Từ nhiều năm qua, Đảng đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Mới nhất, Quy định 08 được cấp cao nhất là BCH T.Ư ban hành, đã thêm một lần khẳng định ý nghĩa quan trọng của vấn đề nêu gương. Báo Giao thông trao đổi với nhà báo Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản về những chuyển biến sau khi quy định được ban hành hơn nửa năm qua.
Muốn làm lãnh đạo phải giữ liêm sỉ cá nhân
Thưa ông, Đảng đã có không ít quy định về trách nhiệm về nêu gương của cán bộ, vậy Quy định 08 có gì khác với những quy định trước đó và vì sao cần phải có quy định này?
Chỉ trong 6 năm qua, ở các tầm mức khác nhau, cấp độ khác nhau, vấn đề nêu gương luôn được Đảng trăn trở đặt ra và kiên quyết thực thi. Ngày 7/6/2012, Ban Bí thư có Quy định 101. 4 năm sau, ngày 20/12/2016, tiếp tục có Quy định số 55 của Bộ Chính trị.
Đến tháng 10/2018, ở tầm mức cao nhất giữa hai nhiệm kỳ của Đảng, Ban Chấp hành T.Ư khóa XII ra Quyết định số 08. Và lần này, Đảng ta đặt vấn đề nêu gương trực tiếp là các Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư, Uỷ viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị - là bộ phận “tinh hoa” của Đảng.
Như vậy, rõ ràng rằng, nêu gương là vấn đề rất quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Mặt khác, nó là một biểu hiện sinh động của vấn đề xây dựng Đảng về mặt đạo đức.
Theo ông, trong việc nêu gương thì chúng ta nên nhìn dưới những phương diện nào?
Nêu gương phải nhìn dưới 3 phương diện.
Trước hết về mặt tư duy. Đảng đã nhìn thấy ở từng tầm mức, tính chất và đối tượng của nêu gương để xác định vấn đề. Nếu quy định đầu tiên là Quy định 101 dành cho toàn thể cán bộ Đảng viên thì Quy định 55 tăng cường việc nêu gương cho cán bộ Đảng viên của toàn hệ thống chính trị, trước hết của người đứng đầu. Đến Quy định 08 lại dành cho bộ phận là “tinh hoa” của Đảng.
Thứ hai, về mặt lời nói, phương diện tuyên truyền. Vấn đề nêu gương xuyên thấm không phải ngày một ngày hai mà là cả quá trình. Và cuối cùng là phương diện hành động.
Có nhiều vấn đề đặt ra giữa lời nói và hành động, như nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, nói ngược với làm, nói nhiều làm ít, hoặc không nói nhưng làm tất cả. Bác Hồ đã từng nói rất hay và rất đúng, rằng một tấm gương sống có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn dài dòng, vô bổ.
Hơn nửa năm sau khi Quy định 08 được ban hành, ông đánh giá tình hình đã có chuyển biến như thế nào?
Nếu đánh giá vấn đề mà chỉ nhìn về Quy định 08 của Ban Chấp hành T.Ư thì tôi e rằng hẹp quá, vì thời gian mới có hơn 5 tháng. Tôi nghĩ, phải nhìn vấn đề nêu gương trong cả quá trình dài, từ khi có Quy định 101 tới nay. Vì thực tế cho thấy, các quy định về nêu gương không phải là những “chiếc đũa thần” để đụng vào đâu là làm thay đổi ngay lập tức tình hình ở đó, biến ngay người xấu thành người tốt. Như vậy là không thực tế.
Tuy nhiên, việc thực hiện Quy định 08 bước đầu đã cho thấy có những chuyển động rất quan trọng.
Chúng ta thấy tính minh bạch rõ hơn, tính tự giác của nhiều đồng chí tốt hơn. Ví dụ có sự kiện gây bão, gây chấn động truyền thông mà tôi nghĩ chính vì trọng thị việc nêu gương, trọng liêm sỉ của cá nhân mà người ta đã nói lời xin lỗi trước, chưa nói về tư cách Ủy viên T.Ư. Điển hình như vụ xe biển xanh vào tận chân máy bay đón người nhà Bộ trưởng Bộ Công thương, ngay sau đó Bộ trưởng đã có thư xin lỗi nhân dân. Những hành động như thế là đáng ghi nhận.
Muốn làm lãnh đạo trước hết khoan nói đến lý tưởng mà phải giữ liêm sỉ cá nhân. Không giữ được liêm sỉ cá nhân thì không lãnh đạo được ai cả.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy vấn đề công khai, minh bạch tiến bộ hơn. Nhiều vùng tối cũng nhờ nêu gương mà được đưa ra, nhiều lãnh đạo đã tự mình đứng ra nhận trách nhiệm của người đứng đầu...
Quy định nêu gương không phải thanh bảo kiếm hay chìa khóa vạn năng
Những thay đổi như ông nhận định là do đội ngũ lãnh đạo đã thực sự chuyển biến trong nhận thức hay có phần nào đó do họ sợ công cuộc “đốt lò” và những diễn biến mạnh mẽ của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua?
Một câu hỏi khá thú vị, đáng suy nghĩ. Có rất nhiều lý do. Nhưng quy lại, tôi nói ở trên, có ba phương diện: Tư duy - Lời nói - Hành động phải thống nhất.
Nói về tư duy, suy nghĩ hay tư tưởng, mỗi cán bộ, đảng viên tự giác ngộ, lấy đó răn mình, tự soi, tự gột rửa mình, tự mình tránh xa thì đấy là nêu gương trước hết về tư tưởng rồi. Nhưng tất cả mọi tư tưởng, ý định dù tốt đẹp bao nhiêu đi chăng nữa mà không có sự tự giác, không có thiết chế để bảo đảm thực thi nó thì cùng lắm chỉ… dừng lại ở những mơ ước, cho dù là cao đẹp nhưng xa vời mà thôi.
Quy định nêu gương nêu rất rõ điều kiện cần và đủ về vấn đề nêu gương, phải có hành động cụ thể, trách nhiệm cụ thể. Ví như nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan mình phụ trách thì phải chịu trách nhiệm trước cấp trên. Không rõ trách nhiệm thì không nói chuyện gì cả, cố nhiên rất khó nói chuyện nêu gương, dù có nói bao nhiêu, hô hào mạnh mẽ tới thế nào. Đó là hành động đấy!
Vì thế, công cuộc “đốt lò” và sự quyết liệt trong phòng chống tham nhũng vừa qua có tác động nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề khác.
Như ông nói thì chúng ta không nên coi Quy định 08 như một chiếc đũa thần, đụng vào đâu là lập thức thay đổi ở đó?
Chúng ta đừng huyễn hoặc quy định nêu gương là thanh bảo kiếm có thể làm được mọi thứ, là chìa khoá vạn năng giải quyết được mọi vấn đề.
Vừa qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân vui mừng vì “lò” rất nóng, do nêu gương kém, nhiều ổ bệnh bị phơi bày và xử lý; nhiều cá nhân vì không nêu gương, bị trừng phạt và không có vùng cấm, không có ngoại lệ nhưng thật sự nhân văn với tinh thần “quốc pháp bất vị thân”.
Nhân nói về chuyện này, tôi lại mơ ước rằng, nếu tất cả các đảng viên, nhất là các đồng chí giữ trọng trách trong Đảng và hệ thống chính trị thật sự nêu gương thật dũng cảm và thật sự liêm sỉ… thì một ngày nào đó “lò” sẽ bớt nóng đi, thậm chí nguội tắt hẳn. Như vậy, có nghĩa là sẽ không còn có tham nhũng, tiêu cực, có nghĩa là chúng ta đã có những thể chế lành mạnh, đất nước sẽ phồn thịnh, uy tín được nâng cao và xây dựng được lòng tin chiến lược với bạn bè quốc tế.
Nói một cách hình ảnh, đỉnh cao của nêu gương chính là ấy đấy. Đó chính là đỉnh cao của tư duy - lời nói - hành động nêu gương vậy. Tôi nghĩ, đó cũng chính là thước đo sức mạnh cơ bản của Quy định số 08.
Trong vấn đề nêu gương, ông có cho rằng, đề cao tính tự giác không có nghĩa là chúng ta buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát?
Đó là quy luật xây dựng Đảng, là phương diện căn bản đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Không kiểm tra, giám sát coi như không có lãnh đạo”.
Chúng ta quản lý, kiểm tra giám sát đảng viên và các tổ chức trong Đảng bằng Điều lệ, quy định, quy chế của Đảng trong một thể thống nhất toàn vẹn và nghiêm ngặt. Tôi gọi là Đảng cương. Bên cạnh đó, ta còn có hệ thống pháp luật để thực thi công việc này. Tôi gọi là Quốc pháp. Cả hai bộ phận Đảng cương và Quốc pháp phải thống nhất, để không một ai có thể đứng trên kỷ luật của Đảng, đứng ngoài vòng kiểm tra, giám sát cả, đứng bên pháp luật của Nhà nước cả… tất cả được thực thi một cách bình đẳng, dân chủ và minh bạch. Được như thế, nêu gương tự nó sẽ thành.
Nhưng, nêu gương sẽ thành phản nêu gương, nếu những tấm gương không tự mình tỏa sáng; không được chăm chút, sàng lọc, thải loại thường xuyên. Vì nêu gương thì phải có người noi gương. Chẳng hạn, gần 200 Ủy viên T.Ư Đảng là những tấm gương để nêu trước gần 5 triệu đảng viên để họ noi gương. Và việc nêu gương để tạo tư tưởng thống nhất, gắn kết lời nói với việc làm là hành động hiệu quả nhất về nêu gương trước nhân dân, có sự giám sát của nhân dân và được nhân dân ủng hộ.
Về đạo lý, Đảng ta là đứa con nòi của nhân dân lao động. Nếu không xứng đáng là tấm gương, không trở thành tấm gương sống thì không thể nêu gương, càng không thể dẫn dắt, lãnh đạo được ai, được gì cả. Vì thế, nêu gương mà không đặt dưới sự kiểm tra, giám sát, ủng hộ của nhân dân thì vô nghĩa. Bởi không có thước đo nào khách quan hơn, chính xác hơn là sự tín nhiệm của nhân dân.
Cán bộ sợ sai không làm thì hãy rời khỏi bộ máy
Vụ xe biển xanh vào tận chân máy bay đón người nhà Bộ trưởng Bộ Công thương, ngay sau đó Bộ trưởng đã có thư xin lỗi nhân dân. Những hành động như thế là đáng ghi nhận.
Nhà báo Nhị Lê
Đã có ý kiến cho rằng, sự quyết liệt trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua cộng với việc nhiều lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cấp cao vướng vòng lao lý đang tạo ra tâm lý “sợ sai, không dám làm gì”, khiến công cuộc phát triển kinh tế chậm lại. Quan điểm của ông thế nào?
Đó là cách biện hộ, thậm chí bào chữa thôi. Tôi thất vọng trước tâm lý ấy và không đồng ý với các quan điểm đó.
Nhìn lại năm 2018, kinh tế nước ta không tăng trưởng ở mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tình hình chính trị, xã hội ổn định, được bạn bè quốc tế đánh giá là quốc gia yên ổn, một điểm đến tin cậy… đó sao? Lòng tin của nhân dân và bạn bè quốc tế bắt đầu từ đó và nằm ở đó chứ ở đâu, sao lại nói vì cái này, cái kia mà sợ chậm phát triển, sợ không ổn định?
Chúng ta không thể đổ lỗi rằng, càng chống tham nhũng thì kinh tế càng chậm phát triển như một số người tỏ ra lo ngại, dù vô tình hay hữu ý được. Nếu vì sợ sai mà không dám hành động thì anh nên đi ra khỏi bộ máy Nhà nước đi. Chúng ta làm việc công minh chính đại, có Đảng cương rõ ràng, Quốc pháp mạch lạc, với những người ít hoặc nhiều đã nhúng chàm thì không nói, nhưng với những người không đủ bản lĩnh, trí tuệ thì thôi, cũng nên rời vị trí.
Vừa qua, công luận cho biết, có rất nhiều đồng chí than vãn, rằng thanh tra, kiểm tra nhiều quá làm cán bộ sợ, phân tâm không làm được việc. Vì sao như vậy? Tôi cho rằng nói thế không đúng. Nếu làm sai thì sửa, thành tâm và quyết tâm sửa, tôi tin không bao giờ đem ra xử lý cả. Vấn đề là có dám thừa nhận và sửa sai không? Sợ sai mà không dám làm gì cả lại càng sai.
Không sợ sai, tôi nghĩ, không có gì công minh chính đại hơn là chúng ta trong sạch, dũng cảm và có liêm sỉ. Cổ nhân nói rồi: Chính khí hạo hiên, thiên địa vĩnh tồn (Lòng mình trung trực, trong sáng thì trời đất lưu truyền mãi mãi). Nêu gương bằng hành động, chứ không phải nói suông, tôi nghĩ, nằm ở chính chỗ này.
Nói như ông, liệu quy định nêu gương lần này có thể mở đường cho việc hình thành “văn hóa từ chức”?
Không phải văn hoá từ chức bây giờ mới đặt ra. Tôi nghĩ chưa cần nhìn ra thế giới, chỉ cần nhìn ông cha ta và các bậc cổ nhân, là đã thấy rất nhiều bài học rồi.
Trong lịch sử, có bao nhiêu bậc tiên hiền, sĩ phu đã treo ấn từ quan. Với họ, quan tước là phù vân, danh tiếng như nước chảy, chức vụ như áo mặc, nhẹ nhàng lắm.
Bây giờ hiếm hoi có chuyện từ chức, vì sao? Vì xưa, những người làm quan được đào tạo, học hành và trải qua quy trình nghiêm ngặt lắm mới được bổ nhiệm. Họ có liêm sỉ nên việc từ quan với họ “nhẹ tựa lông hồng”.
Nhưng nay, nhiều quan “đi ngang về tắt”, lén lút quan trường, rồi “bổ nhiệm thần tốc”, “nhân danh quy trình”… thậm chí dư luận râm ran là mua quan bán tước.
Vì vậy, văn hoá từ chức tưởng như một vấn đề đương nhiên, nó lại là việc khó khăn và không hề đơn giản. Cần có quy định về việc này, với những chế tài cụ thể, để hợp thành sức mạnh với Quy định về nêu gương.
Đó là hành động nêu gương thiết thực và thuyết phục.
Theo ông, để cán bộ thực sự tự giác gương mẫu, chúng ta cần phải làm gì?
Trước hết, mỗi người phải tự đối diện với chính mình. Đây là việc rất khó khăn. Tức là cán bộ, đảng viên phải tự phê bình, tự kiểm điểm, đừng biến tự phê bình thành việc “tô son trát phấn” cho mình, đừng biến tự kiểm điểm thành việc tự quảng bá cho bản thân. Phải tự răn mình, tự sửa mình ngay ngắn, trong sạch, liêm sỉ.
Nếu tự mình không là muối thì không thể hy vọng ướp mặn được người khác, càng không thể có dũng khí để nói câu chuyện nêu gương.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận