Nhờ tiếng nói đóng góp của ông, không ít trường hợp “chờ tử thần gọi tên” đã may mắn trở về đoàn tụ với gia đình, với cuộc sống thường ngày.
Lắng nghe tiếng nói của dân oan
Ông kể, từng là người lính, có rất nhiều anh em đồng đội nên khi đang còn công tác, ông nhận được rất nhiều thông tin phản ánh về mọi việc. Những lúc đó, ông đều lắng nghe và có chỉ đạo, thậm chí có những sự việc ông trực tiếp xử lý. Khi về hưu, ông cũng vẫn rất quan tâm, bởi nó liên quan đến số phận con người.
Nguyên Tổng Bí thư chậm rãi nhắc lại câu chuyện một thanh niên ở Bắc Ninh bị kết án tử hình, sau đó, gia đình thanh niên ấy có đơn và đi kêu oan khắp nơi, thậm chí, họ đến cả nhà của ông để kêu oan. “Tôi nhớ thanh niên ấy bị kết án tử và dự kiến thi hành án vào ngày mùng 5 Tết. Nhưng gia đình họ không bỏ cuộc, họ kiên nhẫn kêu oan khắp nơi, rồi họ đến nhà tôi. Thậm chí, ngày 30 và mùng Một Tết, họ quỳ trước cửa kêu oan. Chứng kiến những cảnh ấy, tôi suy nghĩ rất nhiều. Và tôi có đề nghị các cơ quan liên quan xem xét lại. Sau đó đã làm rõ cậu thanh niên đó bị oan, phải hủy bản án. Gia đình cậu thanh niên mừng mừng tủi tủi, kéo đến nhà tôi cảm ơn”, nguyên Tổng Bí thư kể lại.
Ông cũng chia sẻ, khi ấy ông có nói với lãnh đạo ngành tư pháp rằng, làm việc như vậy rất nguy hiểm. Đưa người ta vào tù thì sai còn có thể sửa được, nhưng xử tử một con người mà sai, thì không có cơ hội sửa chữa.
Hay như vụ của tử tù Hàn Đức Long ở Bắc Giang từng rúng động dư luận. Ông Long từng bị kết án tử hình cho tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Hơn 10 năm ông ngồi tù là hơn 10 năm ở ngoài, gia đình ròng rã đi kêu oan. Đến năm 2013, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã gửi thư tay tới Chủ tịch nước khi ấy là ông Trương Tấn Sang, đề nghị xem xét vụ án, tránh làm oan người vô tội.
Sau quá trình điều tra làm rõ lại vụ án, ông Hàn Đức Long được minh oan và trả tự do. Ngay sau đó, ông Long đã đến tận nhà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu để bày tỏ sự cảm ơn, vì như ông nói, “nếu không có bác nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, có lẽ giờ này tôi vẫn phải chịu oan ức nơi ngục tù”.
Nguyên Tổng Bí thư cũng chia sẻ, ông rất vui khi đóng góp được tiếng nói và vụ án có được kết quả như vậy.
Chia sẻ với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Mai, vợ tử tù Hàn Đức Long nhớ lại, trước đây, gia đình bà đã gửi đơn kêu oan đi khắp nơi và rất may mắn là nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đó có biết được vụ việc nên đã góp tiếng nói và giúp ông Long có cơ hội được minh oan. Vì thế, ngay sau khi ông Long được trả tự do, bà đã cùng chồng đến tận nhà cảm ơn nguyên Tổng Bí thư. Hai vợ chồng bà đã ngồi trò chuyện với nguyên Tổng Bí thư rất lâu, được ông chia sẻ và động viên rất nhiều.
Chia sẻ thêm về việc yêu cầu bồi thường cho ông Long, bà Mai cho biết, sau khi ông Long được xin lỗi xong, gia đình đã gửi đơn lên TAND Cấp cao tại Hà Nội yêu cầu bồi thường số tiền 20 tỷ đồng, song từ đó đến nay đã gần 2 năm vẫn chưa thấy hồi đáp từ phía cơ quan chức năng. Theo lời bà Mai, tháng 3/2018, tòa có mời gia đình bà lên làm việc và yêu cầu bổ sung một số loại hoá đơn, giấy tờ để chứng minh thiệt hại trong quá trình kêu oan, nhưng gia đình không có được những hóa đơn ấy. Vì thế, sự việc chưa có gì tiến triển.
“Làm quan nhưng cả họ không được nhờ”
Khi được hỏi: “Người ta thường nói “một người làm quan, cả họ được nhờ”, câu nói ấy có đúng với ông không?”, không một phút suy nghĩ, nguyên Tổng Bí thư trả lời luôn: “Không đúng với tôi chút nào, vì họ hàng tôi không nhờ tôi việc gì, ngay cả con cháu tôi cũng không ai liên quan đến con đường chính trị hay làm to cả”.
Nguyên Tổng Bí thư kể, ông có 3 người con, người con gái cả và hai người con trai, nhưng ngay từ khi còn giữ cương vị cao nhất trong Đảng, ông cũng chưa có bất kỳ định hướng nào cho đường đi của các con mà để họ được tự lựa chọn. Thậm chí, cũng có những đề nghị lo cho công việc của các con ông, nhưng ông từ chối vì cho rằng “có năng lực thì làm, không thì thôi”.
Khi đương nhiệm, lịch công việc dày đặc, nhưng ông tự nhận mình là người làm việc rất khoa học, vì thế dù có những lúc bận bù đầu, nhưng ông vẫn bố trí được thời gian nghỉ ngơi, thư giãn bên gia đình.
Nhiều chính khách cảm thấy khá hụt hẫng, trống trải sau khi về hưu, nhưng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thì khác. Ông tâm sự, về hưu ông thấy vui vẻ, thoải mái và nhẹ nhõm.
Nói về “lịch sinh hoạt” hàng ngày, ông kể, cứ 5h sáng, ông thức dậy tập thể dục rồi ăn sáng, xem tin tức. Sau đó xem xét, nghiên cứu tài liệu. Đến buổi chiều thì có thú vui đánh cờ với anh em thư ký hoặc cảnh vệ, thể dục hoặc đi bộ quanh nhà để giữ sức khỏe. Cuối tuần là dịp đầy vui vẻ khi có cháu nội, cháu ngoại đến quây quần thăm và chơi với ông.
Thi thoảng, ông cũng nhận lời tham gia một sự kiện nào đó, có thể ở Hà Nội và cũng có thể ở các địa phương khác.
Năm nay đã bước sang tuổi 88, nhưng ông vẫn còn rất khỏe mạnh. Có được sức khỏe ấy, ông chia sẻ có lẽ bởi từ nhỏ đến lớn, ông không biết đến rượu, bia hay thuốc lá, đặc biệt khi cần đi tiếp khách, ông cũng chỉ “nhấp môi” chứ không uống.
Hỏi ông rằng đến bây giờ có còn gì băn khoăn không, nhất là về chuyện thế sự, ông bảo băn khoăn, trăn trở thì nhiều lắm, nhưng ở tuổi này rồi thì gác lại, cho qua thôi. Thế nhưng ông lại nói rằng, có điều gì cản trở cho sự phát triển chung của đất nước, ông sẽ có ý kiến góp ý ngay.
Chia sẻ về điều quan tâm nhất khi giữ cương vị người đứng đầu Đảng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết, đó chính là làm sao chống được tham nhũng. Theo ông, có rất nhiều phương pháp, nhưng ông rất coi trọng việc lắng nghe. Ông lắng nghe những người cán bộ mắc sai lầm, thậm chí gọi từng người đến nói chuyện, hỏi han để có thể tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ sai phạm, từ đó giúp họ rút ra bài học và tránh được vết xe đổ về sau.
Với ông, xử lý một con người phải hết sức thận trọng, vì “khen thì sai một chút cũng không sao, nhưng xử lý sai phạm mà hơi quá một chút lại thành vấn đề, thậm chí ảnh hưởng đến cả sinh mệnh chính trị của họ, ảnh hưởng cả gia đình họ”. Song ông cũng khẳng định, ông không vì thế mà “run tay” khi chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý sai phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận