Bất động sản

Người mua giảm, giá chung cư vẫn "âm thầm" tăng

16/02/2022, 12:01

Theo kết quả nghiên cứu thị trường cho thấy, lượng cung cầu giảm nhưng giá chung cư vẫn "âm thầm" tăng từ 1,8 - 4,6%.

Cung cầu giảm nhưng tăng giá

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, năm 2022, tại Hà Nội có khoảng 6 dự án bàn giao. Đơn cử như: The Park Home (Cầu Giấy) với 398 căn hộ; The Nine (Cầu Giấy) quận Cầu Giấy) với 350 căn; Trinity Tower (Thanh Xuân), 117 căn hộ thương mại; Mipec Rubik 360 (Cầu Giấy) 976 căn; Feliz Homes (quận Hoàng Mai) 1.248 căn; BID Residence (quận Hà Đông) 806 căn.

img

Căn hộ chung cư

Trong số các dự án trên, giá bán trên 30-40 triệu/m2. Duy chỉ có 1 dự án là BID Residence dưới 30 triệu. Giá này đã tăng từ 5-9 triệu/m2 so với giá bán những đợt đầu khoảng tháng 7/2020.

Tương tự tại TP.HCM, khảo sát của Công ty C&W Việt Nam tại TP.HCM cho thấy, giá bán cũng dao động từ 40 triệu/m2 đến 70 triệu/m2. Cụ thể: Phân khúc chung cư hạng A là những dự án căn hộ có vị trí đắc địa có giá bán tới hơn 3.000 USD/m2 (69 triệu/m2); phân khúc hạng B với dự án căn hộ có vị trí thuận lợi duy trì giá bán trong khoảng từ 1.800-3.000 USD/m2. Tiếp đó, phân khúc hạng C có giá bán dưới 1.800 USD/m2 (41 triệu/m2)...

Còn báo cáo riêng tháng 1 của batdongsan.com thể hiện, tổng lượng tin rao bán (thể hiện nguồn cung) toàn thị trường giảm 38% so với tháng 12/2021. Trong đó, phân khúc căn hộ chung cư và nhà riêng có lượng sản phẩm rao bán giảm mạnh nhất, mức giảm từ 40 - 41% so với cuối năm.

Cùng với đó, lượng người tìm kiếm (thể hiện nguồn cầu) và giao dịch nhà đất trên cả nước giảm 24%. Riêng chung cư giảm đáng kể ở 2 TP lớn: Hà Nội giảm 14%, TP.HCM 38%.

Đáng nói, cung cầu giảm nhưng giá vẫn "âm thầm" tăng. So với mức giá trung bình của 2021 tăng, lần lượt tại Hà Nội là 4,6% và Tp.HCM 1,8%.

Tiếp tục "đối đầu" với thiếu nguồn cung

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện batdongsan.com nhận định, đa phần các dự án chung cư bàn giao năm 2022 tại Hà Nội đều có giá bán khá cao, hướng đến nhóm khách hàng trung và cao cấp.

Khách hàng mua nhà ở thực vẫn có xu hướng lựa chọn các dự án mới hoặc sắp bàn giao để rút ngắn thời gian chờ đợi, không phải gánh rủi ro về tiến độ xây dựng, đồng thời có thể trực tiếp kiểm chứng chất lượng dự án.

Bên cạnh đó, giá bán các dự án đã hoặc sắp bàn giao cũng ít bị ảnh hưởng bởi cơn sốt giá vật liệu xây dựng.

Đối với các nhà đầu tư, bà Lê Thị Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư của Savills Hà Nội khuyên nên chú ý đến tầm nhìn dài hạn trong kế hoạch của mình. Mỗi cá nhân có những mục đích khác nhau tuy nhiên các tiêu chí cơ bản, then chốt nhất để lựa chọn là tiềm năng phát triển, quy hoạch và hệ thống cơ sở hạ tầng. Với dự án, bên cạnh vấn đề về giá cả, nhà đầu tư sẽ cần xem xét đến chất lượng của dự án, bao gồm cơ sở vật chất, các chứng nhận và tiêu chuẩn xây dựng, phù hợp cho cả mục đích ở và cho thuê.

Còn Hiệp hội BĐS TP.HCM dự báo, nhu cầu nhà ở còn rất lớn nhưng thị trường năm 2022 vẫn gặp khó về nguồn cung, do "nút thắt cổ chai" về pháp lý trong Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS vẫn chưa được tháo gỡ.

Thiếu hụt nguồn cung nhà ở từ các dự án mới cho thị trường là một trong những nguyên nhân khiến giới đầu tư thứ cấp và người môi giới lợi dụng đẩy giá bán. Một khi nút thắt này được tháo gỡ, sẽ tạo ra sự phát triển lành mạnh hơn, nhất là việc phát triển các dự án nhà ở vừa túi tiền, đang gần như đang bị lãng quên trong suốt 2 năm qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.