Đời sống

Người Việt ở Mỹ: Sự hoảng sợ ập đến quá nhanh

15/03/2020, 18:02

Phe Dân chủ chất vấn Tổng thống tại sao để tình trạng hoảng loạn này xảy ra và không tin vào những điều ông Trump nói sau lệnh khẩn cấp.

img
Hãng thông tấn CNN đưa hình ảnh những siêu thị trống trơn hàng hóa, người dân xếp hàng chờ thanh toán

Giao tiếp, mua bán theo cách trước đây chưa từng xảy ra

Mọi thứ thay đổi chóng mặt từ hai ngày nay kể từ khi Tổng thống Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào thứ sáu ngày 13. Trường học, khu vui chơi giải trí hay các trung tâm tổ chức sự kiện đóng cửa.

Các sự kiện, hội chợ, hay các phiên đấu giá tập trung đông người cũng bị huỷ bỏ hoặc chuyển sang giao dịch trực tuyến.

Nhiều người bạn Mỹ nói với tôi chính họ cũng chưa bao giờ chứng kiến cảnh này.

Mọi thứ đều được mua bán, giao tiếp theo một quy trình mới, hoàn toàn xa lạ trước đó.

Các chuỗi cửa hàng khuyến khích khách hàng mua đồ online, nếu mua tại cửa hàng thì đề nghị tuyệt đối làm theo giao thức bảo vệ chung ví dụ như vào cửa siêu thị phải dùng khăn lau diệt khuẩn ngay ở cửa để lau chỗ tay cầm xe đẩy hay giỏ đựng đồ trước khi vào trong.

Nhân viên phải đeo găng tay hoặc dùng khăn diệt khuẩn lau tay trước khi cầm vào đồ của khách hàng để tính tiền.

Các hãng mỹ phẩm thường xuyên lau chùi các vật dụng và để khách hàng tự xem sản phẩm mẫu chứ ko để nhân viên tiếp xúc trực tiếp.

Điều tuyệt vời là có chuỗi cửa hàng sẵn sàng mở cửa đón mọi người vào rửa tay miễn phí nếu ai có nhu cầu.

img
Một cửa hàng sẵn sàng mở cửa cho người có nhu cầu vào rửa tay

Xin mời làm việc tại nhà

Các công ty tạo điều kiện tối đa làm việc tại nhà.

Các bệnh viện thông báo sẽ mở cửa từ bên ngoài tới bên trong để mọi người đi vào không phải động vào tay nắm mở cửa. Đâu đâu cũng có lọ nước diệt khuẩn cho mọi người và có dán thông báo rõ ràng tại cửa để bắt buộc sử dụng trước khi vào bên trong. Bệnh viện sản phụ khoa đề nghị nếu có triệu chứng ốm thì không được đến bệnh viện (vì có nhiều sản phụ ở đó).

Bệnh viện cũng không chấp nhận trẻ em dưới 17 tuổi đi theo người nhà vào bệnh viện, trừ phi đó là bệnh nhân.

Nhiều công sở bắt buộc người đến giao dịch rửa tay trước khi vào phòng chờ và đề nghị tự dùng bút của mình mang theo.

Số hotline các hãng bay quá tải, cầu nguyện online

Các chuyến bay nội địa thì bị cắt giảm, không thể nào gọi được cho số hotline cho hãng bay.

Một người nhà của tôi gọi cho hãng Delta để huỷ chuyến, đợi 6 tiếng không chịu được đành bỏ vé. Hãng nói nếu khách hạng Diamond thì được ưu tiên hơn, có thể liên lạc được sau khoảng 40 phút.

img
Hãng bay Delta đề nghị khách nếu không bay trong 72 giờ tới không liên lạc với hãng vì hệ thống đã quá tải

Nói chung hệ thống liên lạc của các hãng vận tải công cộng bị tắc nghẽn vì quá nhiều cuộc gọi để thay đổi hoặc huỷ chuyến. Hầu hết các hãng vận tải và hãng bay không có đủ nhân lực để trả lời các cuộc gọi và đề nghị khách hàng gửi email.

Hệ thống các khách sạn tại Mỹ cũng email tới các khách hàng thông báo về cách thức bảo vệ của họ. Ví dụ như Hilton thông báo để đối phó với Covid-19 thì các quy định vệ sinh cần nghiêm ngặt hơn. Họ cũng nới lỏng các chính sách về huỷ trả phòng cho khách hàng, với tất cả các phòng đặt từ nay đến hết 30/4 sẽ được huỷ và hoàn trả 100% miễn phí.

Nhà thờ cũng buộc phải thay đổi, từ chủ nhật này họ thông báo sẽ có buổi “đi lễ nhà thờ trực tuyến” chứ không đến nhà thờ như mọi khi.

img

"Cháy" giấy vệ sinh không rõ lý do

Tôi vừa đi một khu chợ Italia gần nhà.

Trước đây, tôi vẫn xem tin tức ở nhà và thấy cả châu Á, thậm chí cả Úc từng "cháy giấy vệ sinh" khi Covid-19 lan tới và bây giờ là nước Mỹ. Không có một cuộn giấy vệ sinh nào trên kệ. Nước rửa tay diệt khuẩn và đương nhiên là khẩu trang đều hết hàng.

Thậm chí những loại thuốc thông dụng khác như thuốc ho cảm cúm, dị ứng, tiêu chảy, vitamin, nước muối bông băng đều trong tình trạng khan hiếm.

Ngày thường ở đây không đông đúc như những nơi khác, tôi có thể thoải mái chọn đồ và thanh toán rất nhanh nhưng hôm nay thì khác.

Có vẻ tất cả đang chạy đua mua sắm để chuẩn bị trước cho tình huống tồi tệ hơn, ví dụ như là lệnh cách ly.

img
Mọi người đổ đi siêu thị mua đồ tích trữ

Tôi muốn chụp một bức ảnh để ghi lại cảnh tượng này nhưng phải nói là bây giờ rất khó khăn để chụp ảnh hay quay video ở các nơi công cộng. Chỉ có mình tôi là người châu Á ở khu chợ toàn người da trắng này. Họ nhìn tôi kiểu rất cảnh giác và đứng né né cách xa.

Siêu thị trống trơn thực phẩm


Mình quyết không mua hàng điên cuồng như những người xung quanh nhưng hôm nay đã phải thay đổi khi không thấy thịt, bánh mỳ trên giá bán ở siêu thị. Không thể kiếm được miếng giấy nào, từ giấy lau tay đến giấy toilet ở siêu thị, shop online hay Amazon. Đến tã giấy em bé cũng không có.

Vì không có ý định tích đồ nên khi hết đồ trong nhà cần mua thì thiên hạ mua hết rồi. Chưa bao giờ mua cả giỏ đồ chất ngất mà thấy xấu hổ thế nhưng trường học đóng cửa 2 tuần, trẻ con ở nhà nên mình buộc phải mua thêm đồ ăn.

Lan Vũ (Từ Maryland, Mỹ)

Mong chờ test nhanh virus ở bãi đỗ xe

Chính phủ cho biết sẽ hợp tác với các công ty lớn để làm xét nghiệm nhiều nhất có thể. Nhiều người mong chờ viễn cảnh đỗ xe ở bãi và test rồi rời đi không cần vào khu xét nghiệm chứ như hiện nay thì thiếu test khủng khiếp.

Hiện, các bệnh viện lớn vẫn có thể làm xét nghiệm theo cách của họ nhưng để làm đại trà thì không. Ai được bác sĩ chỉ định mới được test chứ không phải thích là được.

Ở Mỹ, hầu như là bệnh viện tư nhân, nếu đi chữa bệnh phải mất tiền. Hiện nay, virus đã có thể lây lan ngoài tầm kiểm soát và nhiều ý kiến cho rằng số liệu công bố 2.700 ca nhiễm Covid-19 trên hơn 300 triệu dân là không chính xác, bởi quá ít người được xét nghiệm.

Tôi vừa bật tivi xem CNN, phe Dân chủ đang tấn công Tổng thống và nói tại sao để tình trạng hoảng loạn này xảy ra và không tin vào những điều ông Trump nói về hy vọng mới sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp.

Dù đang đối diện với những điều chưa từng thấy nhưng theo cảm nhận của tôi, đa phần người dân vẫn bình tĩnh. Siêu thị đông đúc chứ không có cảnh chen lấn tranh cướp. Và dù sao cuộc sống vẫn tiếp diễn dù Covid-19 đã thay đổi mọi thứ.

Lo thiếu giường bệnh, máy thở

Chính quyền bang NewYork ra lệnh đặc biệt bắt các hãng phải cho nhân viên nghỉ có lương (dùng quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ). Hãng nào có thể cho nhân viên làm việc ở nhà thì thực hiện ngay và phải chia ca để tránh tình trạng lây virus trong công ty. Trẻ em chưa được nghỉ, nghe đâu chính quyền sợ không có ai trông con cho y tá, bác sỹ, cảnh sát và lính chữa cháy.

Người dân lo lắng hệ thống y tế tư nhân sẽ không đáp ứng được nếu số lượng người nhiễm bệnh tăng nhanh. NewYork đang đấu tranh với Chính quyền liên bang để tăng số người được xét nghiệm. Hiện sốt, ho cũng chỉ ở nhà, một số test kit đã được làm thì cho kết quả sai.

Hồng Phạm (Từ NewYork, Mỹ)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.