Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) thông báo vừa triệt phá một đường dây rửa tiền xuyên quốc gia, bắt giữ hơn 228 đối tượng liên quan ở 31 quốc gia. Cuộc điều tra nằm trong Chương trình hành động chống phạm tội chuyển tiền châu Âu (EMMA), nhằm vào những kẻ đóng vai trò là “người vận chuyển” cho hoạt động rửa tiền ở “lục địa già”. Qua đó, Europol cũng cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các giao dịch đáng ngờ, tránh để kẻ xấu lợi dụng chuyển tiền phi pháp.
Chiến dịch truy quét quốc tế
Thông cáo báo chí của Europol công bố ngày 4-12 cho biết, cuộc truy quét đã xác định được 3.833 kẻ chuyển tiền trung gian, 386 đối tượng môi giới rửa tiền, qua đó bắt giữ 228 đối tượng. Đơn vị này cũng cho biết, thời gian qua đã tăng cường nỗ lực trấn áp các hoạt động chuyển tiền phi pháp, tiếp tay cho tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia mà trong đó nhiều nạn nhân bị lợi dụng tham gia vào các đường dây này. Nhiều “người vận chuyển” còn không biết rằng số tiền họ gửi là một phần trong kế hoạch rửa tiền công phu.
Một người chuyển tiền phi pháp là người nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng của họ từ một bên, và sẽ chuyển số tiền đó cho một bên khác, hoặc rút tiền mặt và đưa cho người được chỉ định. Người chuyển tiền thường nhận được hoa hồng để làm công việc này. Tuy nhiên, các chuyên gia của Europol xác định hành động đó vô hình trung tiếp tay cho hoạt động rửa tiền.
Theo The Guardian, một nạn nhân là Allen tiết lộ cô từng bị đánh cắp danh tính, đồng thời tài khoản ngân hàng của cô cũng bị kẻ xấu lợi dụng để chuyển những khoản tiền không rõ nguồn gốc. Trước đó, sau khi tham gia một chương trình hẹn hò, Allen được một tài khoản trên mạng xã hội đề nghị cung cấp số tài khoản. Họ yêu cầu cô chuyển lại số tiền nhận được sang một tài khoản khác. Hành động này lặp lại vài lần và Allen có thể nhận được một khoản tiền hoa hồng cho mỗi lần như vậy.
Sau các chiến dịch truy quét tội phạm chuyển tiền trung gian toàn cầu, cơ quan an ninh xác định được hàng nghìn trường hợp như Allen. Europol, Cơ quan Tư pháp châu Âu (Eurojust) và các cơ quan thực thi pháp luật của nhiều nước đã phối hợp để triển khai EMMA. Đây là lần thứ năm Europol tiến hành một cuộc truy quét toàn cầu về rửa tiền như vậy.
Chiến dịch EMMA 5 diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 đã xác định 7.520 giao dịch gian lận, ngăn chặn tổng thiệt hại tới 12,9 triệu euro (tương đương 14,2 triệu USD). Năm nay, các cơ quan thực thi pháp luật, tư pháp và tài chính từ Áo, Bỉ, Bulgaria, Czech, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Hy Lạp, Đức, Hungary, Ireland, Italia, Latvia, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovenia, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Australia, Moldova, Na Uy, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ và Ukraine đã tham gia chiến dịch quốc tế này. Nhờ đó, Europol đã tiến hành 1.025 cuộc điều tra hình sự. Ngoài ra, hơn 650 ngân hàng, 17 hiệp hội ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đã giúp báo cáo tìm ra những giao dịch bất hợp pháp. Trước đó, trong chiến dịch năm 2018, Europol đã bắt 168 nghi phạm và xác định 1.504 đối tượng chuyển tiền trung gian.
Nhiều nạn nhân sập bẫy
Nhiều người chuyển tiền không ý thức được là họ đang phạm tội. Song các cơ quan thực thi pháp luật vẫn chỉ ra rằng họ sẽ phải nhận bản án thích đáng. Tùy thuộc khung pháp lý của từng nước, người chuyển tiền có thể phải ngồi tù và việc có tiền án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công việc sau này của họ.
Europol cho biết, tội phạm thường xuyên nhằm vào những người dưới 35 tuổi, đặc biệt là những người mới di cư đến một quốc gia khác. Không giống như tội phạm buôn bán ma túy, rất khó tìm ra bằng chứng phạm tội của những kẻ chuyển tiền phi pháp. Bên các nạn nhân bị lợi dụng để chuyển tiền “bẩn”, những kẻ môi giới cũng là một phần trong mạng lưới tội phạm. Song rất khó để tìm ra ai là đầu mối rửa tiền. Một cuộc điều tra của Europol tiến hành năm 2016 đã phát hiện ra rằng hơn 90% các giao dịch chuyển tiền trung gian phi pháp có liên quan tội phạm mạng, vì vậy càng gây khó khăn cho nhà điều tra.
Hàng loạt tổ chức tài chính ở Anh và một số nước châu Âu năm ngoái đã thực hiện chiến dịch có tên là “Đừng biến mình thành một kẻ ngốc”, nhằm báo động đặc biệt đến các sinh viên đại học, cảnh báo về việc tham gia các giao dịch tài chính đáng ngờ như chuyển tiền phi pháp, có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự. Chuyên gia tài chính Chris Rhodes của Hiệp hội Ngân hàng Anh khuyến cáo: “Đừng bao giờ nhận chuyển tiền cho một tài khoản ngân hàng khác từ những yêu cầu trên mạng, hay những người không quen biết. Nghe có vẻ đơn giản song bạn có khả năng rơi vào bẫy phạm pháp của bọn tội phạm”. Người chuyển tiền trung gian có thể phải đối mặt án tù lên đến 14 năm. Đồng thời, người đó cũng bị cấm mở tài khoản tiền gửi, tiền vay hay thậm chí không được mở thẻ tín dụng.
Vừa qua, một loạt ngân hàng châu Âu cũng vừa được yêu cầu xóa sổ hàng nghìn tài khoản ngân hàng có giao dịch đáng ngờ liên quan rửa tiền. Chuyên gia Chris Rhodes cho biết, hoạt động của tội phạm kinh tế ngày càng khó đoán định hơn. Ông cho biết, khoảng 12.000 tài khoản ngân hàng ở Anh bị đóng mỗi năm do lừa đảo, khoảng một nửa trong số đó có liên quan các giao dịch rửa tiền. Chỉ trong nửa đầu năm 2018, các ngân hàng đã ngăn chặn hơn 1 triệu bảng Anh được chuyển vào tài khoản của những kẻ lừa đảo.
Ngoài ra, Europol và Eurojust đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận về cách tiếp cận ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) nhằm giải quyết vấn đề gian lận trong giao dịch tiền tệ chung tại châu Âu và riêng tại mỗi nước. Europol cũng hỗ trợ chính phủ các nước này có thể truy cập và kiểm tra chéo đối với cơ sở dữ liệu, mạng lưới thông tin tình báo của Europol để phân tích tình hình tội rửa tiền và chuyển tiền phi pháp.
Nhìn chung, kẻ môi giới chuyển tiền thường tìm những cách rất lắt léo, tinh vi để thu hút người vận chuyển và đánh lạc hướng điều tra. Báo cáo của Europol cho thấy, năm nay, số các vụ án liên quan lừa đảo chuyển tiền trên các trang web hẹn hò trực tuyến đã gia tăng đáng ngại. Bọn tội phạm “tuyển dụng” những tài khoản mạng xã hội có tiềm năng trên các trang hẹn hò, rồi thuyết phục họ cung cấp hay mở tài khoản ngân hàng mới để làm vỏ bọc gửi hoặc nhận tiền “bẩn” từ chúng. Với quá trình chuyển qua lại, số tiền trên đã được “rửa” sạch. Với hàng nghìn tài khoản tham gia, số tiền có thể lên đến hàng triệu USD.
Tội phạm thậm chí còn đăng quảng cáo trực tuyến “làm giàu nhanh” hay “thu nhập dễ dàng từ nước ngoài”,... ngay trên các trang mạng xã hội để tuyển dụng đồng phạm. Những mẩu quảng cáo hấp dẫn này đặc biệt phổ biến, hướng đến đối tượng sinh viên và thanh niên. Do vậy, nhằm nâng cao nhận thức về loại hình lừa đảo này, các nhà chức trách châu Âu đã phát động chiến dịch “Đừng trở thành kẻ chuyển tiền phi pháp” với tài liệu được viết bằng 25 ngôn ngữ nhằm thông báo cho công chúng về cách thức tội phạm rửa tiền hoạt động, cách người dân có thể tự bảo vệ mình và phải làm gì nếu trở thành nạn nhân. Chiến dịch cũng kêu gọi nạn nhân ngừng chuyển tiền và thông báo cho ngân hàng và cảnh sát ngay lập tức nếu phát hiện mình đã bị tội phạm rửa tiền lợi dụng.
Cũng liên quan đến hoạt động rửa tiền, trước đó các công tố viên liên bang ở Manhattan phát lệnh bắt Bagley, giáo sư về quan hệ quốc tế đại học Miami, Florida, Mỹ hôm 18/11 với cáo buộc hỗ trợ các cá nhân người nước ngoài "rửa" 3 triệu USD được thu thập từ các hoạt động hối lộ, tham nhũng tại Venezuela.
Công tố viên Gefffrey S. Berman tại New York cho biết Bagley đã mở nhiều tài khoản ngân hàng để rửa tiền cho các quan chức tham nhũng nước ngoài. Ông bị cáo buộc chuyển phần lớn số tiền trên vào các tài khoản ngân hàng của một đồng phạm nhằm che giấu nguồn gốc và danh tính chủ nhân số tiền đó.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Bagley đã đút túi khoảng 10% số tiền trên thông qua hơn 14 giao dịch từ tháng 11/2017 đến tháng 4 năm nay. Trong phiên tòa tại Miami, giáo sư này được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 300.000 USD.
Bagley bị truy tố hai tội danh rửa tiền và một tội danh âm mưu thực hiện hành vi rửa tiền, với khung hình phạt có thể lên tới 20 năm tù. Bagley bác bỏ các cáo buộc này.
Bagley là một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực chống tham nhũng và rửa tiền. Ông xuất bản cuốn sách "Buôn ma túy, tội phạm có tổ chức và bạo lực ở châu Mỹ ngày nay" hồi năm 2015. Giáo sư này từng là cố vấn về chống rửa tiền cho Cục Điều tra Liên bang (FBI), Bộ Ngoại giao Mỹ, Cơ quan Chống Ma túy (DEA) và nhiều cơ quan liên bang khác.
Bagley cũng thường được mời đến quốc hội Mỹ với tư cách là một chuyên gia trong các vụ án tham nhũng cấp cao và cung cấp kiến thức chuyên sâu về hoạt động rửa tiền ở Colombia, Ecuador, Bolivia, Panama và Mexico.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận