Lợi lớn sau nỗ lực hồi sinh dự án
Bốn năm kể từ ngày tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được đưa vào khai thác, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn không thể quên hành trình hồi sinh một dự án đầy rẫy khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua.
"Được khởi công từ năm 2015, song, do năng lực quản trị của các nhà đầu tư thời điểm ấy hạn chế, cộng với vướng mắc về pháp lý.
Cho đến tháng 6/2017, Tập đoàn Đèo Cả được mời tham gia nghiên cứu thực hiện tiếp dự án, trong phạm vi thi công, hợp phần QL1 mới chỉ đạt 13% sản lượng và không triển khai được hợp phần đường cao tốc", ông Vĩnh nhớ lại.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã giúp cho Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu đề xuất hướng tuyến kết nối mới cho cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tối ưu phương án thiết kế, giảm tổng mức đầu tư dự án từ 47.000 tỷ đồng xuống còn 23.000 tỷ đồng.
Chiều dài tuyến cũng được rút ngắn từ 144km chỉ còn 121km.
Nhờ đó, dự án đã được đề xuất đầu tư sớm, dự kiến sẽ triển khai trong thời gian từ năm 2024 - 2026 thay vì đầu tư sau năm 2030 theo định hướng quy hoạch chuyên ngành.
Theo ông Vĩnh, tiếp quản dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã từng bước biến điều không thể thành có thể với hàng loạt giải pháp như: chỉnh tuyến, bố trí các tuyến công vụ, xử lý tài chính tín dụng, loại bỏ các nhà thầu yếu kém.
Nhà đầu tư đã phối hợp với tỉnh Lạng Sơn vừa GPMB, vừa hoàn thiện các thủ tục chuyển cơ quan có thẩm quyền và hoàn thành trong vòng 18 tháng.
Đây là kỷ lục về GPMB và thi công nhanh nhất của tuyến cao tốc trong ngành giao thông cho tới thời điểm hiện nay", ông Vĩnh nói và cho biết, từ khi đưa vào vận hành từ tháng 1/2020, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tuyến cao tốc này giúp tiết kiệm thời gian di chuyển Hà Nội và Lạng Sơn từ 3,5 giờ xuống còn 2,5 giờ so với di chuyển trên quốc lộ 1.
So với các đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam hiện nay, Bắc Giang - Lạng Sơn cũng là tuyến cao tốc được đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp.
Lo mất khả năng thanh toán công nợ
Bốn năm qua, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã khơi thông điểm nghẽn, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Song, ông Nguyễn Quang Vĩnh cũng không khỏi trăn trở khi trong vai "người giải cứu", nhà đầu tư lại đang gặp phải không ít vướng mắc.
Lãnh đạo Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, tại cuộc họp ngày 22/12 vừa qua, phía doanh nghiệp dự án khẳng định dù dự án hoàn thành đã nhiều năm, nhưng đến nay mới chỉ có phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được đóng đầy đủ.
Phần vốn tín dụng, Ngân hàng Vietinbank đã giải ngân 9.229/10.169 tỷ đồng. Còn 940 tỷ đồng đến nay chưa được giải ngân, dẫn đến tồn đọng 492 tỷ đồng công nợ dự án. Số tiền này theo kế hoạch, phần lớn dùng để chi trả phần thi công xây lắp.
"Các nhà thầu thực hiện dự án đã gửi đơn toà án yêu cầu mở thủ tục giải thể đối với Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn do không có khả năng thanh toán công nợ.
Nếu doanh nghiệp dự án phá sản, đường cao tốc có nguy cơ dừng vận hành, các nhà đầu tư có thể mất phần vốn chủ sở hữu đã đầu tư. Ngân hàng cấp tín dụng không thu hồi được nợ.
Đó là lý do chúng tôi rất cần sự đồng hành vào cuộc của cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn ở thời điểm này", ông Vĩnh thẳng thắn chia sẻ.
Thông tin thêm về khó khăn của nhà đầu tư, vị lãnh đạo này cho biết, hiện tại, doanh thu thu phí - nguồn tiền để hoàn vốn cho dự án chỉ đạt trung bình khoảng 30 tỷ đồng/tháng, tương đương 32% so với phương án tài chính.
Ba nguyên nhân làm ảnh hưởng đến dòng tiền hoàn vốn của cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được chỉ rõ.
Một là, dự án bị cắt giảm 1 trạm thu phí so với phê duyệt ban đầu dẫn đến giảm nguồn thu, tính đến nay khoảng 5.500 tỷ đồng.
Thứ hai là việc miễn giảm các đối tượng ngoài hợp đồng và giá vé sử dụng dịch vụ chưa được tăng theo lộ trình được duyệt gây thiệt hại tới 229 tỷ đồng.
Ba là, tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chưa được xây dựng để kết nối tới các cửa khẩu biên giới, khiến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn là "cao tốc cụt". Điều này dẫn đến tốc độ tăng trưởng và phân bổ lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc không được đảm bảo.
Trông chờ sự đồng hành, sát cánh
Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, ngay từ khi tìm hiểu về dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn để nhận trách nhiệm "giải cứu" dự án đình trệ nhiều năm, các nhà đầu tư đã nhận diện được rủi ro từ nhà đầu tư cũ để lại.
Song, với sự động viên của các cấp có thẩm quyền theo hướng vừa làm, vừa tháo gỡ khi ấy nên Đèo Cả đã tiên phong dấn thân vào dự án.
"Chúng tôi hiểu đây là dự án có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội kết nối liên vùng của địa phương, tin tưởng vào cam kết của cơ quan có thẩm quyền, ngân hàng thẩm định cho vay và các bên là các doanh nghiệp đầu tư.
Khẳng định uy tín của mình, Đèo Cả còn tự xoay xở góp thêm vốn chủ sở hữu cho dự án khoảng 300 tỷ đồng để thanh toán phần nào công nợ cho các nhà thầu", ông Thế nói và không khỏi suy tư khi đến nay, dự án hoàn thành nhưng cái khó của nhà đầu tư còn thiếu vắng sự đồng hành.
Ngày 11/12/2023, Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã có Văn bản số 1258/2023 báo cáo UBND tỉnh Lạng Sơn tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại dự án.
Trong đó, đề xuất UBND tỉnh phối hợp, làm việc với cơ quan quản lý chuyên ngành xem xét, cân nhắc đối tượng được miễn giảm phí; đề nghị ngân hàng xem xét, giải ngân nguồn vốn tín dụng còn lại.
Trường hợp không giải ngân thì thống nhất chia sẻ doanh thu theo tỉ lệ góp vốn chủ sở hữu là 15% để trả nợ cho nhà thầu theo đề nghị của doanh nghiệp dự án.
Theo ông Thế, chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án ngày 22/12/2023, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp dự án hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và tinh thần chủ động khắc phục những khó khăn tại dự án của liên danh các nhà đầu tư mới.
Đồng thời đã chỉ đạo các sở ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo tham mưu tỉnh các phương án cụ thể để giải quyết các vướng mắc cho dự án, đề nghị ngân hàng tích cực đồng hành, phối hợp chia sẻ khó khăn chung cùng các nhà đầu tư.
Riêng đối với kiến nghị bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước đảm bảo phương án tài chính của dự án, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát tham mưu UBND tỉnh để báo cáo Thủ tướng phương án bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án.
"Những nút thắt tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã rõ, giải pháp cũng đã được nêu ra. Chúng tôi rất mong các cơ quan liên quan sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, giúp nhà đầu tư có nguồn lực vận hành khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư dự án", ông Thế nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận