Thế giới giao thông

Nguyên tắc đúng giờ của đường sắt Nhật Bản

21/11/2017, 08:15

Hệ thống tàu Nhật Bản nổi tiếng về độ chính xác tới từng giây.

24

Hệ thống đường sắt Nhật nổi tiếng với nguyên tắc chuẩn xác tới từng giây

Hệ thống tàu Nhật Bản nổi tiếng về độ chính xác tới từng giây. Vì thế, mới có những chuyện hy hữu như lãnh đạo đường sắt xin lỗi vì tàu khởi hành sớm hơn 20 giây so với lịch trình hay lái tàu cố tăng tốc để về kịp giờ khiến tàu trật bánh.

Chỉ trễ 54 giây/năm

Tờ Japan Today cuối tuần qua đưa tin, một đoàn tàu trên tuyến Tsukuba Express tại Thủ đô Tokyo đã không tuân thủ lịch trình và rời đi sớm hơn 20 giây. Theo trang báo Nhật, thông thường, đoàn tàu này rời sân ga Minami Nagareyama vào lúc 9h44 sáng nhưng ngày hôm đó, tàu lại rời đi vào 9h43"40"", sớm hơn lịch trình 20 giây.

Diễn biến này được công ty quản lý tàu coi là sự cố và phải thông báo xin lỗi chính thức trên trang web của công ty trong cùng ngày rằng: “Chúng tôi xin lỗi vì sự cố vô cùng bất tiện mà hành khách vừa phải trải qua”.

Theo phía công ty, lái tàu đã không kiểm tra chính xác thời gian biểu của tàu, dẫn đến khởi hành sớm và khẳng định đã yêu cầu nhân viên tàu phải tuân thủ mọi hướng dẫn cơ bản trong tương lai.

Tuyến Tsukuba Express do Công ty Đường sắt xuyên thành phố điều hành, nối Akihabara, Thủ đô Tokyo và Tsukuba ở tỉnh Ibaraki. Trên tuyến này, cứ 4 phút lại có một tàu mới đến trong buổi sáng nên việc sớm, muộn 20 giây có lẽ cũng không nhiều người để ý.

Tuy nhiên, hoạt động vận tải đường sắt của Nhật nổi tiếng chuẩn xác giờ nên những hành khách lên lịch trình đi lại bằng tàu cũng cẩn thận từng chút. Nói cách khác, nếu bị nhỡ tàu và phải chờ thêm 4 phút nữa để lên chuyến tàu tiếp theo, họ sẽ bị chậm trễ ở những lịch trình, công việc sau đó. Nhiều người cũng có khả năng muộn làm hoặc muộn học. Rất may, phía công ty cũng cho biết, họ không nhận được bất cứ lời phàn nàn nào từ hành khách sau sự việc trên.

Theo thống kê mới nhất do JR Tokai, Công ty Quản lý tàu cao tốc Tokaido Shinkansen công bố, thời gian tàu Shinkansen bị chậm trễ trong cả năm 2015 là 54 giây/tàu. Tuy vậy, con số này vẫn là quá cao vì đã tăng 1,5 lần so với mức trung bình 36 giây/năm/tàu trước đó.

Tàu chỉ bị hoãn/chậm vì điều kiện thời tiết như động đất, mưa lớn. “Không có gì phải nghi ngờ, ngoài hệ thống của Nhật, không có hệ thống tàu khác chuẩn giờ hơn thế”, ông Shigeru Haga, Giáo sư về Giao thông và tâm lý công nghiệp tại Đại học Rikkyo nhận định và chắc chắn rằng: “Hệ thống đường sắt Nhật đứng số một về sự đúng giờ và an toàn trên thế giới”.

Áp lực đúng giờ rất nặng nề

Chính vì nguyên tắc chuẩn xác về thời gian bậc nhất thế giới nên nhiều lái tàu của Nhật Bản phải đối mặt áp lực nặng nề, thậm chí tăng tốc chỉ để về ga đúng giờ và gây mất an toàn. Điển hình là sự việc xảy ra năm 2005, một lái tàu (thời điểm đó khoảng 23 tuổi) đã cố tăng tốc để không bị muộn 90 giây.

Không may, tàu tăng tốc khi đi qua khúc cua nên bị trật đường ray, đâm sầm vào tòa nhà chung cư 9 tầng. Vụ tai nạn khiến 91 người thiệt mạng (cao nhất tại Nhật trong 4 thập kỷ).

Vụ việc trên là điển hình cho không ít vụ tai nạn trước đó cũng xuất phát từ nguyên nhân lái tàu tăng tốc để về đúng giờ, bộc lộ rõ một mặt trái trong tâm lý chuẩn giờ của nền văn minh xứ Phù Tang, theo tờ NYTimes.

Tờ báo này dẫn lời ông Yasuyuki Sawada, một công nhân đường sắt (49 tuổi) có mặt tại hiện trường vụ tai nạn năm 2005 cho biết: “Người Nhật tin rằng, một khi lên tàu, chắc chắn họ sẽ tới đúng giờ. Xã hội và con người Nhật Bản không chấp nhận giờ giấc cao su”. Ông Sawada cho rằng: “Nếu các bạn ở nước ngoài, các bạn đều hiểu, tàu không thực sự cần thiết phải tới đúng giờ tới từng giây và thảm họa năm 2005 chính là một hậu quả mặt trái của nền văn minh và con người Nhật”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.