Tranh thủ thời tiết đẹp, đẩy nhanh các hạng mục trước mùa mưa
Ngày thứ hai bước vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, trong lúc nhiều người đang hồ hởi tận hưởng kỳ nghỉ lễ sau chuỗi ngày dài lao động thì tại gói thầu XL2 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, công trường vẫn không ngơi nghỉ, máy móc vẫn rộn ràng thi công đồng loạt các hạng mục.
Ông Lê Đức Hào, Giám đốc điều hành gói thầu thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, dịp lễ 2/9 năm nay, nhà thầu vẫn chỉ đạo tổ chức sản xuất như bình thường với 5 đơn vị, 21 mũi thi công, hơn 150 đầu xe máy, thiết bị và khoảng 300 nhân lực.
"Thi công dịp lễ, các hạng mục đắp gia tải xử lý nền đất yếu, bê tông cầu sẽ được tập trung thực hiện", ông Hào nói và cho biết, với sự quyết tâm trong suốt thời gian qua, gói XL2 do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đứng đầu liên danh đang là một trong những gói thầu có tiến độ tốt nhất trên toàn dự án.
Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 8/2023, tổng giá trị khối lượng xây lắp toàn dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đạt khoảng 87% giá trị hợp đồng. Trong đó, có 8/11 dự án thành phần đã hoàn thành, đưa vào khai thác.
Cùng thời điểm thống kê, sản lượng hoàn thành của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đạt khoảng hơn 9% giá trị các hợp đồng.
Tính đến hết ngày 31/8/2023, sản lượng thi công của nhà thầu đạt gần 783 tỷ đồng, đạt gần 61% giá trị hợp đồng. Trong 3 tháng trở lại đây sản lượng bình quân hằng tháng đạt trên 50 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với những tháng đầu năm.
Nhiều tháng nằm trong danh sách các dự án thành phần chậm tiến độ, song, theo ông Trương Đức Liên, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án), thời gian gần đây, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt đã có sự chuyển mình.
Không để công trường gián đoạn, ngay trong dịp lễ Quốc khánh này, 99 mũi thi công vẫn được duy trì trên toàn tuyến. Sản lượng thi công dự án hiện đã đạt hơn 52% giá trị các hợp đồng.
"Giá trị sản lượng thi công trung bình mỗi tuần/mỗi tháng tại dự án cũng tăng lên đáng kể với 80 tỷ đồng/tuần và hơn 300 tỷ đồng mỗi tháng", ông Liên cho hay.
Cao tốc đoạn Vũng Áng - Bùng cũng đang được nhà thầu bứt tốc trong dịp lễ Quốc khánh để chạy đua với mùa mưa sắp tới.
Đảm nhận thi công 24km gói thầu XL2 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng - Áng Bùng, 4 ngày nghỉ lễ, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) cũng đang huy động 10 mũi thi công với 300 - 400 đầu máy, thiết bị dồn lực thi công các hạng mục cầu chính, nền đường, chạy đua tiến độ khi mùa mưa sắp đến.
"Chỉ khoảng một tháng nữa, mùa mưa lũ khu vực sẽ bắt đầu. Dự báo tình hình, từ khi khởi công, nhà thầu đã tập trung tối đa nguồn lực đẩy nhanh thi công cọc khoan nhồi, mố trụ các cầu lớn trên tuyến.
Theo kế hoạch, trước mùa mưa lũ, cầu Sông Gianh dài 2,4km sẽ cơ bản hoàn thành thi công cọc khoan nhồi của nhánh 1, chuyển sang phần đúc hẫng. Cầu Quảng Sơn 3 cũng sẽ chuyển sang thi công phần trên, tiến độ thi công cầu cơ bản được đảm bảo", ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin nói và cho biết, riêng phần thi công nền đường, trong 16/20km đã được địa phương bàn giao mặt bằng, đơn vị đã thi công đắp nền được hơn 700.000m3, đạt khoảng 30% tổng khối lượng đắp.
Sản lượng thi công khối lượng công việc Công ty Phương Thành đảm nhận đã đạt khoảng 14% giá trị hợp đồng. Trong 3 tháng gần đây, mỗi tháng giá trị xây lắp đã tăng lên 2,5 - 3% giá trị hợp đồng so với con số khiêm tốn 1% ở 2 - 3 tháng đầu tiên.
Trên đại công trường dài 88km dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Tập đoàn Đèo Cả cùng các nhà thầu liên danh cũng gác nghỉ lễ, bứt tốc các hạng mục quan trọng.
Riêng tại công trình hầm số 3 - hầm xuyên núi dài nhất cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, khoảng 400 kỹ sư, công nhân đang thường trực để đẩy tiến độ đào hầm.
"Hiện, ở khu vực cửa Bắc, một ống được 25m, một ống 13m. Khu vực hầm phía Nam, một ống đã đào được 50m, một ống đào được 30m. Trung bình mỗi hướng đào, nhà thầu đang duy trì thi công được 0,8 - 1m/ngày. Các tổ thi công vừa đào vừa đánh giá địa chất, vừa phun bê tông, neo đá để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Dự kiến, sang năm 2024, công tác đào hầm đạt khoảng 200m dài, chúng tôi sẽ tiến hành đào ngách thông ngang, bổ sung thêm 2 mũi đào từ giữa, nâng tổng cộng lên 6 mũi đào. Đây là giải pháp cải tiến Đèo Cả đã phân tích, lên kế hoạch thực hiện nhằm rút ngắn tối đa thời gian thực hiện công trình", một cán bộ phụ trách thi công hầm số 3 thuộc Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.
Đón mừng ngày Quốc khánh của đất nước, tại hai dự án thành phần cao tốc phía Nam: Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, các mũi thi công cũng đang giữ vững vị trí để tăng tốc các công trình cầu trên tuyến, đường công vụ trong bối cảnh dự án còn khó khăn nguồn cung ứng vật liệu đắp nền.
"Ban QLDA Mỹ Thuận phấn đấu cùng đội ngũ Tư vấn giám sát và nhà thầu duy trì tối thiểu hơn 70% mũi thi công.
Đảm bảo mục tiêu tổng thể của dự án trong năm 2023, đến nay các nhà thầu đã tổ chức 140 mũi thi công, huy động 440 đầu máy thiết bị với 1.072 nhân sự.
Tổng giá trị sản lượng đoạn Cần Thơ – Cà Mau nói chung đến nay đạt hơn được 1.700 tỷ đồng, đạt 9% giá trị hợp đồng.
Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 683 tỷ đồng (9,97%); đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt hơn 1.0 tỷ đồng (8,5%)", ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết.
Trên công trường hai dự án thành phần cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, các nhà thầu đang dồn lực thi công các hạng mục cầu, đường công vụ trong dịp lễ trong thời gian chờ vật liệu cát đắp nền.
Sớm gỡ khó vật liệu
Quyết tâm thi công trên đại công trường dự án cao tốc Bắc – Nam của các nhà thầu là rất lớn, song, ông Lê Đức Tuân cũng không khỏi sốt ruột trước nguồn cung vật liệu cho dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Theo ông Tuân, nhu cầu cát đắp nền đường cho dự án là rất lớn (hơn 18 triệu m3). Đến nay các địa phương mới chỉ bố trí được gần 1,5 triệu m3. Thực tế nhà thầu tiếp nhận được 0,481 triệu m3 (tỉnh An Giang 0,11 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp 0,371 triệu m3) thì các mỏ tạm dừng do bị thu hồi (tỉnh An Giang). Trong khi đó, việc thực hiện thủ tục mở các mỏ cát mới là rất chậm.
Nhận định khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án, lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị các địa phương có nguồn vật liệu cát như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đẩy nhanh các thủ tục nâng công suất không quá 50% ghi trong giấy phép các mỏ đang khai thác trên địa bàn theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 18 để có thể cấp cho dự án ngay trong tháng 9/2023.
"Cơ quan chức năng các địa phương cũng cần hỗ trợ nhà thầu đẩy nhanh các thủ tục cấp quyền khai thác đối với các mỏ mới đã giao cho các nhà thầu để hoàn thành và tổ chức khai thác phục vụ thi công dự án ngay trong tháng 10/2023; tiếp tục rà soát, có văn bản thống nhất giao nhà thầu tổ chức khảo sát thăm dò, thực hiện các thủ tục để cấp quyền khai thác mỏ đảm bảo đủ khối lượng cung cấp cho dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Tuân nói.
Tại dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, nguồn cung vật liệu cũng đang là thách thức lớn. Theo ông Lê Đức Hào, do mỏ đất theo thiết kế kỹ thuật dừng cấp đất từ tháng 4 đến tháng 8/2023, hiện nay, nhà thầu phải mua đất tại mỏ các mỏ xa hơn. Số tiền phải bù thêm khoảng 40.000 đồng/m3.
Trước thực tế đó, lãnh đạo ban điều hành gói thầu XL2 kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, cho phép các mỏ trong phạm vi phù hợp nâng trữ lượng khai thác; đồng thời, có biện pháp kiểm soát việc tăng giá vật liệu vào những tháng cuối năm, giúp nhà thầu tránh nguy cơ phát sinh chi phí, tăng giá thành thực hiện gói thầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận