Trung ương yêu cầu các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát nếu phát hiện cán bộ nào có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch. Báo Giao thông có cuộc trao đổi với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xung quanh việc làm thế nào để lựa chọn được những cán bộ cấp chiến lược có đủ đức đủ tài, xứng tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Chạy chức, chạy quyền thời nào cũng có
Khi ông còn giữ cương vị Tổng Bí thư, công tác quy hoạch, lựa chọn cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược được thực hiện thế nào, có gì khác so với hiện nay không, thưa ông?
Nó cũng tương đối giống nhau, trước hết ta phải đặt ra yêu cầu, tiêu chuẩn để tìm nguồn cán bộ, rồi xem xét, đánh giá.
Trước đây, khi chuẩn bị đưa cán bộ vào T.Ư, Bộ Chính trị đều có rất nhiều ý kiến khác nhau, người đánh giá thế này, người đánh giá thế kia, người khen thế này, người chê thế kia. Tôi cho rằng, nói đến con người phải tìm hiểu rất kỹ, họ tốt ở điểm gì, cái gì chưa tốt, vì sao chưa tốt, bản chất thực sự của họ là thế nào. Vì thực tế có những cái xấu có thể chỉ là nhất thời, nhưng cũng có khi đã thành bệnh mãn tính.
Người ta nói, muốn giải quyết vấn đề phải tự xem lại mình, sau đó mới đến tổ chức đánh giá mình. Nhưng dù thế nào, việc đưa nhiều cán bộ ra kỷ luật cũng là một bài học với chúng ta. Bản thân cán bộ là một chuyện, nhưng tổ chức quản lý cán bộ phải chặt chẽ, hiểu được quá trình trưởng thành của cán bộ, có ưu, nhược điểm gì. Công tác cán bộ giống như gieo hạt giống, phải theo dõi xem nó phát triển thế nào. Nếu tổ chức quan liêu sẽ khiến một người cán bộ tốt có thể sa ngã, đánh mất mình bất cứ lúc nào.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Đặc biệt, người làm công tác cán bộ phải hết sức vô tư, trong sáng. Một khi có động cơ nào đó thì không bao giờ tìm được người tốt, có khi người xấu được đưa lên, người tốt bị dìm xuống. Thực tế này vẫn có chứ không phải đã hết đâu. Rốt cuộc thì cũng là con người với con người, nếu đánh giá lẫn nhau mà thân quen thì không tránh khỏi được cảm tính. Vì thế mà người vô tư trong sáng sẽ đánh giá khách quan hơn.
Tôi cũng từng là người lính nên có thể so sánh thế này, như ngày trước đánh trận, có anh đánh giặc giỏi, chỉ huy rất giỏi nhưng nóng tính. Nếu cấp trên đánh giá sai anh đó thì sẽ không sử dụng mà lại dùng người giỏi nịnh bợ nhưng không có tài trận mạc. Điều đó dẫn tới chỉ huy chuyên môn sai, thất bại, thương vong nhiều.
Quan trọng nhất là đánh giá cán bộ. Từng thời kỳ đánh giá cán bộ khác nhau, nhưng phải nhìn nhận thận trọng với cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. Đánh giá tích cực sai một chút có thể không sao, nhưng đánh giá về tiêu cực mà sai thì nguy hiểm lắm, có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của một con người nữa.
Một trong những giải pháp quan trọng được các Hội nghị T.Ư gần đây nhấn mạnh nhằm tuyển chọn được đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài là phải khắc phục được tình trạng chạy chức chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy quy hoạch. Ở thời của ông, có những hình thức chạy này không? Và xin được hỏi thẳng, khi ông còn làm Tổng Bí thư, có ai đến gặp ông để chạy chức, chạy quyền không?
Tình trạng chạy chức, chạy quyền thời nào cũng có. Họ thông qua nhiều cách để chạy. Nhưng thời tôi còn làm Tổng Bí thư thì không ai dám trực tiếp tìm đến tôi để chạy, vì họ biết tính của tôi như thế nào nên không dám, tôi rất nghiêm khắc trong chuyện này.
Vì không dám tìm trực tiếp tôi để chạy nên họ tìm nhiều cách khác nhau, việc đánh tiếng nhờ qua người nọ, người kia là có. Với tôi, tôi không bao giờ chấp nhận việc đó, cũng sẽ không chọn người như thế. Ngay trong chiến đấu, tôi chọn cán bộ cũng rất thận trọng chứ không lơ mơ, vì chỉ cần chọn sai người chỉ huy có thể gây thiệt hại, thương vong cho biết bao nhiêu người.
Trước đây cũng có việc một vị lãnh đạo đến làm việc với tôi, nhưng khi ra về cố ý để lại một chiếc phong bì. Khi tôi gọi Chánh văn phòng T.Ư Đảng lên, bóc ra thì thấy trong đó có 5.000USD. Tôi yêu cầu cho gọi vị lãnh đạo kia lên bảo cầm phong bì về, đồng thời nhắc nhở, yêu cầu tuyệt đối không được làm như vậy nữa.
Và hình như sau lần đó, có người đã gọi ông là “ông chống tham nhũng” phải không?
Có lẽ, do cách xử lý của tôi trong việc phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Tôi phát hiện được là tôi làm đến nơi đến chốn, bởi tôi cho rằng, đã làm cán bộ là phải trong sạch, đàng hoàng.
Song tôi cũng có quan điểm rằng, xử lý sai phạm thì phải có tình, có lý chứ không chụp mũ, mức độ đến đâu xử lý đến đó. Ta làm kiên quyết, tích cực, triệt để nhưng không phải để dìm một người nào đó xuống tận bùn đen, mà làm cho người đó thấy được cái sai của mình mà có sự chuyển biến. Tất nhiên, sai đến mức phải kỷ luật thì vẫn phải kỷ luật, thậm chí có người phải vào tù, nhưng bằng cách nào đó người cán bộ tự thấy được cái sai của mình mà phấn đấu sửa chữa thành người tốt. Cũng từ đó, người khác nhìn vào để lấy đó làm bài học, làm tấm gương, không sa vào cám dỗ để phải mắc sai lầm.
Không để mặt tiêu cực chiếm lĩnh trong Đảng
Thời gian qua có không ít cán bộ cấp cao bị kỷ luật vì sai phạm, tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đã có 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 5 Ủy viên T.Ư đương nhiệm. Vấn đề đặt ra là, trước đó những người này cũng đã được giới thiệu quy hoạch, trải qua một thời gian dài rèn luyện, tu dưỡng. Đâu là những bài học cần rút ra cho lần quy hoạch này, thưa ông?
Nhắc đến cán bộ, người ta thường nói đến hai yếu tố chung nhất là đức và tài - hai yếu tố phải luôn gắn chặt với nhau. Vì anh có đức mà không có tài thì không làm được gì, anh có tốt đến mấy cũng chỉ ngồi không, không phát triển được đất nước. Còn có tài mà không có đức lại rất nguy hiểm.
Chúng ta phải chọn được người cán bộ hết lòng hết sức phục vụ nhân dân mà không đòi hỏi điều kiện gì hết, tức là họ phục vụ nhân dân vô điều kiện. Cán bộ cũng phải luôn tâm huyết, còn nếu nghĩ làm sao chạy cho được thế nọ thế kia thì sẽ tạo ra các hiện tượng tiêu cực ngay thôi.
Đặc biệt, cán bộ chiến lược là rất quan trọng bởi họ có vai trò như những người cầm lái. Nếu coi nhẹ để dẫn đến nảy sinh tiêu cực sẽ rất nguy hiểm cho Đảng, cho đất nước. Vì thế, công tác lựa chọn, quy hoạch cán bộ phải đồng bộ từ trên xuống dưới, ở các cấp đều phải được coi trọng.
Hiện nay, chúng ta đã cụ thể hoá nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn cho chức danh thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, như cán bộ phải không tham vọng quyền lực, tham vọng chính trị, không tham nhũng... Nếu chúng ta làm đúng như vậy sẽ lựa chọn đúng người, loại được cán bộ không xứng đáng.
Đánh giá về con người, nhất là về mặt tiêu cực phải đánh giá cho kỹ, nếu đánh giá một cách lơ mơ rất nguy hiểm, người tốt thì anh loại mất, lại chọn người giả tạo, che giấu cái hư hỏng bên trong mà đưa vào bộ máy thì nguy hiểm lắm.
Là người từng giữ cương vị cao nhất trong Đảng, ông có suy nghĩ gì trước việc có quá nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự như thời gian qua?
Nhiều người vui mừng khi thấy công tác làm trong sạch nội bộ Đảng của chúng ta mạnh mẽ hơn, nhưng không ít người lo khi thấy đội ngũ cán bộ lại tồn tại những con người có sai phạm như thế. Tôi thì không lo, mà tôi mừng, dù biết rằng mất cán bộ là rất đau xót. Bởi chúng ta làm với động cơ đúng đắn, đấu tranh, vạch trần những sai trái trong Đảng, trong cán bộ đảng viên, đó là việc làm rất tốt để xây dựng Đảng.
Chúng ta phải ý thức rằng, ta có cái tốt, nhưng cái xấu vẫn luôn ẩn mình bên trong, nên từng cán bộ Đảng viên phải giữ mình, không được đánh mất mình, phải cảnh giác với cái có thể làm cho mình sa đọa, biến chất.
Công cuộc phòng chống tham nhũng hiện đang được Đảng thực hiện rất quyết liệt, nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì “nếu ai chùn tay, dẹp sang một bên”. Với những kinh nghiệm của mình, ông có góp ý gì để công cuộc này đạt kết quả tốt nhất?
Tôi vẫn thường trao đổi với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc này. Cách làm như vậy thận trọng nhưng kiên quyết. Tôi cho rằng bây giờ cứ nhân đà này mà làm thôi.
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những bước đi mạnh mẽ của Trung ương, của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư với chủ trương “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Đó là bước đi tốt. Nhưng bên cạnh đó, phải làm sao để mỗi cán bộ đảng viên phải thật tự giác, giữ con người mình trong sáng, không bị cám dỗ bởi lợi ích hay bất kỳ điều gì.
Có lúc chúng ta đã làm triệt để, làm tốt nhưng có lúc làm chưa đến nơi đến chốn nên tiêu cực vẫn cứ len lỏi, nảy sinh. Qua những lần rút ra bài học từ chống tiêu cực, trong toàn Đảng một mặt phải cảnh giác, mặt khác phải tự sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của mình. Nhân dân cũng góp phần tích cực trong giám sát, thẳng thắn chỉ tên những cán bộ thoái hoá, biến chất. Nếu làm được như vậy ta sẽ có thêm động lực để làm mạnh mẽ, triệt để, quyết liệt hơn. Như thế mới mong mặt tiêu cực không bao giờ có thể chiếm lĩnh trong Đảng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận