Hạ tầng

Nhà nước đền bù mặt bằng, tư nhân vận hành đường cao tốc

12/06/2021, 19:14

Sau khi các dự án cao tốc hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác, doanh nghiệp sẽ được giao quản lý, vận hành và bảo trì toàn bộ...

img

Đường cao tốc Gyeongpu nối Seoul với Busan, Hàn Quốc

Gần 20 năm qua, Việt Nam mới đầu tư xây dựng được 1.163km đường cao tốc, trong khi đó, cũng khoảng thời gian này, Trung Quốc phát triển khoảng 160 nghìn km, vươn lên đứng đầu thế giới về đầu tư đường bộ cao tốc. Tại Hoa Kỳ, đến nay cũng có hơn 100 nghìn km đường cao tốc. Hàn Quốc có khoảng 4.767 km, phân bổ hợp lý trên các vùng miền. Vậy cách nào mà các nước có thể phát triển đường cao tốc nhanh như vậy?

Kỳ 3: Nhà nước đền bù mặt bằng, tư nhân vận hành đường cao tốc

Tại các nước phát triển trên thế giới, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đường cao tốc do Nhà nước chịu trách nhiệm. Sau khi các dự án hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác, doanh nghiệp được giao quản lý, vận hành và bảo trì toàn bộ.

Nhà nước thỏa thuận với chủ đất theo giá thị trường

Ở Việt Nam, công tác đền bù giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn nhất trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án công trình. Thông thường, với các dự án giao thông lớn phải mất vài năm mới hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án vừa thi công vừa phải chờ mặt bằng, thậm chí có công trình thi công xong nhưng mặt bằng vẫn còn vướng mắc, khiếu kiện,… dẫn tới nhiều dự án bị chậm tiến độ, đội vốn đầu tư.

Thế nhưng, tại Australia, Chính phủ có cách làm rất hiệu quả trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng đường cao tốc. Để tạo quỹ đất phục vụ phát triển đường bộ cao tốc, kế hoạch sử dụng đất được Chính phủ Australia thông báo trước 2 năm cho các chủ đất. Nhà nước thực hiện thỏa thuận với người sở hữu khu đất trong trường hợp đất thuộc tư nhân sở hữu theo giá thị trường và nội dung thoả thuận được thông báo công khai, minh bạch.

Đầu tiên, Nhà nước sẽ thông báo cho chủ đất về việc có chủ trương mua đất (một phần hoặc toàn bộ). Sau đó, cơ quan được giao thu hồi đất, bồi thường, di dân, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm thuê công ty thẩm định giá độc lập để thẩm định giá từng khu đất trong phạm vi thu hồi đảm bảo đúng giá thị trường rồi thẩm định lại giá,... Đến khi có kết quả, hai bên tiến hành thỏa thuận.

Trường hợp, thống nhất được thì cơ quan được giao thu hồi đất trả tiền cho chủ đất rồi thực hiện bàn giao. Nếu hai bên không thống nhất sẽ tiếp tục thực hiện đàm phán tiếp trong vòng 6 tháng. Trong trường hợp không thoả thuận được, sau thời hạn 6 tháng, Cục trưởng Cục Đường bộ có quyết định cưỡng chế gửi cho chủ đất để thông báo. Sau 90 ngày, nếu chủ đất không tự nguyện di dời, chính quyền sẽ thực hiện cưỡng chế.

Trong quá trình thực hiện cưỡng chế, nếu chủ đất không đồng ý với quyết định cưỡng chế, có quyền kháng nghị lên toà án của bang và vùng lãnh thổ. Toà án bang và vùng lãnh thổ sẽ ra quyết định cuối cùng về mức giá bồi thường. Sau nhiều năm thực hiện, có khoảng 95% giải phóng mặt bằng thực hiện theo hình thức hợp tác thoả thuận giữa 2 bên, còn 5% phải thực hiện cưỡng chế, trong đó có 2% khiếu kiện ra Toà án Liên bang và vùng lãnh thổ để phân xử.

Tại Hàn Quốc, việc phát triển hệ thống đường cao tốc được Chính phủ giao cho Tổng công ty Đầu tư xây dựng đường cao tốc. Chính phủ sẽ hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư dự án, còn lại 50% do tổng công ty bỏ vốn. Nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc được sử dụng để chi trả cho việc mua đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, gồm cả đất xây dựng đường, đất xây trạm nghỉ, cây xăng và kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường.

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, vận hành

Quá trình khai thác, quản lý, bảo trì hệ thống đường cao tốc sau đầu tư đưa vào khai thác hầu hết được các nước giao cho doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm.

Tại Hoa Kỳ, Chính phủ sở hữu và chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc. Chính phủ tổ chức đấu thầu, cho tư nhân chịu trách nhiệm trong việc bảo trì, thu phí và vận hành khai thác trên các tuyến đường do liên bang đầu tư xây dựng thông qua hình thức hợp tác nhượng quyền trong khoảng thời gian linh hoạt từ khoảng 5 năm đến 15 năm.

Tại Đức, từ năm 2005, Chính phủ nước này đã ký hợp đồng với các công ty tư nhân thực hiện vận hành hệ thống thu phí và sử dụng công nghệ thu phí bằng cách gắn các bộ thu/phát trên phương tiện và các cảm biến trên đường khắp quốc gia Đức.

Mức thu phí được tính tùy thuộc vào tuyến đường thu phí, cũng như dựa trên mức độ ô nhiễm của phương tiện, trọng lượng của xe và số trục xe. Mức phí tính trung bình khoảng 0,15 euro/km.

Ở Hàn Quốc, sau khi các tuyến đường bộ cao tốc hoàn thành, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Hàn Quốc sẽ trực tiếp quản lý và thu phí. Toàn bộ nguồn thu được từ khai thác tuyến đường bộ (thu phí, thu khác) được tập trung vào một quỹ và được sử dụng cho chi phí quản lý, bảo trì tuyến đường (duy tu, bảo dưỡng, điều hành...), sử dụng cho việc nghiên cứu và đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới.

Tại Australia, căn cứ vào mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn mà các bang và vùng lãnh thổ Australia thực hiện phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương trực thuộc trong việc xây dựng, quản lý, bảo trì.

Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc được coi trọng với mục tiêu đảm bảo sự hài lòng của người tham gia giao thông và sử dụng hết công suất của tài sản. Vì vậy, kinh phí dành cho bảo trì tương đối lớn, chiếm khoảng 10% tổng mức đầu tư xây dựng dự án.

Tuy vậy, thẩm quyền quyết định bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc ở mỗi bang và vùng lãnh thổ khác nhau do tình hình thực tế của từng bang, vùng lãnh thổ. Chẳng hạn, ở bang New South Wales, việc xây dựng đường mới có chi phí lớn thì cấp bang quyết định, còn việc bảo trì đường có chi phí nhỏ thì giao cho chính quyền địa phương quyết định.

Thái Lan có điều kiện khá tương đồng với Việt Nam, hiện tại mới có khoảng 520 km đường bộ cao tốc (thấp hơn so với Việt Nam). Sau thời gian dài không tập trung đầu tư phát triển, Thái Lan cũng đã nhận thức được vai trò của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc trong việc đóng góp lớn phát triển kinh tế - xã hội, do vậy Chính phủ Thái lan đã lập quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu đến năm 2036 có tổng số 21 tuyến, với tổng chiều dài 6.612 km, đảm bảo phủ khắp các vùng miền trên cả nước.

Quy hoạch chú trọng đến mạng lưới đường bộ cao tốc liên tỉnh, đặc biệt chú trọng kết nối giữa các đặc khu kinh tế thương mại, các cửa khẩu, cảng biển, các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất lớn… bằng đường bộ cao tốc nhằm phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế với thời gian ngắn.

Lộ trình đầu tư chia làm 2 giai đoạn: 10 năm đầu 2017-2026 và 10 năm cuối 2027-2036, với tổng mức đầu tư trị giá hơn 2,1 nghìn tỷ baht (67,2 tỷ USD). Tuyến đường dài nhất sẽ là đường bộ cao tốc dài 1.660 km chạy giữa Songkhla và Chiang Rai, trong đó tuyến nối Nong Khai và Laem Chabang dài 490 km, và tuyến nối Surin và Bung Kan dài 470 km.

(Theo nguồn tư liệu của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.