Cục Thú y cho biết, dịch lở mồm long móng đã được khống chế (ảnh minh họa) |
Không thông báo dịch vì sợ...
Tại buổi họp báo chiều 2/1, lãnh đạo Cục Thú y cho biết, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã giảm rất nhiều tại các địa phương và đang được kiểm soát tốt. Cụ thể, tại Hà Nội chỉ còn 4/16 ổ dịch chưa qua 21 ngày, Hòa Bình chỉ còn 2/10 ổ dịch chưa qua 21 ngày...
"Dịch hiện nay chỉ xảy ra nhỏ lẻ như xôi đỗ ở địa phương này, địa phương kia. Ví dụ như Hà Nam có 2 ổ dịch nhưng chỉ có 7 con lợn. Thực tế tổng đàn lợn của Việt Nam trên 30 triệu con, hiện nay cả nước có 48 ổ dịch cũng chỉ có trên 2.000 con lợn bị dịch thôi, và đã tiêu hủy gần hết, dịch đã giảm hẳn”, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y nói.
Trước câu hỏi có hay không chuyện Hà Nội giấu dịch LMLM, ông Phạm Văn Đông cho rằng: “Hà Nội không phải giấu dịch, họ chỉ báo cáo chậm thôi”.
Tuy nhiên, cùng ngày, chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh N.V.T, chủ một trại lợn tại Sơn Tây (Hà Nội) cho hay, dịch LMLM tại đây và Ba Vì vẫn đang âm ỉ tiếp diễn. Cụ thể, tính tới thời đểm này, số lợn nuôi thịt của anh T. bị chết vì dịch đã lên tới hơn 100 con. “Mặc dù tiêm vaccine rồi nhưng lợn nhà tôi vẫn mắc dịch. Đáng nói số lợn chết đều là lứa 30-40kg. Vậy nên từ nay tới Tết sẽ không còn lợn thịt để bán”, anh T. cho hay.
Về giá lợn vùng dịch, anh T. cho biết so với trước, giá bán tại chuồng đã giảm từ 45 nghìn đồng/kg lợn hơi hiện chỉ còn từ 40-42 nghìn đồng/kg. “Dịch vẫn còn nhiều nhưng người nuôi không dám nói ra, bởi lẽ sợ báo thú y tình hình thêm phức tạp, nhà nào có dịch nhà ấy biết, của mình thì mình tự lo thôi”, chủ trại này nói và chia sẻ: “Lợn chết thì cứ âm thầm mà xử lý. Báo cho thú y tới khoanh vùng tiêu hủy, chả biết có được hỗ trợ hay không mà nếu có hỗ trợ thì mức bao nhiêu, bao giờ mới được nhận tiền... người nuôi chúng tôi đều không hay biết”.
Khó dự báo giá thịt lợnTết
Cũng theo anh T., đợt dịch này chẳng khác nào như “cú đánh” với người chăn nuôi lợn khi vừa gượng dậy sau khi thua lỗ hơn 1 năm trời. “Giá lợn vừa lên sau hơn 1 năm kéo dài, bây giờ lại có dịch thì khó nói được điều gì vì người nuôi đã kiệt vốn rồi nợ của năm trước vẫn còn, tôi vừa phải bán tài sản mới trả được 1 nửa, số còn lại vẫn còn gần 3 tỷ đồng phải khất ngân hàng xin trả dần”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, khẳng định: “Tới giờ phút này nếu như theo báo cáo, dịch LMLM chỉ xảy ra lẻ tẻ ở vài địa phương thì nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết Nguyên đán trên cả nước vẫn ổn định không vấn đề. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng nên giá thịt lợn sẽ có thể tăng nhẹ khoảng 5% trong thời gian này. Đây là diễn biến bình thường không thể tránh”. Tuy nhiên, ông Trọng cũng không loại bỏ tình huống dịch bệnh bùng phát. “Rất khó có thể dự báo nếu dịch bệnh bùng phát. Nguy hiểm nhất là người chăn nuôi giấu dịch, bán chạy, dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh, không thể kiểm soát”, ông Trọng lưu ý.
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra tình hình dịch bệnh tại nông trại Ba Vì |
Trước lo ngại người dân có thể bán tháo lợn mắc dịch, ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y yêu cầu các địa phương phải xử lý dứt điểm với những ổ dịch đã phát hiện, chỉ cần lợn có triệu chứng là được phép tiêu hủy, không cần chờ xét nghiệm, đồng thời hỗ trợ ngay cho bà con theo quy định. "Yêu cầu các tỉnh đang có dịch phải công bố dịch, trường hợp nếu dịch xảy ra nhỏ lẻ, lãnh đạo tỉnh yêu cầu tiêu hủy và hỗ trợ cho người dân như sau khi công bố dịch.
Đối với các địa phương chưa có dịch cần phòng dịch và phát hiện sớm, khi lợn có triệu chứng, cần chủ động lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của bà con trong vấn đề phòng chống dịch", ông Thành chỉ đạo.
Theo lãnh đạo Cục Thú y, nguyên nhân chủ yếu gây ra dịch bệnh LMLM thời gian vừa qua là do hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện và cấp tỉnh chưa chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời và chưa báo cáo đầy đủ theo quy định; mầm bệnh vi rút LMLM lưu hành nhiều trên đàn gia súc, hầu hết người chăn nuôi không tổ chức tiêm phòng đàn heo thịt (chỉ tiêm phòng đàn heo nái, đực giống), khi gặp thời tiết bất lợi rét đậm, rét hại, mưa nhiều… sẽ phát sinh dịch bệnh; việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, còn nhiều tồn tại, bất cập, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện.
Một số địa phương không lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm của cơ quan có thẩm quyền đã được chỉ định để xét nghiệm; chưa đề xuất công bố dịch để làm cơ sở hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Người chăn nuôi không biết được chủ trương và mức hỗ trợ khi có gia súc bị bệnh, chết buộc phải xử lý, vứt xác heo chết ra đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh...
Phải đáp ứng hàng loạt điều kiện mới được nhận hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh Theo Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nuôi lợn phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy là 38 nghìn đồng/kg hơi. Các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện như: Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương; Có đăng ký kê khai ban đầu được BND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có); Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận