Văn hóa - Giải Trí

Người “trong cuộc” nói gì khi điện ảnh Việt "liểng xiểng" trên sân nhà

02/06/2016, 08:24

Không những áp đảo về số lượng và chất lượng, DN Việt còn bị áp đặt tỉ lệ doanh thu.

cam-nhan-toi-thay-hoa-vang-tren-co-xanh--phim-viet

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là một trong số ít phim Việt cháy vé khi ra rạp

 Với sự “lép vế” của nhà phát hành và hệ thống cụm rạp nội địa như hiện nay, nếu không có chính sách hợp lý hay những ưu đãi cần thiết đối với các doanh nghiệp (DN) trong nước, khả năng Việt Nam sẽ đánh mất thị trường vào tay các doanh nghiệp nước ngoài là hoàn toàn có thể.

Hiện, toàn bộ hệ thống rạp của Nhà nước và tư nhân Việt Nam cộng lại chỉ chiếm thị phần khiêm tốn chưa đến 40 %, trong khi đó, các DN vốn nước ngoài, mà chủ yếu là Hàn Quốc, chiếm hơn 60% thị phần còn lại.

Không những áp đảo về số lượng và chất lượng, DN Việt còn bị áp đặt tỉ lệ doanh thu. Sự thua thiệt rõ ràng nghiêng về phía Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam cho rằng: “Để điện ảnh Việt không bị chèn ép, cần xem xét ban hành những hành lang pháp lý phù hợp pháp luật. Ngăn chặn độc quyền trong phát hành và phổ biến phim, nhập phim, chèn ép đối tác trong nước trong chiếu phim. Phải ban hành các chính sách ưu tiên phát triển sản xuất, phát hành và phổ biến phim Việt Nam. Đồng thời, các DN điện ảnh trong nước cần tăng cường hợp tác, liên kết, đoàn kết tập hợp thành một khối thống nhất xây dựng vị thế, không trông chờ vào Nhà nước”.

Trong khi đó, về phía các đơn vị phát hành Nhà nước, khả năng chống chọi với các doanh nghiệp nước ngoài là vô cùng yếu ớt. Ông Nguyễn Viết Tỵ, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi không chỉ đơn thuần là kinh doanh các tác phẩm điện ảnh khác mà còn làm công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ, tuyên truyền về đường lối của Đảng. Do đó, chúng tôi mong sự hỗ trợ đầu tư từ T.Ư và địa phương từ máy móc, thiết bị, kỹ thuật, con người và có những nguồn phim tốt, hay đáp ứng với thị hiếu khán giả”.

Đề cập đến câu chuyện 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước “tố” tập đoàn CJ CGV chèn ép, áp đặt tỷ lệ ăn chia, NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, ngoài việc CGV nên hợp tác và hỗ trợ các DN Việt Nam để cùng nhau phát triển, các cơ quan quản lý nên có những quy định cụ thể về tỉ lệ ăn chia doanh thu rõ ràng, quy định cụ thể tỉ lệ chiếu phim Việt và phim ngoại để đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp điện ảnh.

Còn theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Nhà nước cần có chính sách bênh vực điện ảnh Việt Nam. “Để bảo vệ nền điện ảnh dân tộc, bên châu Âu, họ có một quy ước, nếu nhập phim Holywood phải đóng cho quỹ điện ảnh 12%, nhập phim Hàn Quốc 11%… Cuối năm họ sẽ có một khoản tiền hỗ trợ cho nền điện ảnh trong nước. Theo tôi, để vực lại nền điện ảnh Việt Nam cần phải có những quy định như phương Tây, thu phí những bộ phim nước ngoài để đầu tư cho quỹ điện ảnh Việt”, đạo diễn chia sẻ.

Bản thân ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, sắp tới ông sẽ đi thực tế tại một số địa phương gặp tình hình khó khăn nhất để nắm thực trạng chiếu bóng Nhà nước, sau đó cùng các cơ quan chức năng ngồi lại để đưa ra những việc làm cụ thể. “Chúng tôi sẽ tác động đến sở, ban ngành làm sao quan tâm đến các trung tâm phát hành và chiếu bóng Nhà nước hơn nữa”, ông Biên hứa hẹn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.