Sau CPH, Bệnh viện GTVT T.Ư sẽ trở thành cơ sở y tế hiện đại, đạt chuẩn quốc tế và các lĩnh vực mũi nhọn sẽ được đầu tư kỹ thuật cao |
Bộ GTVT đồng ý sẽ chuyển nhượng 70% và chỉ giữ lại 30% cổ phần tại Bệnh viện GTVT Trung ương cho các nhà đầu tư. Hiện tại đã có 5 nhà đầu tư lớn, trong đó có hai doanh nghiệp nước ngoài đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của bệnh viện này.
Cam kết đạt chuẩn quốc tế
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Trung, Giám đốc Bệnh viện GTVT Trung ương cho biết, hiện bệnh viện có vốn điều lệ 168 tỷ đồng. Với mệnh giá dự kiến 10 nghìn đồng/cổ phần, sẽ tương ứng với 16,8 triệu cổ phần. Quy mô vốn điều lệ của bệnh viện sẽ tăng lên khoảng 430 tỷ đồng sau khi bổ sung phần giá trị đầu tư còn lại của dự án tòa nhà bệnh viện đang triển khai. Phần vốn bổ sung này sẽ được ưu tiên bán cho cổ đông chiến lược.
Cũng theo ông Trung, Bộ GTVT đã đồng ý khi phát hành lần đầu, Nhà nước chỉ nắm giữ 30% vốn điều lệ của Bệnh viện GTVT Trung ương, còn lại sẽ được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư. Trong số này, 8,7% vốn được bán ưu đãi cho người lao động, 30% chuyển nhượng cho nhà đầu tư chiến lược và 31,3% còn lại bán đấu giá công khai.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ phương án CPH Bệnh viện GTVT Trung ương ngay trong tháng 3 này.Nếu việc CPH diễn ra theo đúng kế hoạch. Đây sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập lớn đầu tiên chính thức không còn được nhà nước bao cấp mà sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế thị trường. |
Ngay khi Bộ GTVT có chủ trương này, đã có năm doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước xếp hàng đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Bệnh viện GTVT Trung ương. Trong số này, có hai nhà đầu tư là các doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Từ giữa tháng 2/2015, Công ty TNHH Brookline Medical của Singapore đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị tham gia làm nhà đầu tư chiến lược khi CPH Bệnh viện GTVT Trung ương. Ngày 25/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã ký văn bản gửi Cục Y tế GTVT và Ban chỉ đạo CPH Bệnh viện GTVT Trung ương ủng hộ đề xuất của Brookline Medical tham gia làm nhà đầu tư chiến lược khi CPH bệnh viện này.
Brookline Medical có ngành nghề chính là khám và chữa bệnh, đặc biệt là chẩn đoán và điều trị ung thư. Với năng lực tài chính và quản trị hiện có, Brookline Medical khẳng định, sẽ đưa Bệnh viện GTVT Trung ương trở thành cơ sở y tế hiện đại, đạt chuẩn quốc tế nếu được Bộ GTVT đồng ý trở thành nhà đầu tư chiến lược.
Cùng với Brookline Medical còn có một nhà đầu tư ngoại khác cũng đến từ Singapore là Công ty TNHH Energy & Commodity. Nhà đầu tư này cũng được xem là có tiềm lực lớn, có một hệ thống với hàng chục bệnh viện lớn ở nhiều quốc gia như Singapore, Malaysia...
Cùng với hai nhà đầu tư ngoại này, còn có 3 doanh nghiệp đình đám trong nước về nhiều lĩnh vực trong đó có cả y tế, tài chính, hạ tầng là: Công ty CP Phát triển công nghệ Y Cao, Công ty CP Tập đoàn đầu tư XD và du lịch Bảo Sơn và Công ty CP tập đoàn T&T. Các doanh nghiệp này đều công khai tham vọng sở hữu toàn bộ lượng cổ phần dự kiến chào bán cho nhà đầu tư chiến lược trên vốn điều lệ do nhà nước quy định.
Các bác sỹ Bệnh viện GTVT đang mổ nội soi cho bệnh nhân - Ảnh: Lê Tươi |
Hướng tới bệnh viện chất lượng cao
Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), sau khi các nhà đầu tư tiềm năng gửi hồ sơ tham dự, Ban chỉ đạo CPH sẽ phối hợp với Bệnh viện GTVT Trung ương căn cứ các tiêu chí làm cơ sở lựa chọn, báo cáo Bộ GTVT để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Với trường hợp có nhiều nhà đầu tư đăng ký và tổng số cổ phần đặt mua lớn hơn tổng số cổ phần bán ra, sẽ tổ chức bán đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược.
Trước đây, trong phương án CPH, Bộ GTVT dự định có tiêu chí phân biệt rõ giữa nhà đầu tư có chuyên môn và không có chuyên môn về lĩnh vực y tế. Nếu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh, y tế chỉ yêu cầu có số vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng. Trong khi nhà đầu tư tài chính đơn thuần phải có vốn điều lệ tối thiểu 1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tại một cuộc họp gần đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, những tiêu chí này là không cần thiết. “Các nhà đầu tư tài chính có điều kiện họ sẽ thuê các y, bác sỹ có chuyên môn giỏi từ nước ngoài về bệnh viện làm việc. Vì thế, có hay không có chuyên môn, không nên tính toán chênh lệch quá lớn như vậy”, Thứ trưởng Trường nói.
Theo ông Trần Trung, sau khi hoàn thành CPH, Bệnh viện GTVT Trung ương sẽ hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Mục tiêu là hoạt động có lợi nhuận, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. “Sau CPH, bệnh viện có thể sẽ mở rộng, đầu tư thêm kỹ thuật cho các mũi nhọn để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh”, ông Trung nói.
Để tăng tính khả thi cho phương án CPH Bệnh viện GTVT Trung ương, ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế GTVT cho biết, vừa đề nghị Bộ GTVT một số các cơ chế ưu đãi như: Dược kế thừa một loạt chính sách ưu đãi đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong lĩnh vực y tế công lập, trong đó có việc thuê đất, miễn tiền thuê đất; thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động. Bên cạnh đó, Cục Y tế GTVT còn đề nghị tiếp tục duy trì nguồn ngân sách cấp chi thường xuyên hàng năm cho bệnh viện này để trả lương cho người lao động (25 tỷ đồng/năm) trong vòng ba năm sau khi CPH. Cùng với đó, Cục cũng đề xuất Bệnh viện GTVT Trung ương được áp dụng cơ chế tính giá viện phí đặc thù. Cụ thể, thu theo quy định của Nhà nước đối với các dịch vụ khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Đối với việc khám chữa bệnh dịch vụ được tăng giá phù hợp với chi phí đầu vào thực tế và do HĐQT Bệnh viện quyết định…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận