Kinh tế

Nhà máy thép gây ô nhiễm chỉ nộp thuế 15,6 triệu/2 năm

18/10/2016, 16:25

Mặc dù gây ô nhiễm, tạo bức xúc trong người dân nhưng số thuế Nhà máy Thép Việt Pháp nộp cho Quảng Nam...

9

Nhà máy thép Việt Pháp

Công ty từng suýt phá sản (?)

Nhà máy Thép Việt Pháp (Công ty TNHH Thép Việt Pháp) tại Cụm công nghiệp (CCN) Thương Tín 1 (xã Điện Nam Đông, TX Điện Bàn, Quảng Nam) đang thu hút sự chú ý của dư luận vì được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương di dời lên thôn Hoa (Nam Giang, Quảng Nam). Vị trí mới này chỉ cách thượng nguồn sông Vu Gia 5km khiến dư luận Quảng Nam và Đà Nẵng lo lắng sự ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt chính của người dân.

Điều bất ngờ là theo thông tin từ Cục thuế Quảng Nam, nhà máy này chỉ nộp thuế 3 triệu đồng vào năm 2014 và 12,6 triệu đồng năm 2015. Lý giải cho con số thấp đến khó tin này, bà Võ Thị Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thép Việt Pháp cho rằng, nhà máy hoạt động tại CCN Thương Tín 1 trong thời điểm ngành Thép gặp suy thoái. “Chúng tôi đã thực hiện đúng các chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước và nộp thuế đầy đủ cho tỉnh. Nhưng do thời điểm đó thép Trung Quốc nhập khẩu cạnh tranh mãnh liệt, công ty đứng trước bờ vực phá sản. May mắn là tiềm lực tài chính của gia đình đủ mạnh để duy trì và vực dậy công ty”, bà Ngọc cho hay.

Theo ông Lê Hồng Quang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, ông chưa nắm được thông tin cụ thể về số thuế này và sẽ cho kiểm tra lại. Còn ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, cần tra lại các hồ sơ vì “thời điểm năm 2014, 2015 thì làm sao mà... nhớ hết được”.

Chỉ 17 hộ dân được lấy ý kiến

Ông A Viết Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang xác nhận, đến thời điểm này huyện mới chỉ họp lấy ý kiến 17 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án, buộc phải di dời. “Cả thị trấn Thạnh Mỹ có 8.000 hộ dân và chúng tôi chưa lấy ý kiến hết được. Tuy nhiên, hiện nay huyện chưa ghi nhận ý kiến phản đối nào về việc xây nhà máy thép. Chủ trương của huyện là ủng hộ nhà máy, góp phần phát triển kinh tế huyện Nam Giang”, ông A Viết Sơn nói và cho biết, các DN đến tìm kiếm đầu tư tại huyện đều “một đi không trở lại”, nên khi lãnh đạo Công ty TNHH Thép Việt Pháp đặt vấn đề, họp bàn nghiêm túc thì thấy rất mừng, may mắn cho huyện có nhà máy thép”.

Người dân huyện Nam Giang từng phản ứng gay gắt với Nhà máy Xi măng Xuân Thành đặt tại thị trấn Thạnh Mỹ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với việc dời Nhà máy Thép Việt Pháp lên gần đó, ông Lê Hồng Quang tiết lộ, UBND tỉnh Quảng Nam đang tính quy hoạch một khu công nghiệp ngay tại lưu vực sông Vu Gia, nguồn cung cấp 99% nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng và một phần tỉnh Quảng Nam.

Tại buổi họp báo được Sở TN&MT Quảng Nam tổ chức mới đây, bà Ngọc tiết lộ, thiết bị công nghệ của Nhà máy Thép Việt Pháp được nhập từ Trung Quốc: “Chúng tôi vay vốn Thụy Sỹ rồi mua thiết bị của Trung Quốc theo tiêu chuẩn EU. Thiết bị này đã được phía Thụy Sỹ kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn mới giải ngân cho công ty. Bộ KH&CN cũng đã thông qua kiểm nghiệm này”, bà Ngọc khẳng định.

Theo nhiều chuyên gia, công nghệ sản xuất thép của Trung Quốc đã lạc hậu, có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bởi vậy, có tình trạng Trung Quốc núp bóng Đài Loan xuất khẩu các dây chuyền công nghệ kèm sắt, thép phế liệu qua Việt Nam để tránh khâu xử lý rác thải công nghiệp.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, người từng kiên quyết phản đối việc cấp phép Nhà máy Thép Việt Pháp tại CCN Thương Tín 1 cho rằng, Quảng Nam đang “chữa cháy” cho sai lầm cũ. “Thực chất là chính quyền đang tìm cách chữa cháy vì trước đây đưa nhà máy thép vào khu dân cư là sai. Cách giải quyết căn cơ nhất là dù dời đi đâu thì phải làm tốt khâu đánh giá tác động môi trường. Khi nhà máy đi vào hoạt động, cần được giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý thì mới mong không xảy ra ô nhiễm”, ông Sự cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.