Hệ quả từ nạn khai thác than trái phép
Dự án đường Ngọa Vân - Yên Tử nối từ ngã tư Năm Mẫu, thuộc Khu di tích Yên Tử đến bãi đỗ xe chùa Hồ Thiên, TX Đông Triều có chiều dài 18,8km với tổng đầu tư trên 640 tỷ đồng. Dự án được đưa vào sử dụng cuối năm 2015.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày trung tuần tháng 9/2023, những vạt núi, sườn đồi ở ven tuyến đường Ngọa Vân - Yên Tử đầy những khối đất, đá ngổn ngang, nham nhở. Trên đống bãi thải khổng lồ ấy, lúp xúp một số cây xanh được trồng, nhưng khá èo uột, khó sinh trưởng.
Do việc trồng cây hoàn nguyên môi trường không hiệu quả, nên than, xít, đá đã bị mưa lũ cuốn trôi xuống khu vực phía dưới, nằm sát tuyến đường Ngọa Vân - Yên Tử.
Hệ thống rãnh nước ngang đường bị đất đá vùi lấp; chiếc đập được làm bằng rọ đá khá lớn cũng bị vùi kín. Chiếc lan can đường ở phía dưới đã bị nước cuốn trôi nham nhở, hiện đơn vị bảo trì phải buộc tạm mấy sợi dây phản quang để cảnh báo...
Anh H (một người dân sinh sống lâu năm ở xã Tràng Lương) cho biết, trước những năm 2018, việc khai thác than trái phép diễn ra ven tuyến đường Ngọa Vân - Yên Tử trong một thời gian khá dài. Đến khi người dân địa phương bức xúc phản ánh, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra thực địa và chỉ đạo, thì hoạt động khai thác than trái phép tại đây mới dừng.
Dù vậy, hậu quả của nạn khai thác than trái phép khiến nhiều vạn khối đất, đá, than, xít vẫn nằm ngổn ngang ở hai bên đường Ngọa Vân - Yên Tử. Vào mùa mưa bão, đất, đá, xít trôi xuống khiến tuyến đường ngập ngụa bùn đất, gây chia cắt cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người, phương tiện.
Loay hoay xử lý
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, từ năm 2018, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã giao nhiệm vụ quản lý tài nguyên, hoàn nguyên môi trường khu vực này cho Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng).
Tại biên bản làm việc của liên ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh chủ trì, thì tính đến tháng 6/2019, khối lượng than, đá, xít do Tổng công ty Đông Bắc xử lý lên tới hàng chục vạn mét khối.
Tổng công ty Đông Bắc cũng đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc tiến hành trồng cây xanh tại sườn đồi, mái taluy bãi thải… và tiến hành thực hiện một số hạng mục để bảo vệ tuyến đường Ngọa Vân - Yên Tử.
Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời điểm năm 2019, Tổng công ty Đông Bắc hầu như không tiến hành xử lý khối than, đá, xít tại khu vực này nữa. Và khối lượng khổng lồ đất, đá, xít nằm ở phía trên đường Ngọa Vân - Yên Tử vẫn luôn chực chờ ụp xuống phía dưới mỗi khi có mưa, lũ lớn.
Theo Sở GTVT Quảng Ninh, sau mỗi mùa mưa, bão, đơn vị đã phải tốn hàng trăm triệu đồng để xúc dọn chất thải, kè lại hệ thống rọ đá trên tuyến đường Ngọa Vân - Yên Tử. Và đây chỉ là biện pháp xử lý tạm thời.
"Nếu không giải quyết được khối đất, đá thải khổng lồ phía trên thì cứ có mưa lớn là đoạn đường này lại bị ngập bùn, đất và hư hại nhiều thiết bị đảm bảo giao thông. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền thị xã Đông Triều và Tổng công ty Đông Bắc", một cán bộ Sở GTVT Quảng Ninh cho biết.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Tổng công ty Đông Bắc cho biết: Hiện nay, khu vực này còn lượng lớn đất, đá thải và than, xít do hoạt động khai thác than trái phép trước đây để lại, nhưng đơn vị không được tiến hành khai thác mà chỉ được quản lý, bảo vệ.
Vì thế, muốn xử lý dứt điểm nguy cơ đất, đá trôi lấp xuống tuyến đường Ngọa Vân - Yên Tử thì cơ quan có thẩm quyền cần cho khai thác, xử lý toàn bộ khu vực và trồng cây xanh hoàn nguyên phủ kín bề mặt.
Ông Nguyễn Quang Đán, Phó chủ tịch UBND TX Đông Triều xác nhận việc khối lượng đất, đá, xít do hoạt động khai thác than trái phép thời gian trước đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường Ngọa Vân - Yên Tử qua vị trí Km24+350 - Km24+650.
"Hiện Tổng công ty Đông Bắc đang thực hiện nhiệm vụ trồng cây xanh để hoàn nguyên môi trường tại khu vực này. Thời gian tới, UBND thị xã sẽ phối hợp để tiếp tục tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền để có giải pháp xử lý triệt để khu vực này nhằm đảm bảo tuyến đường Ngoạ Vân - Yên Tử luôn được thông suốt trong mùa mưa, bão", vị Phó Chủ tịch UBND TX Đông Triều nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận