Bạn cần biết

Nguy hại khôn lường từ thú nuôi trong nhà

09/01/2018, 08:05

Nổi hạch tưởng ung thư, hay ngứa ngáy cơ thể suốt nhiều năm chữa không khỏi…

18

Không nên ôm hôn, ngủ chung với chó, mèo - Ảnh: Tạ Tôn

Nổi hạch vì mắc giun đũa chó mèo

Cậu bé N.Q.H. (4 tuổi ở Bảo Thắng, Lào Cai) được cha mẹ đưa xuống BV Nhi T.Ư khám vì có hiện tượng ăn kém, xanh xao và nổi hạch ở vùng cổ. Mẹ bé H. cho biết, khoảng 1 tháng gần đây, hạch ở cổ của con to lên bất thường. E ngại con có khối u ác tính nên gia đình vội đưa bé H. xuống thẳng bệnh viện T.Ư. Chị N.T.L., mẹ bé H. cho hay: “May sao khi khám ở BV Nhi T.Ư, các bác sĩ cho biết con không bị ung thư. Dấu hiệu hạch to bất thường có thể do nhiễm giun sán nên được chỉ định sang Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư để được khám chuyên sâu”. Tại đây, bé H. được chẩn đoán nhiễm giun đũa chó mèo. Mẹ bé H. chia sẻ, cách đây ít tháng, nhà chị có nuôi chó mèo. Bé con nhà chị thường chơi với thú nuôi trong nhà. “Ai ngờ thú nuôi cũng gây nguy hiểm tới tính mạng”, chị L. cho hay.

"Người bị nhiễm giun chó, mèo thường được điều trị theo phác đồ liệu trình 21 ngày, thời gian điều trị khoảng 3 liệu trình và cách nhau một tháng."

Ths.BS. Trần Huy Thọ
Trưởng khoa Điều trị, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư

Còn bà Tr.T.Th. (59 tuổi ở Lạc Sơn, Hòa Bình) hiện đang điều trị bệnh nhiễm giun chó mèo tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư. Tuy nhiên, để tìm ra nguyên nhân điều trị như hiện nay, bà đã đi chữa trị ở rất nhiều nơi mà bất thành. Theo lời bà Th., cách đây 5 năm, bà bắt đầu bị ngứa vùng chân, thời gian sau đó lan dần khắp cả người. Ban đầu đi khám da liễu, bà Th. được bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh viêm da cơ địa. Nhưng hết đợt thuốc điều trị bệnh cũng không giảm. Bà Th. bảo, mỗi lần lên cơn ngứa, người nóng bừng bừng như uống rượu. 10 ngón tay bà phải nuôi móng chỉ để dùng gãi mỗi đợt ngứa. Hết điều trị thuốc tây, bà lại chuyển sang tắm lá, nhưng cũng không đỡ. Bà đi khám khắp nơi nhưng không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Mới đây, bà bất ngờ gặp một người quen, người này trước đây cũng có những dấu hiệu giống bà nhưng nay đã được chữa khỏi tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư. Vì vậy, bà cũng tìm đến đây. Tại đây, các bác sĩ đã tìm được căn nguyên gây ngứa của bà Th. là do nhiễm giun đũa chó mèo. Sau một đợt điều trị, hiện tình trạng của bà Th đã được cải thiện rất nhiều.

Theo Ths.BS. Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Điều trị, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, số lượng ca bệnh nhiễm giun đũa chó mèo thời gian gần đây tới khám và điều trị tại viện gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này rất có thể liên quan tới trào lưu nuôi thú cưng đang thịnh hành hiện nay. Ông Thọ cho biết, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất bị nhiễm giun đũa chó mèo từng điều trị tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư mới 12 tháng tuổi. Gia đình bệnh nhân nuôi chó cảnh trong nhà và bé thường xuyên chơi, ngủ cùng chó. Cả nhà chỉ thấy bé thường ốm vặt, ăn nhiều nhưng rất gày gò mà không ngờ con bị nhiễm giun chó mèo.

Đừng đùa với trào lưu nuôi thú cưng trong nhà

Theo BS. Thọ, gần đây, số ca bệnh tới khám do nhiễm giun và ký sinh trùng tăng lên. Theo thống kê của khoa, hết tháng 11/2017, có 17.369 ca khám và điều trị, trong đó chủ yếu là bị nhiễm giun đũa từ chó mèo. Bệnh nhân mắc giun đũa chó mèo ngày một tăng do trào lưu nuôi thú chó, mèo, thậm chí ôm ấp, ăn, ngủ cùng chó mèo. Ông Thọ phân tích, giun đũa chó, mèo ký sinh trong cơ thể vật chủ chó, mèo. Khi đi vào cơ thể người, giun trưởng thành sống trong lòng ruột non. Người là vật chủ tình cờ nhiễm bệnh (ký sinh nhầm), vì vậy các ấu trùng sẽ không có vòng đời. Ấu trùng sẽ tồn tại trong cơ thể, khi trưởng thành sẽ chu du trong cơ thể người trong thời gian dài. Chúng có thể ký sinh trong hệ bạch huyết, tim, não, dưới da, hay mắt… và nơi nào chúng ký sinh sẽ gây tổn thương ở đó. Rất nguy hiểm nếu ấu trùng giun xâm nhập theo hệ bạch huyết lên não, có thể tạo nên những khối u não…

BS. Thọ cho hay, giun đũa chó, mèo có thể bị nhiễm ở mọi đối tượng. Nhưng đáng lưu ý nhất là nhóm trẻ thường bò dưới đất, nguy cơ tiếp xúc nguồn nhiễm cao. Khi nhiễm giun đũa chó, mèo sẽ có thể xuất hiện các triệu chứng như ngứa nổi mề đay, thiếu máu da xanh, với trẻ thì chậm lớn, gan to hoặc hình thành ổ áp xe gan…

“Để phòng lây nhiễm giun đũa chó, mèo, các gia đình cần thường xuyên vệ sinh nơi chó, mèo nằm, định kỳ tẩy giun cho chó, mèo và dọn phân đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, cần lưu ý việc ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh cá nhân. Không nên ôm hôn, ngủ chung với chó, mèo. Gia đình có trẻ nhỏ không nên nuôi thú trong nhà”, BS. Thọ khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.