Anh Nam là một trong số hơn 1 triệu hành khách đang di chuyển liên tỉnh theo cách thức đó mỗi tháng. Còn Đồng Hành Travel là một trong 200 doanh nghiệp vận tải hành khách đường dài với 6.000 đầu xe đang cung cấp dịch vụ theo cách tương tự.

Nhóm khách hàng và doanh nghiệp này kết nối với nhau thông qua một startup công nghệ có tên An Vui.

Không dừng ở việc cung cấp cho khách hàng một kênh kết nối với nhà xe, An Vui mang đến cho các doanh nghiệp vận tải một nền tảng quản trị hệ thống trọn gói, từ xây dựng app, website để bán vé, đến hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng bằng AI, hệ thống tin nhắn, kết nối thanh toán, vé, hợp đồng và hoá đơn điện tử, quản lý tài xế, lịch trình di chuyển, quản lý tài chính, thậm chí cả quản lý bảo trì, bảo dưỡng xe...

“Toàn bộ quá trình vận hành của doanh nghiệp được tự động hoá. Doanh nghiệp có thể quản lý theo giây từ số lượng vé đã bán, vé tồn, lịch trình di chuyển, dòng tiền, lỗ, lãi. Hơn 200 doanh nghiệp đang sử dụng hệ thống công nghệ của chúng tôi có thể tiết kiệm trung bình 10% chi phí, tăng 10-15% doanh thu so với cách thức kinh doanh thủ công truyền thống”, anh Phan Bá Mạnh, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ An Vui khoe.

img

Ông Phan Bá Mạnh, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ An Vui

Xác nhận với Báo Giao thông, ông Trần Đăng Huy, CEO Công ty CP Đồng Hành Travel, doanh nghiệp đang khai thác thị phần vận tải du lịch tại khu vực miền Trung cho biết đã hợp tác với An Vui từ tháng 4/2019 đến nay.

Nhờ số hoá, công ty giảm được gần 50% nhân sự ở các khâu như trực tổng đài, ghi chép, xếp lịch cho khách, kiểm kê, thu tiền, kế toán... Doanh thu của công ty tăng từng tháng, đến tháng 7 ước tính tăng 350% so với tháng 4.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Inter Bus Line – đối tác đồng hành với An Vui từ ngày đầu thành lập đến nay nhớ lại: Trước khi sử dụng phần mềm của An Vui, hệ thống xe giường nằm Inter Bus Line (tuyến Hà Nội – Sapa) đang sử dụng một phần mềm bán vé online.

Tuy nhiên, toàn bộ khâu quản lý còn lại của doanh nghiệp vẫn thực hiện thủ công. Sau khi “bắt tay” với An Vui, công ty đã giảm được 90% chi phí thuê văn phòng, bến bãi, tiết kiệm gần 500 triệu quỹ lương mỗi tháng…

Hiệu quả kinh doanh của Inter Bus Line cũng thay đổi từng ngày. “Chúng tôi tin tưởng năm nay doanh thu có thể tăng trưởng 120%”, ông Tùng chia sẻ.

Không riêng Travel Bus, Inter Bus Line, “làn gió mới” An Vui đã trở thành cú huých cho thị trường vận tải hành khách đường dài giá trị tới gần 6 tỷ USD mỗi năm.

Hiện mỗi tháng, An Vui giúp nhóm khách hàng của mình đạt doanh thu bán vé khoảng 180 tỷ đồng; tiết kiệm chi phí quản lý hàng chục tỷ đồng.

Đổi lại, doanh nghiệp vận tải chỉ phải trả cho nhà cung cấp phần mềm này trung bình 3.000-5.000 đồng/ chuyến xe xuất bến và 1% doanh số bán vé.

Một cú nhấp chuột kích hoạt cả chuỗi dịch vụ vận tải

img

Hợp tác với An Vui, Bến xe Miền Tây đã trở thành “sàn vé online” từ ngày 1/7

Trước khi trở thành nhà sáng lập, CEO doanh nghiệp nhận nhiều giải thưởng về công nghệ, Phan Bá Mạnh đã từng… trầm cảm do thất bại trong kinh doanh.

Ngày ấy, sau khi thành lập, phát triển ATO trở một trong những doanh nghiệp cung cấp phần mềm cho siêu thị đầu tiên tại Việt Nam, năm 2015, anh Mạnh đầu tư nhà máy giặt ủi công nghiệp Green Tech có quy mô lớn nhất miền Bắc hồi bấy giờ.

Hợp tác với An Vui 5 năm giúp chúng tôi tăng doanh thu, giảm chi phí. Để chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực vận tải, quản lý hoạt động vận tải cũng phải được số hoá, làm nền tảng cốt lõi. Về phía các doanh nghiệp, phải thay đổi rất lớn về tư duy từ lãnh đạo đến nhân viên, chủ động nắm bắt cơ hội, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý vừa phục vụ nhu cầu thị trường.

Ông Khúc Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng

Tuy nhiên, dự án này phá sản, đã “ủi sạch” vốn liếng tích cóp được trước đó.

Chán chường, chàng trai 30 tuổi khi ấy khoác ba lô lang thang khắp vùng miền đất nước để tìm lại động lực lẫn cơ hội.

Trên hành trình vạn dặm ấy, Phan Bá Mạnh đã nếm trải sự vất vả của một hành khách đường dài: Thiếu thông tin, thiếu công cụ đặt vé online; ngay cả khi đặt được vé rồi thì cũng không ít lần bị lên nhầm chuyến, hoặc bị “thả” sai địa điểm cần đến; chưa kể bị nhồi nhét, bắt chẹt...

Đây cũng là thời điểm Uber, Grab chớm đặt chân vào thị trường taxi Việt Nam giúp anh nhận ra cơ hội của mình. Nhìn lại bài học thất bại với Green, anh quyết định nhắm đến vùng trũng công nghệ của vận tải đường dài.

Công ty CP Công nghệ An Vui với Slogan “Đi an về vui” ra đời, vốn đầu tư ban đầu từ tiền bán nhà, rồi một người anh thân thiết “quẳng” thêm cho 1 tỷ đồng.

Vốn tạm ổn, nhân sự cũng “hòm hòm”. Nhưng khi “vào việc” để biến ý tưởng trở thành Uber, Grab trong lĩnh vực vận tải đường dài ra một sản phẩm có thể mang đi bán, không dễ dàng.

“Tôi luôn cảm thấy thật may mắn và biết ơn Inter Bus Line - khách hàng đầu tiên”, Phan Bá Mạnh nói.

Tuy nhiên, trước đó, An Vui cũng phải tìm mọi cách để thuyết phục Inter Bus Line, thậm chí đề xuất sẽ cung cấp dịch vụ miễn phí, chỉ “xin” 20% của phần lợi nhuận tăng thêm khi ứng dụng hiệu quả.

Nhận được cái “gật đầu” của ông chủ Inter Bus Line, các chuyên gia công nghệ của An Vui phải đến ăn, ngủ cùng nhà xe, vừa để nắm bắt quy trình, vừa tinh chỉnh cho phù hợp thực tiễn, vừa xử lý sự cố liên quan đến máy móc, đường truyền...

“An Vui không ít lần “ăn chửi” từ hành khách, nhưng cũng nhờ vậy mà sản phẩm mới hoàn thiện”, anh Mạnh vui vẻ nói và tiết lộ: 6 tháng sau, An Vui đã nhận được khoản “lợi tức” đầu tiên từ Inter Bus Line, lên tới 40-50 triệu đồng/tháng, vì lợi nhuận của nhà xe tăng rất mạnh.

Khỏi phải nói, cả công ty vui cỡ nào, không chỉ vì khoản thu ngoài cả mong đợi, mà bởi sản phẩm của họ đã thực sự hữu ích cho doanh nghiệp.

Và cũng từ đó, hệ điều hành An Vui bắt đầu được giới nhà xe “để mắt”. Một số khách hàng có tên tuổi đã chủ động tìm đến An Vui, như Đất Cảng, Hùng Đức, Phúc Xuyên, Văn Minh... Mạnh dạn đặt chân vào thị trường TP.HCM, An Vui được đón nhận còn tích cực hơn.

Sau năm 2017, An Vui tăng trưởng rất nhanh với tốc độ 150-200%/năm. Startup công nghệ này cũng đã thuyết phục được quỹ đầu tư Vina Capital rót vốn tương ứng 21,2% giá trị cổ phần; Hust Fun đầu tư 3% vốn mồi.

Và sự xuất hiện của hai quỹ ngoại vừa là động lực vừa là nguồn lực giúp doanh nghiệp non trẻ trong lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19 này có thể sống sót sau 2 năm doanh thu gần như bằng 0 vừa qua.

“Vừa tìm cách tiết kiệm chi phí, tôi vừa động viên anh em yên tâm nghiên cứu để tiếp tục phát triển sản phẩm để sẵn sàng khi thị trường hồi phục”, anh Mạnh nói.

Và trái ngọt cũng đã đậu khi nền kinh tế trở lại “bình thường mới’. Người đứng đầu An Vui hé lộ: Kết quả kinh doanh 3 tháng gần đây bằng cả 3 năm trước đó cộng lại.

Trung bình mỗi tháng công ty có thêm 70 nhà xe thành khách hàng, số vé bán ra trên toàn hệ thống của An Vui đạt 1,2-1,5 triệu chiếc/tháng. Ngoài nguồn thu 1% doanh số bán vé, dịch vụ phần mềm mang lại cho An Vui doanh thu 200-300 triệu đồng/tháng.

Cho biết khách hàng mới nhất của mình là Bến xe Miền Tây và tiếp theo sẽ là Bến xe Cần Thơ, Bến xe Yên Nghĩa... CEO An Vui say sưa nói về mục tiêu trở thành một kho vé của quốc gia. Hiện sanve.com.vn của startup này đã kết nối với tất cả doanh nghiệp khách hàng cũng như đối tác bán vé online như: Sáo Diều, Vé Xe Rẻ, Bookaway, Redbus… Nhờ vậy, hành khách vào cổng kết nối này, có thể lựa chọn bất cứ nhà xe nào trong hệ thống, để đi bất cứ đâu…

“Không chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam, An Vui đã có kế hoạch 3 năm tới phát triển ở một số nước Đông Nam Á” CEO An Vui hé lộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.