Dự kiến, ngân sách quốc phòng sẽ được chốt và công bố tại kỳ họp Quốc hội chuẩn bị khai mạc từ ngày 22/5 tới và kéo dài trong 10 ngày.
Sở dĩ, dư luận quan tâm vấn đề này bởi nó sẽ hé lộ phần nào cách thức đối phó của Trung Quốc với Mỹ trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc này đã rơi xuống điểm thấp nhất bao gồm chiến tranh thương mại, tranh chấp về tự do dân sự, vấn đề Đài Loan cũng như xung đột về những tuyên bố đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông và nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Ngân sách quốc phòng tăng 9%
Từ quan điểm của Bắc Kinh, những mối đe doạ quân sự trước mắt mà Trung Quốc đang phải đối mặt và quan tâm nhất chính là những động thái Mỹ đưa máy bay ném bom diễu qua các vùng biển “nóng” mà Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền như Biển Đông và biển Hoa Đông với tần suất hơn 40 lần, cao hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Cùng thời điểm, nhiều tàu chiến của Hải quân Mỹ cũng thực hiện tới 4 chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực này trong khi cả năm ngoái mới có 8 hoạt động.
Nhà bình luận về quân sự đang làm việc tại Hong Kong, từng là sĩ quan trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), ông Song Zhongping nhận định: “Bắc Kinh cảm thấy những mối đe doạ an ninh từ Mỹ và các nước ngoài đang gia tăng nên Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) muốn tăng ngân sách để ủng hộ hiện đại hoá quân đội, gia tăng huấn luyện đảm bảo khả năng sẵn sàng tác chiến”.
Dù quy mô thực tế của ngân sách quốc phòng Trung Quốc vẫn là vấn đề tranh cãi nhưng nhiều quan chức trong ngành cho biết, PLA muốn tăng ngân sách với tỉ lệ phải tương đương hoặc vượt tỉ lệ 7,5% của năm ngoái. Trong đó có người ước tính tỉ lệ này phải tăng lên tới 9% khi căng thẳng leo thang trên một số mặt trận bao gồm vấn đề Đài Loan.
Tuy tỉ lệ chi tiêu này không phải là mức quá cao so với thế giới nhưng nếu so sánh với nền kinh tế nội địa đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19 và mối đe doạ từ khủng hoảng toàn cầu thì lại đáng rất kể.
Cuối tháng 3 năm ngoái, Tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Quốc đã giảm dự đoán tăng trưởng GDP thực sự của Trung Quốc trong năm 2020 khoảng 2,6%.
Năm ngoái, Trung Quốc công bố chi tiêu quốc phòng đạt 1,18 nghìn nhân dân tệ (tương đương 176 tỉ USD), đứng ở mức thứ 2 thế giới nhưng Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm ước tính chi tiêu này phải lên tới 261 tỉ USD.
Nhiều chuyên gia khác lại cho rằng Đài Loan mới là lý do chính để quân đội Trung Quốc đề nghị tăng ngân sách. Trong đó, ông Lu Li-Shih, cựu chuyên gia tại Học viện Hải quân tại Đài Loan cho rằng, tuy mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước nối lại quan hệ vào năm 70 của thế kỷ trước nhưng ông đánh giá cơ hội xung đột quân sự vẫn ở mức thấp.
Còn theo nghiên cứu sinh tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Đại học Khoa học Công nghệ Nam Vang, Singapore, Collin Koh, PLA và quân đội Mỹ đều có các kênh liên lạc.
“Quan hệ quân sự song phương có thể không hẳn hiệu quả nhưng ít nhất là luôn đóng vai trò như một chiếc van áp lực để ngăn chặn hoặc giảm thiểu rủi ro gia tăng từ những căng thẳng đang leo thang giữa hai quốc gia” – ông Koh nói.
Chuyên gia về chiến lược hải quân của Trung Quốc Ni Lexiong, vốn là Giáo sư tại Đại học Thượng Hải, khoa Luật và Khoa học Chính trị nhận định, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, doanh số bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan (bao gồm 66 máy bay chiến đấu F-16 Viper) tăng chính là yếu tố mà PLA sử dụng để thương lượng yêu cầu tăng ngân sách.
Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và phải sát nhập vào đại lục kể cả bằng bạo lực nếu cần. PLA muốn thực hiện động thái vũ lực từ năm 1949 khi Quốc dân Đảng bị đánh bại trong Cuộc nội chiến Trung Quốc và sang đảo Đài Loan.
Căng thẳng giữa Trung Quốc với Đài Loan tăng cao khi bà Thái Anh Văn trở thành người lãnh đạo hòn đảo này vào năm 2016. Theo ông Alexander Huang Chieh-cheng, Giáo sư về quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang, Đài Loan, dù xung đột quân sự giữa đại lục và Đài Loan có thể sẽ không xảy ra trong 2 năm tới vì Bắc Kinh cần tập trung nỗ lực để cải thiện kinh tế sau đại dịch Covid-19 nhưng nguy cơ xung đột đã tăng cao.
“Bắc Kinh có lẽ sẽ tiếp tục gây hấn với Đài Loan, thực hiện thêm nhiều cuộc tập trận để giương oai với chính phủ của bà Thái trong nhiệm kỳ 4 năm tới” - ông Chieh-cheng nói.
Thâm hụt ngân sách vì đại dịch Covid-19
Không chỉ vì những mối đe doạ từ nước ngoài, quân đội PLA còn đối mặt với nhiều thách thức trong nước, nhất là đại dịch Covid-19 vừa qua. Quân đội Trung Quốc đã đóng vai trò dẫn đầu trong cuộc chiến chống loại virus chết người bùng nổ từ tháng 1 vừa qua và nay đã lan ra khắp thế giới.
PLA đã cung cấp bác sĩ cũng như binh lính, hậu cần phục vụ lệnh cách ly, toàn bộ chi tiêu bổ sung đều ảnh hưởng tới các kế hoạch ngắn và dài hạn.
Bên cạnh việc phải chiến đấu chống đại dịch, quân đội cũng phải tham gia vào nhiệm vụ cung cấp việc làm cho lượng lớn người thất nghiệp sau khi hàng loạt doanh nghiệp khó khăn, không thể phục hồi kinh tế vì dịch bệnh.
Hơn 8,7 triệu sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp mùa Hè này và PLA được đề nghị phải tuyển dụng phần đông trong số đó, điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải tăng thêm chi phí về nhân sự.
Một nguồn tin trong ngành cho hay, dại dịch Covid-19 đã đặt thêm gánh nặng tài chính lớn chưa từng có đối với PLA.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận