Từ một thuyền viên làm thuê trên các tàu vận tải biển nước ngoài “tay ngang” sang nghề cứu nạn, gần 15 năm qua, thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng được ví như “sói biển” bởi sự nhanh nhẹn, can trường luôn sát cánh cùng đồng đội và chiếc tàu SAR 411 cứu sống hàng trăm ngư dân, thuyền viên gặp nạn trên biển.
Đổi việc nghìn đô lấy “nghề bão gió”
Trong chuyến thăm Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN khu vực I (Haiphong MRRC) đầu năm 2019, chúng tôi tình cờ gặp anh Nguyễn Mạnh Dũng, thuyền trưởng của tàu cứu nạn SAR 411 - người lâu nay được gắn với biệt danh “sói biển” trong mỗi chuyến hành trình vươn khơi giành giật mạng sống cho ngư dân.
Gặp anh ngoài đời thực rất khác với biệt danh “sói biển”. Anh trầm tính và chào đón chúng tôi bằng sự cởi mở. “Từ Tết Nguyên đán đến nay, Haiphong MRRC không nhận tin báo nạn nào từ các tàu cá trong vùng biển phụ trách (từ ranh giới phía Bắc vùng biển tỉnh Quảng Ninh đến ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Quảng Bình). Ngư dân đã đón một năm mới trọn vẹn với những chuyến tàu ra khơi an toàn. Đó cũng là niềm vui lớn nhất của tất cả anh em cứu nạn”, anh Dũng nói với chất giọng trầm ấm mà ít ai biết được, đằng sau sự trầm ấm ấy ẩn chứa bản lĩnh sắt đá của một vị chỉ huy mạnh mẽ, can trường.
Cách đây 25 năm, sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng hải, anh Nguyễn Mạnh Dũng thi tuyển làm thuê cho các tàu vận tải nước ngoài để tạo dựng kinh tế. Đến năm 2004, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN (Vietnam MRRC) thành lập đội tàu cứu nạn chuyên dụng, qua sự giới thiệu của bạn bè, anh quyết định ứng tuyển với xuất phát điểm là Đại phó của tàu SAR 273.
“Cú sốc đầu tiên khi về làm việc tại đây là mức lương “hụt” đi hàng chục lần. Nếu trên tàu vận tải, mức lương của tôi lên đến 1.500 USD/tháng, khi về trung tâm, mức lương khởi điểm chỉ là 1,8 triệu đồng/tháng. Nhưng những tháng ngày lênh đênh làm thuê tích lũy được chút kinh tế nên mình vẫn quyết tâm gắn bó với những con tàu cứu nạn để thỏa khát khao thực hiện những hành trình mang sứ mệnh nhân văn”, anh Dũng nói.
Quyết tâm là vậy, song việc tiếp cận công việc trên tàu SAR lại không hề đơn giản. Theo anh Dũng, nếu như những tàu thương mại vận hành theo công việc được định sẵn, trên tàu cứu nạn, thời gian làm việc không kể ngày, đêm, thuyền viên phải trực 24/24h, điện thoại không bao giờ được hết pin hoặc tắt máy.
Thuyền trưởng Dũng vẫn nhớ như in cảm xúc của những chuyến đi cứu nạn đầu tiên. “Lần đầu tiên ra biển với con tàu cứu nạn, tàu lắc lư dưới hõm sóng, đứng trên buồng lái nhìn ra hai bên toàn nước, tôi hơi hoảng. Tâm lý đi cứu nạn những lần đầu cũng vậy, chỉ cần nghe thấy lệnh tập trung đã thấy lo, suốt hành trình mặt mũi đăm chiêu, cảm xúc nặng nề khó tả”, anh kể.
Người “anh cả” cần mẫn
Nhắc về thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng, anh Vũ Đức Dũng, thuyền viên cứu nạn tàu SAR 411 không giấu được niềm vui khi được làm việc cùng một chỉ huy quyết đoán.
“Còn nhớ năm 2007, bão lớn đổ bộ vào Hà Tĩnh, tàu SAR 411 đang trực ở Cửa Hội thì nhận lệnh điều động cứu một tàu cá không vào được bờ, cách Cửa Sót hơn 10 hải lý, tính mạng của 4 thuyền viên như “ngàn cân treo sợi tóc”. Thuyền trưởng Dũng yêu cầu anh em lập tức cho tàu chạy vận tốc tối đa. Đến nơi, chiếc tàu cá lênh đênh như “chiếc lá giữa đại dương”, giữa sự thét gào của sóng, gió, việc tiếp cận tàu bị nạn càng khó khăn. Song, nhận thấy cơn bão gần về, khu vực tàu cá bị nạn có thể là tâm bão, anh Dũng đã nhanh chóng tính toán đưa xuồng máy tiếp cận tàu cá. Ngư dân được cứu và được tàu cứu nạn đưa về Cửa Sót lúc 18h sau gần 10 tiếng hành trình. Đó cũng là lúc cơn bão tràn về Hà Tĩnh”, anh Vũ Dũng nói.
Cũng theo anh Vũ Dũng, thời điểm ấy nếu như không có sự nhanh nhạy của thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng, tính mạng của 4 thuyền viên kia e khó giữ được.
“Cách đây hơn 1 năm (2017), trong một lần đi cứu nạn tàu cá Kiên Giang bị phá nước sau ảnh hưởng của bão tại Cửa Đáy, Nam Định, trên đường đi, đến khu vực Cửa Đáy, tàu SAR 411 lại có nguy cơ mắc vào bãi cạn, có thể bị lật bất cứ lúc nào. Nhận thấy sự bất ổn, sau ít phút tính toán tọa độ, chỉ số trên bàn điều khiển, thuyền trưởng Dũng nhanh chóng chỉ đạo thay đổi hướng lái, chân vịt, né sóng để lách ra, đưa chiếc tàu SAR thoát khỏi vùng cạn và tiếp tục hành trình cứu tàu cá”, anh Vũ Dũng chia sẻ thêm.
Ấn tượng của bác sĩ tàu SAR 411 Lê Văn Minh về thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng là những lúc thuyền trưởng Dũng sắm “một lúc hai vai”, vừa là người chỉ huy, vừa là phiên dịch viên.
Thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng là một thuyền trưởng có ý chí kiên cường, nghị lực thép, luôn hết lòng vì người bị nạn. Gần 15 năm đảm nhiệm vị trí khó khăn, phức tạp và nguy hiểm, anh đã cùng các đồng đội của mình cứu, hỗ trợ hàng trăm người gặp nạn, đem lại cuộc sống bình yên cho ngư dân. Thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng thực sự là một tấm gương tiêu biểu trên mặt trận cứu nạn trên biển.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc
Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải VN
“Tháng 9/2017, tàu Ante Topic báo nạn về trung tâm có thuyền viên người Croatia bị vỡ nội tạng. Tàu SAR 411 được điều động ra hỗ trợ, đến nơi, do bất đồng về ngôn ngữ, bác sĩ không thể trao đổi trực tiếp với thuyền trưởng tàu bạn. Với vốn tiếng Anh dày dặn, thuyền trưởng Dũng lập tức vào làm phiên dịch viên, truyền đạt tỉ mỉ kết quả thăm khám. Vụ cứu nạn diễn ra suôn sẻ, thuyền viên được chuyển về Hải Phòng đưa lên Bệnh viện Việt Đức cấp cứu an toàn. Vụ cứu nạn đó cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao về khả năng hỗ trợ người bị nạn trên biển của Việt Nam”, anh Minh nói.
Chia sẻ về nhiệm vụ chỉ huy nơi đầu sóng của mình, thuyền trưởng Dũng cho biết, mỗi chuyến cứu nạn, thuyền trưởng gần như phải ở trên buồng lái 24/24h để quan sát, lên kế hoạch dự phòng. “15 năm làm nghề cứu nạn, đến giờ việc chỉ đạo tổ chức tiếp cận tàu bị nạn trong thời tiết xấu vẫn là nỗi lo lớn nhất với những người thuyền trưởng. Giữa những luồng sóng luôn thường trực cấp 6 - 9 trong những ngày bão hoặc gió mùa, người chỉ huy phải tính toán đủ yếu tố về hướng gió, chiều cao sóng để anh em hạ xuồng cứu hộ, đưa bơm chống chìm, cáng y tế đến sơ, cấp cứu cho nạn nhân và giữ được phương tiện cho ngư dân”, anh Dũng tâm sự.
Đại phó tàu SAR 411 Hoàng Minh Thanh lại cho rằng, công việc của thuyền trưởng chỉ nói đến việc chỉ huy thôi chưa đủ. “Đối mặt với bão bùng, sóng dữ, thuyền trưởng như một người anh động viên, ổn định tâm lý cho từng anh em để chuyến cứu nạn đạt hiệu quả cao. Trong hành trình, thực phẩm có nguy cơ hết, cũng chính thuyền trưởng phải tính toán ăn, uống thế nào cho hợp lý. Cấp chỉ huy ở tàu vận tải có thể có lúc thảnh thơi còn thuyền trưởng của tàu cứu nạn đã tiến ra biển là chịu muôn vàn thử thách”, anh Thanh nói.
Cùng ngư dân vượt trùng dương giữ vững chủ quyền
Bước sang năm thứ 15 “bén duyên” với ngành cứu nạn, từng cùng đồng đội cứu thành công hàng trăm mạng sống và tài sản cho người đi biển, song thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn mang nỗi trăn trở sau những lần biển quá dữ dội, thiên nhiên quá khắc nghiệt khiến tàu cứu nạn không kịp đến cứu ngư dân. Hằn in trong đó là 18 ngư dân phải bỏ mạng ở khơi xa trong cơn bão Chanchu năm 2006, là hàng chục thuyền viên tàu Phúc Tân phải lìa xa cõi đời khi tàu bị chìm giữa đại dương.
“Việt Nam đã có những con tàu cứu nạn rất tốt, song số lượng lại quá mỏng, khó có thể đáp ứng toàn bộ vùng trách nhiệm hơn 1 triệu km2”, anh Dũng nói và mong muốn trong tương lai, ngành cứu nạn sẽ được đầu tư thêm những con tàu mới để chất lượng cứu nạn được nâng cao hơn, điểm tựa trên biển của ngư dân được vững chắc hơn.
Nói đến công việc hăng say là vậy, nhưng khi đề cập đến cuộc sống gia đình, mạch chuyện với thuyền trưởng Dũng bỗng khựng lại, giọng anh chùng xuống và kết thúc câu chuyện trong lời tự bạch: “Vẫn vậy thôi. Vẫn có những bữa cơm với vợ con bị bỏ dở sau tin báo nạn, vẫn có những đêm đang ngủ phải bật dậy, tức tốc ra tàu, vẫn có những sớm hôm người vợ tảo tần phải “một nách hai con” vừa công việc gia đình, vừa chuyện học hành của những đứa nhỏ. Ấy vậy mà mười mấy năm nay, chưa một lần cô ấy buông lời trách móc. Có lẽ đó là điều may mắn nhất tôi có được khi gắn bó với nghề cứu nạn này”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận