Chuyện dọc đường

Người tài cần môi trường thỏa sức sáng tạo

Người tài, có trình độ chuyên môn cao muốn một môi trường làm việc thuận lợi, hiệu quả và phù hợp để chứng tỏ bản thân...

img

Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát nhanh, bền vững đất nước. Ảnh: Vietnam+

Ý nghĩa lớn nhất của việc tiếp tục xác định ba khâu đột phá chiến lược xuyên suốt từ Nghị quyết Đại hội XI, XII sang Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó có khâu phát triển nguồn nhân lực, chính là thể hiện sự nhất quán và linh hoạt trong tư duy và đường lối lãnh đạo của Đảng.

Đó là sự nhất quán trong tư tưởng đề cao vai trò nhân tố con người đối với Cách mạng Việt Nam. Tùy từng thời kỳ, nhận thức về vấn đề này được linh hoạt điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng giai đoạn phát triển.

Cụ thể, đối với giai đoạn tới là “ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt” trên cơ sở “nâng cao, chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài”.

Việc xác định khâu đột phá chiến lược này là cần thiết, vì thực tiễn cho thấy vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và thiếu cơ chế thu hút người tài luôn là “điểm nghẽn”, là “nút thắt” cần được khắc phục, khơi thông để có thể thực hiện thành công yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thứ nhất, cần phát triển về số lượng, tức là phải làm tốt công tác hoạch định, dự báo yêu cầu về nguồn nhân lực để bảo đảm đủ về số lượng nhân lực cho từng giai đoạn, từng ngành, từng lĩnh vực.

Thứ hai là đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam.

Thứ ba là bảo đảm hợp lý về cơ cấu nguồn nhân lực trên cơ sở xác định phương hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược dài hơi cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Đặc biệt, cần nghiên cứu để có chính sách thu hút nhân tài, bao gồm chính sách hỗ trợ về lương bổng, phụ cấp, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt nhất cho người tài thỏa sức sáng tạo, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến vì mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh.

Thời gian qua, đã có nhiều chính sách được đưa ra để đào tạo phát triển, thu hút và trọng dụng nhân tài, nhất là nhân tài chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tuy nhiên, chúng ta chưa tận dụng, phát huy được thế mạnh của nhân tài, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Đến nay, chúng ta cũng rất khó biết được những người có thành tích học tập xuất sắc, đạt giải quốc tế, các thủ khoa trường đại học trên nhiều lĩnh vực hiện nay đang làm việc ở đâu, làm gì, họ có được trọng dụng hay không…

Một số địa phương thời gian qua cũng dành những cơ chế đãi ngộ xứng đáng như cấp biệt thự, dành vị trí việc làm phù hợp…. Nhưng rõ ràng đến nay câu chuyện này vẫn chưa cho thấy thành công.

Trên thực tế, người tài, có trình độ chuyên môn cao rất muốn được cống hiến, còn hưởng thụ chỉ là một phần. Cá nhân họ muốn một môi trường làm việc thuận lợi, hiệu quả và phù hợp để chứng tỏ bản thân.

Và có một điều là hiện nay, các doanh nghiệp lại đang làm rất tốt điều này, trong khi các cơ quan hành chính Nhà nước lại chưa. Đó là một vấn đề mà cơ quan quản lý nên lưu ý và nghiên cứu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.