Thời sự

Nhà báo Hà Đăng kể chuyện “Gió Đại Phong” thổi từ báo vào đời

21/06/2020, 07:54

Nhà báo Hà Đăng chưa bao giờ nhận mình là nhà báo giỏi nhưng ông luôn khẳng định đã rất nỗ lực học hỏi, tận hiến và nghiêm túc với nghề.

img
Nhà báo Hà Đăng

Với bạn đọc trung thành của Báo Nhân dân vào những năm 60 của thế kỷ trước, bài báo “Ba lần đuổi kịp trung nông” của ông đã để lại tiếng vang lớn, mở đầu cho phong trào thi đua “Gió Đại Phong” nổi tiếng.

Một bài báo mở đầu phong trào thi đua cả nước

Chiều trung tuần tháng 6 nắng gay gắt, chúng tôi gặp nhà báo Hà Đăng (nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Trợ lý Tổng bí thư) trong căn nhà riêng rợp mát cây xanh ở phố Đốc Ngữ, quận Ba Đình, Hà Nội.

Dù đã ngoài 90 tuổi, mái tóc bạc trắng nhưng ông vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Nhắc đến chuyện nghề, nhà báo lão thành hồ hởi chia sẻ những hồi ức sống động của mình.

Nhà báo Hà Đăng sinh năm 1929 tại Phú Yên. Năm 1986, ông được bầu vào BCH T.Ư Đảng khoá VI. Ông là Tổng biên tập Báo Nhân dân từ 1987-1992, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư (1992-1996), Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản (1996-2001), Trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006).


Theo nhà báo Hà Đăng, một trong những bài báo ông có nhiều cảm xúc nhất chính là tác phẩm “Ba lần đuổi kịp trung nông”.

Thời điểm đó, Đảng đề ra khẩu hiệu “đuổi kịp mức sống trung nông” và phát động phong trào “phá xiềng ba sào”. Hợp tác xã (HTX) Đại Phong được thành lập trên cơ sở một tổ đổi công tại một vùng đất nghèo xơ xác, tất cả là bần cố nông.

Lần thứ nhất, HTX dùng phương thức sản xuất hợp tác, kết hợp làm ruộng với chăn nuôi vịt, vừa tăng năng suất, vừa khai hoang, vỡ hoá mở rộng diện tích, nâng mức sống của họ lên kịp mức trung nông.

Lần thứ hai thêm một HTX thôn bên, cũng gồm phần lớn bần cố nông xin gia nhập HTX Đại Phong, làm cho mức sống chung bị tụt xuống. Rồi lần thứ ba, lại thêm mấy HTX nhỏ nữa xin gia nhập. Cứ mỗi lần như vậy, HTX lại phấn đấu bằng nhiều cách mới đạt mức sống trung nông.

Tháng 12/1960, khi dự hội nghị tổng kết phong trào hợp tác hóa ở Quảng Bình, thấy có biểu dương HTX Đại Phong làm ăn tốt, nhà báo Hà Đăng liền đề nghị được về thăm HTX này.

Tại đây, nhà báo được sắp xếp ở nhà một bà cụ xã viên. Mấy ngày liền, ông đi khảo sát tình hình ở HTX, rồi sâu sát tới từng gia đình, câu chuyện của các xã viên.

Từ đó, ông viết bài “Ba lần đuổi kịp trung nông” phản ánh ba bước tiến đáng ghi nhận của HTX, được đăng trên báo Nhân dân ngày 9/1/1961.

Bài báo lên, Tổng biên tập báo Nhân dân lúc đó là nhà báo Hoàng Tùng nhận được điện thoại của Bác Hồ. Bác khen đây là một điển hình tốt, cần được nhân rộng. Hai ngày sau (11/11/1961), cũng trên Báo Nhân dân có bài viết của Bác về Đại Phong với tiêu đề “Một hợp tác xã gương mẫu”.

Bác còn chỉ thị cho Ban Nông thôn Trung ương do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Trưởng ban trực tiếp đi nghiên cứu và viết về kinh nghiệm HTX Đại Phong. Từ đó, một phong trào học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong và vượt Đại Phong nổi lên khắp cả nước.

Nhà báo Hà Đăng tâm sự: “Hồi đó, tôi làm mảng nông thôn nên khắp làng quê của vùng Đồng bằng Bắc bộ gần như tôi đều đã đặt chân đến. Cứ xe đạp cà tàng rong ruổi khắp nơi, bà con lội đồng lội ruộng mình cũng xắn quần lội.

Có lần về Hải Dương, bùn nước ngập ngụa, tôi cứ vác xe đạp lội hàng chục cây số. Có lần mình đạp xe về đến nơi thì quá trưa, bà con đã qua bữa trưa và bữa tối thì bà con nhịn, tôi cũng phải bấm bụng nhịn đói. Nhưng phải lăn xả như thế mới có tin bài”.

Nhà báo gắn liền với sự đổi thay của nông thôn

Không chỉ có “Ba lần đuổi kịp trung nông”, nhà báo Hà Đăng còn có hàng trăm bài viết phản ánh một nông thôn hừng hực khí thế đổi mới.

Với tư cách phóng viên nông thôn của báo Nhân dân, ông đã đi nhiều nơi ở Đồng bằng Bắc bộ và Liên khu 4. Một lần đến Kiến An, được biết có một tổ sản xuất đặt kế hoạch đưa năng suất lên gấp rưỡi. Nhiều người cho đấy là “ngựa giấy” (kế hoạch trên giấy). Không ngờ, vụ mùa tốt, năng suất tăng nhanh.

“Sau khi tìm hiểu quá trình phấn đấu, tôi viết bài “Ngựa giấy thành ngựa thật” nói về khả năng thực hiện kế hoạch tưởng là “lãng mạn”, thiếu cơ sở nhưng lại thành sự thật nhờ sự cố gắng của nhân dân. Sau bài báo này được lãnh đạo và nhân dân đánh giá cao”, ông kể.

Một lần khác, nhà báo Hà Đăng viết về phong trào sản xuất và chăn nuôi ở Vĩnh Phúc, điển hình là HTX Hòa Loan (xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường) với hai bài: “HTX Hòa Lan tay trắng làm nên” và “Một kế hoạch nuôi lợn táo bạo mà vững chắc”.

Khi bài ra, trại lợn Hòa Lan đã được rất nhiều người đến thăm quan và trở thành trại điển hình. Năm 1961, chủ nhiệm trại lợn được bầu là chiến sĩ thi đua.

“Sau bài báo, tôi đi Liên Xô học, nhiều năm sau khi về nước, tôi và anh Lê Huy Ngọ, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc vào thăm nhà ông Chủ nhiệm HTX Hòa Lan, ông này vẫn nhớ và giữ bài báo tôi viết năm xưa. Điều này khiến tôi rất xúc động vì bạn đọc thể hiện sự trân quý và trân trọng bài viết của mình”, ông cho hay.

Không chỉ sắc sảo với những bài viết phản ánh vùng nông thôn hừng hực khí thế đổi mới, nhà báo Hà Đăng còn nổi tiếng với hàng trăm bài chính luận, được coi là vũ khí tư tưởng sắc bén để đấu tranh với giặc Mỹ trên mặt trận quân sự và ngoại giao nóng bỏng.

Sau này, ông tập hợp những bài viết đó lại, in thành tập “Thế ta - thế thắng” phản ánh trung thực cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cùng các vấn đề về miền Nam Việt Nam.

Có thể kể những bài viết sắc sảo, đầy sức chiến đấu của ông như: “Toàn dân đứng lên, khắp nơi nổi dậy”, “Thừa thắng xông lên, anh dũng xốc tới”, “Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng bừng bừng khí thế tiến công”…

Làm nghề báo, phải biết “đánh giá đúng mình”

img
Bài báo “Ba lần đuổi kịp trung nông” đăng Báo Nhân dân ngày 9/1/1961

Một kỷ niệm được nhà báo Hà Đăng “gói ghém đem theo suốt cuộc đời làm báo”, đó là năm 1955, khi ông đến nhận nhiệm vụ ở báo Nhân dân, ông được Tổng biên tập Hoàng Tùng lúc bấy giờ trực tiếp đón tiếp.

“Anh Tùng rất vui vẻ đón tiếp, nhưng lại rất nghiêm khắc về công việc. Anh nói: “Ở địa phương, các anh có làm vương làm tướng gì thì kệ, còn ở đây viết bài Tổng biên tập duyệt và chữa. Bài dở thì bỏ, anh nào chấp nhận thì ở lại, còn không có thể xin chuyển”, nhà báo Hà Đăng kể.

Qua một thời gian làm việc, ông đã hiểu được ý lời răn của Tổng biên tập Hoàng Tùng. Làm báo không được vì lợi ích cá nhân, viết theo ý kiến riêng tư của mình và phải viết đúng theo sự thật và vì lợi ích của nhân dân.

Vì vậy, ông cho rằng, nói làm báo khó hay dễ còn tùy theo quan niệm, cách đánh giá của mỗi người. Có cái người này cho là khó, người khác lại bảo dễ và ngược lại. Duy chỉ có điểm chung, gần như là đồng thuận đó là “làm báo dễ nhất là viết những bài báo dở”, còn “làm báo khó nhất là viết bài báo hay”.

Nói về làm báo thời nay, ông chia sẻ “cái dễ và cái khó đã khác nhau”. Trước đây khi đất nước chưa công nghiệp hóa, người làm báo muốn đi lấy tài liệu phải lặn lội bằng xe đạp xuống tận cơ sở, ở HTX hàng chục ngày.

Nay việc lớn, việc nhỏ vừa xảy ra dù xa đến mấy đã ngập tin trên mạng. Trước đây muốn trích dẫn một câu nói của ai đó vào trong bài thì phải lật từng trang sách thì nay chỉ cần vào internet gõ là ra ngay.

“Vậy về mặt tác nghiệp người làm báo thời này dễ hơn nhiều thời trước. Nhưng khai thác trên mạng bên cạnh những tin thật thì cũng ngập tràn tin giả, tin xấu, trắng đen lẫn lộn. Không tỉnh táo, mất cảnh giác là nhà báo trở thành tiếp tay cho những âm mưu xấu”, ông nói.

Dẫn lời Bác Hồ dạy về “đức” và “tài”, ông cho rằng, để có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, người làm báo phải không ngừng tự đào tạo, tự rèn luyện. Thái độ chân chính nhất ở người làm báo là phải tự đánh giá đúng về mình.

Kiến thức là vô hạn, bởi thế người làm báo phải tích cực học tập, trau dồi kiến thức. Đối với các nhà báo trẻ thì phải cần tránh “bệnh ngôi sao”, với các nhà báo lớn tuổi thì không nên nhìn nhà báo trẻ bằng ánh mắt hoài nghi, thiếu tin tưởng, mà cần phải bồi dưỡng họ bởi đây chính là đội ngũ sẽ gánh vác sự nghiệp của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.