Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền về những cơ hội, thách thức đối với báo chí và nghề báo trong giai đoạn mới.
Quy hoạch báo chí là sự chấn chỉnh kịp thời
Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển khá nhanh của báo chí, nhất là sự nở rộ của các báo ngành, hội…, các chuyên trang, tạp chí điện tử. Sự nở rộ này đóng vai trò gì trong lịch sử phát triển báo chí, thưa bà?
Tính đến ngày 30/11/2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh-truyền hình với 2 đài Quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình.
Sự tăng lên nhanh chóng về số lượng các tờ báo, tạp chí cũng như các loại hình báo chí, nhất là các báo điện tử trong những năm gần đây khiến đời sống báo chí ngày càng sôi động. Điều đó giúp gia tăng sự cạnh tranh giữa với các loại hình báo chí, giữa các cơ quan báo chí với nhau. Sự cạnh tranh sẽ giúp thúc đẩy phát triển, mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo đều phải tự nỗ lực để nâng cao chất lượng nội dung, để có những thông tin tốt nhất, hấp dẫn bạn đọc.
Và trong cuộc cạnh tranh để tồn tại và phát triển ấy, dường như đã xuất hiện sự lệch chuẩn, một số tờ báo đã chạy theo xu hướng giật gân, "lá cải"?
Đúng là bên cạnh những mặt tích cực, báo chí hiện nay đang phải xoay xở nguồn thu, dẫn đến xuất hiện tình trạng hoạt động sai tôn chỉ, mục đích, câu view, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền. Cách làm báo thiếu kiểm chứng, đơn giản, hoặc chạy theo thị hiếu tầm thường, lạm dụng những đề tài thị phi để câu view, với cách dùng ngôn từ dễ dãi, thiếu chọn lọc, thiếu trau chuốt đã mang lại sự phản cảm cho người đọc.
"Nhân vật trong các tác phẩm báo chí khác với nhân vật trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Đó là những người cụ thể, có cha mẹ, con cái, anh chị em và các mối quan hệ xã hội khác. Vì vậy, bất kỳ một thông tin nào được đưa lên báo chí, dù tích cực hay tiêu cực cũng đều ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Báo chí phải mang trách nhiệm cao cả là đưa thông tin chân thật đến với công chúng, chứ không phải những hình ảnh trong rạp xiếc thời trung cổ, kích thích những bản năng thấp hèn của con người" - PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang
Nước ta có hơn 19.000 nhà báo được cấp thẻ và còn nhiều những người cũng hoạt động nghề nghiệp nhưng chưa được cấp thẻ. Đa số nhà báo Việt Nam đều hết lòng vì nghề và có đạo đức, trách nhiệm xã hội, nếu không làm gì có sự lớn mạnh và phát triển vượt bậc của báo chí trong những năm qua. Điều này cũng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Tuy nhiên, đâu đó cũng có những nhà báo vì những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà bỏ qua lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Đây là thực tế đáng buồn!
Vậy theo bà, cần làm gì để nâng cao hiệu quả hoạt động, hạn chế tình trạng lệch chuẩn của báo chí?
Để giải quyết tình trạng lệch chuẩn này, cơ quan chức năng đang có những chấn chỉnh quyết liệt, với hàng loạt các cuộc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong đó, điểm nhấn là công tác quy hoạch báo chí toàn quốc giai đoạn 1 đang được triển khai, đây được coi là một sự chấn chỉnh kịp thời và sẽ cho hiệu quả tốt trong làng báo.
Hành lang pháp lý để báo chí phát triển cũng đã và đang được hoàn thiện, trong đó có đề xuất sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí 2016; sửa Thông tư 48 về cấp phép hoạt động báo chí để khắc phục tình trạng "báo hóa tạp chí".
Đồng thời, việc cơ quan chức năng chỉ đạo báo chí mở các chuyên trang, chuyên mục đấu tranh phản bác thông tin xấu độc; công bố thông tin giả trên báo chí… và tập huấn để nâng cao kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ làm công tác báo chí.
Luôn bám sát hơi thở cuộc sống
Trong thời đại tràn ngập thông tin trên các mạng xã hội hiện nay, hoạt động nghề nghiệp của nhà báo có gì khác biệt giai đoạn trước, thưa bà?
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển của công nghệ thông tin mới, trên mạng xã hội tràn ngập thông tin, báo chí không thể đứng ngoài cuộc.
Thực tế đó đòi hỏi báo chí và người làm báo cần đổi mới, nâng cao chất lượng, thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, đòi hỏi cung cấp thông tin định hướng dư luận xã hội. Nhất là khi máy móc làm thay đổi nhiều phần việc con người, xuất hiện nhiều phần mềm chuyên dụng cho phép người làm báo có thể tiếp cận và tổng hợp thông tin trên toàn cầu, mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà báo; những kỹ năng lỗi thời và thiếu nhạy bén trước đây không thể đáp ứng được nữa…
"Nhà báo – những người luôn được coi là đại diện cho tiếng nói của nhân dân hãy luôn nhớ, đằng sau những tin tức là những số phận con người! Nghề báo không tồn tại tự nó và cho nó, mà tồn tại vì xã hội và bởi xã hội. Chỉ cần một chút thiếu thận trọng của nhà báo, xã hội có thể phải bỏ ra gấp trăm, ngàn lần công sức để khắc phục hậu quả”, PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang.
Trong sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, nếu báo chí chỉ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tiếp nhận thông tin, quảng bá hình ảnh thì chưa đủ. Khi tham gia mạng xã hội, nhà báo không đơn thuần là một thành viên bình thường mà gánh trên vai trách nhiệm của người góp phần chuẩn hoá và định hướng thông tin. Vì vậy, mọi thông tin, hình ảnh, quan điểm… của nhà báo trên mạng xã hội đều phải được cân nhắc, cẩn trọng và có kiểm chứng.
Trách nhiệm của nhà báo, cơ quan báo chí là làm thế nào để mang những giá trị tốt đẹp từ bao đời nay của báo chí là công bằng, khách quan, tôn trọng sự thật vào thế giới rộng lớn của mạng xã hội, làm cho nó lành mạnh hơn, mang tính trách nhiệm hơn, thu hút được trí tuệ, khả năng sáng tạo của hàng triệu người nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.
Những thông tin mà người dùng có được mỗi khi truy cập vào các mạng xã hội là vô số. Nhiều công chúng vẫn tìm đến những thông tin từ báo chí và tin tưởng vào báo chí. Đơn giản đó vì họ cảm thấy báo chí vẫn còn đáp ứng những nhu cầu của mình. Trách nhiệm của báo chí không chỉ là có mặt đúng lúc và đưa ra những thông tin chính xác một cách kịp thời. Báo chí giúp công chúng chọn lựa, phân loại đúng đắn nhất những thông tin phục vụ cho cuộc sống từ những nguồn tin riêng biệt, giúp họ trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm.
Vì vậy, nếu báo chí xa rời những nguyên tắc căn bản của mình, cũng là lúc báo chí lùi lại phía sau, rời xa sứ mệnh, nhường chỗ cho mạng xã hội phát triển và rất có thể không còn con đường quay lại.
Có ý kiến nhận định rằng, nhờ mạng xã hội, một mặt có thông tin nhanh nhạy, phong phú nhưng mặt khác lại bào mòn khả năng tác nghiệp thực tế và tăng tính cẩu thả của một bộ phận nhà báo, phóng viên hiện nay. Bà đánh giá như thế nào về nhận định này?
Tôi cho rằng nhận định trên rất đáng lưu tâm. Thông tin trên mạng xã hội rất nhanh, nhiều, phong phú nhưng vụn vặt, mang tính cá nhân và đặc biệt là thiếu kiểm chứng. Cả thế giới đang phải đối mặt với vấn nạn Fake news, tức là tin tức giả, sai lệch, lừa đảo… Trên thực tế, không ít thông tin được làm giả một cách tinh vi, có thể qua mặt được các nhà báo có kinh nghiệm và tờ báo lớn trên thế giới. Vì vậy, nỗ lực hàng ngày và cẩn trọng trong từng con chữ là điều luôn đặt ra cho các nhà báo hiện nay.
Tuy nhiên, không ít nhà báo vì muốn nhanh, vì lười, vì cẩu thả đã “tặc lưỡi” bỏ qua những nguyên tắc căn bản trong hoạt động sáng tạo báo chí, chỉ lướt tay trên bàn phím mà không trực tiếp đến hiện trường, thực địa, không thực hiện những thao tác căn bản để xác thực thông tin. Kết quả là nhà báo, tờ báo bị mạng xã hội “qua mặt”, lấn lướt và “dắt mũi”!
Xin cảm ơn PGS. TS Trường Giang!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận