Nhiều sản phụ có tâm lý đau khổ, vô vọng ngày càng tăng sau khi sinh con mà không có lý do là dấu hiệu bị trầm cảm sau sinh |
Mẹ hoang tưởng, sát hại con!?
Lập gia đình muộn ở tuổi đã ngoài 30, thế nhưng mong mỏi có con bế bồng suốt 5 năm trời, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Hoài (Vĩnh Tuy, Hoàng Mai, Hà Nội) mới được toại nguyện. 9 tháng 10 ngày mang thai, anh chị mong ngóng từng ngày. Riêng với chị lúc nào cũng canh cánh bên lòng nỗi e ngại “liệu con có bị ảnh hưởng không khi chị mang thai ở độ tuổi mà nguy cơ dị tật ở thai nhi cao”.
Cậu con trai ra đời trong niềm hân hoan của cả hai gia đình nội ngoại. Thế nhưng, trái ngược với niềm mong mỏi bấy lâu, được một tuần rời viện về nhà, chị Minh Hoài lại luôn tỏ thái độ thờ ơ với cậu con trai mới chào đời. Theo lời anh Hậu, chồng chị Hoài, phần vì lo lắng đến mất sữa, cộng thêm việc con quấy suốt, nên vợ anh thường xuyên mất ngủ trắng đêm, cơ thể mệt mỏi. “Cả gia đình thấy vậy cũng sốt ruột, nên thay phiên nhau chăm sóc bé nhưng càng ngày cô ấy càng ít nói, hay cáu bẳn và tỏ ra chán chường, không yêu con, thậm chí thường hay bỏ mặc con khóc vì đói…”, anh Hậu chia sẻ. Sự thể xảy ra gần hai tháng thì nghe bạn bè mách “mẹ nào chả yêu con”, chắc vợ anh có vấn đề về tâm lý mới chán ghét con đến vậy! Anh Hậu đưa vợ đi khám, kết quả khiến anh “ngã ngửa”: Vợ bị mắc bệnh trầm cảm sau sinh.
Cũng tại Bệnh viện (BV) Tâm thần Mai Hương (Hà Nội), chị Trần Thanh Hoa (28 tuổi, trú tại Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) được gia đình đưa đến khám sau khi vừa sinh bé thứ 2 chừng 3 tháng. Tại đây chị Hoa được chẩn đoán rối loạn lo âu. Theo lời người nhà, chị Hoa vốn là người sống nội tâm, ít nói, ít chia sẻ với người xung quanh. Khi sinh cô con gái đầu lòng, con kém ăn, hay quấy khóc đã khiến chị Hoa mất ăn, mất ngủ, buồn phiền. Tuy nhiên, đến lúc con khỏe mạnh, các triệu chứng ở chị Hoa cũng mất đi. Tới khi mang thai đứa con thứ 2, do nghén nhiều, ăn ít nên chị luôn lo lắng thai nhi không phát triển.
8 dấu hiệu trầm cảm sau sinh: Suy nhược cơ thể: Mệt mỏi triền miên, thờ ơ việc nhà, cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần, có khi khóc cả ngày không có lý do; Luôn lo lắng: Cảm giác bị bệnh nhưng không tìm ra nguyên nhân…; Hoảng hốt: Với những tình huống xảy ra hàng ngày và khó bình tĩnh; Căng thẳng; Cảm giác bị ám ảnh, đi kèm với cảm giác tội lỗi; Mất tập trung; Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ; Mất hứng thú tình dục thường kéo dài một thời gian…". BS. Thu Hà, BV Từ Dũ cho biết |
Đến khi sinh, cũng như lần trước, con ít bú, hay ốm và quấy khóc khiến chị Hoa lo nghĩ và thường hay dằn vặt mình không biết chăm lo cho con, sợ con chết! Vì thế, tâm trí lúc nào cũng sầu não, thậm chí, đã từng có lúc chị thổ lộ rằng muốn “chết”. Quá lo lắng vì sự bất ổn của chị Hoa, gia đình quyết định đưa chị đi khám và được khuyến cáo nên điều trị nội trú, can thiệp kịp thời.
Chia sẻ với Báo Giao thông, bác sĩ Nguyễn Hồng Thu, Trưởng khoa Lâm sàng, BV Tâm thần Mai Hương cho biết, BV tiếp nhận nhiều trường hợp mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Mặc dù là một dạng trầm cảm nhưng mang tính đặc thù là phát bệnh sau khi sinh nở, đồng thời tác động của bệnh đối với bệnh nhân rất lớn có thể dẫn đến hành vi tự sát. Do đó, trầm cảm sau sinh được coi là một loại bệnh nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị.
“Điều đáng tiếc là rất nhiều gia đình chưa hiểu rõ về căn bệnh này và thường bỏ qua, vì coi đó là sự thay đổi tâm lý thông thường. Nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi người mẹ tự sát, thậm chí, có trường hợp sát hại cả con nhỏ… chỉ đến khi hồi cứu lại mới phát hiện nguyên nhân chính là do người mẹ mắc bệnh trầm cảm sau sinh không được phát hiện, điều trị kịp thời đã gây hoang tưởng có ảo giác, ảo thanh, không làm chủ được hành vi của mình”, bà Thu chia sẻ.
Sau 10 ngày biến chứng nặng
Về nguyên nhân gây bệnh, bà Thu cho biết, nhiều người thường cho rằng mâu thuẫn trong gia đình hay việc thiếu ngủ, thiếu dinh dưỡng, mặc cảm tự ti vóc dáng, da dẻ..., không được người thân chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái... là nguyên nhân gây bệnh trầm cảm sau sinh cho phụ nữ. Tuy nhiên, đó chỉ là những yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm sau sinh, nguyên nhân đích thực đến nay vẫn chưa được hoàn toàn sáng tỏ.
Theo BS. Hoài Thu, nhiều trường hợp đã từng có ý nghĩ “tự sát” tuy nhiên, may mắn đều được gia đình phát hiện và đưa đi điều trị. Phần lớn bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt, điều trị nội trú chừng 1 tháng xuất viện. Một số ít bệnh nhân thời gian điều trị lâu hơn, thậm chí có thể kéo dài cả năm nhưng đều cho kết quả tốt.
BS. Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản, BV Từ Dũ, TP HCM cho biết, trầm cảm sau sinh có nhiều mức độ từ nặng đến nhẹ: Buồn sau sinh, trầm cảm sau sinh, loạn thần. Vì thế, việc phát hiện sớm các dấu hiệu trầm cảm giúp ích rất lớn trong quá trình điều trị. Mặc dù những biểu hiện bệnh đôi khi khiến mọi người nhầm tưởng với trạng thái stress như nhạy cảm, mệt mỏi, lo lắng thái quá với sức khỏe con cái, mất ngủ… Tuy nhiên, nếu những biểu hiện trên kéo dài quá 10 ngày thì đó là dấu hiệu của trầm cảm nhẹ sau sinh.
“Điều quan trọng khi mới phát hiện bệnh cần đưa đến khám và điều trị đúng chuyên khoa Tâm thần. Bởi trên thực tế, nhiều bệnh nhân bỏ lỡ cơ hội điều trị vì đi khám nội khoa không tìm được đích xác nguyên nhân, hoặc thậm chí, có gia đình không muốn khám “tâm thần” chỉ vì lo lời dị nghị, đàm tiếu”, BS. Thu cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận