Đường bộ

Nhà thầu cao tốc Cao Lãnh - An Hữu "ngồi trên lửa" chờ thủ tục cấp mỏ cát

19/11/2024, 09:41

Mỏ cát khai thác theo cơ chế đặc thù bị vướng thủ tục, chưa được cấp nên nhà thầu phải nhập khẩu cát Campuchia để thi công dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp.

Mua 20.000m3 cát Campuchia để thi công

Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có tổng chiều dài khoảng 11,43km. Trong đó, khoảng 3,8km đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và 7,62km qua tỉnh Tiền Giang.

Nhà thầu cao tốc Cao Lãnh - An Hữu "ngồi trên lửa" chờ thủ tục cấp mỏ cát- Ảnh 1.

Nhà thầu khẩn trương tổ chức thi công dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp.

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn phụ trách thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 2 dài 7,1km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp, nhà thầu được giao thực hiện dài 3,8km, với hai cây cầu là Kênh 307 và Cái Lân.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Xí nghiệp 98.2, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, sau gần 3 tháng thi công, đến nay, tiến độ dự án đoạn qua tỉnh Đồng Tháp đạt 2%.

Hiện tại, nhà thầu tổ chức cho công nhân thực hiện các phần việc liên quan đến bốc đất hữu cơ, đào khuôn đường và làm đường công vụ. Riêng 300m dầm sàn liên tục có trong dự án, nhà thầu đã thực hiện được 27/29 cọc khoan nhồi.

Trong khi đó, đối với các cây cầu có trong gói thầu, nhà thầu đang triển khai các phần việc liên quan và tiến độ đến nay vẫn đảm bảo theo kế hoạch thi công đã được đề ra.

Nhà thầu cao tốc Cao Lãnh - An Hữu "ngồi trên lửa" chờ thủ tục cấp mỏ cát- Ảnh 2.

Công nhân tất bật làm việc trên công trường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

"Để có thể thực hiện được các phần việc vừa nêu và duy trì tiến độ thi công dự án, đến nay, nhà thầu đã phải mua 20.000m3 cát từ Campuchia. Tuy giá bán 295.000 đồng/m3 cát, nhưng việc mua cát cũng gặp nhiều khó khăn vì nguồn cát khan hiếm.

Do vậy, mỗi ngày, nhà thầu chỉ có thể có được 300m3 cát dùng để thi công. Trong khi đó, nhu cầu hiện tại của dự án là 3.000m3 cát/ngày mới đảm bảo tiến độ thực hiện dự án", thiếu tá Hùng cho biết thêm.

Vướng thủ tục, mỏ cát chậm cấp phép

Ông Nguyễn Đình Chương, cán bộ đơn vị tư vấn, giám sát cho biết, dự án thành phần 2, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu qua tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự án được khởi công ngày 27/8/2024 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng ngày 5/7/2026.

Nhà thầu cao tốc Cao Lãnh - An Hữu "ngồi trên lửa" chờ thủ tục cấp mỏ cát- Ảnh 3.

Chờ mỏ cát theo cơ chế đặc thù ở Đồng Tháp được khai thác để nhà thầu tăng tốc thi công phần đường.

Dự án phải thực hiện gia tải nhằm đáp ứng yếu tố kỹ thuật thi công nền đường cao tốc theo quy định. Trong đó, theo tính toán của cơ quan chuyên môn, dự án có những đoạn mất thời gian gia tải khá dài khoảng 17 tháng mới đáp ứng yêu cầu.

Cũng theo thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, tranh thủ mọi điều kiện, nhà thầu đã bố trí 7 mũi thi công trên công trường. Trong đó, có 5 mũi thực hiện các phần việc liên quan đến phần đường và hai mũi dùng để thi công cầu.

Nhà thầu cũng đã cho tăng thêm 60% số lượng công nhân và máy móc, thiết bị cần thiết dùng để thi công nhằm thúc đẩy tiến độ vì dự án chỉ có 23 tháng để hoàn thành các phần việc được giao.

Dự án thành phần 2, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp cần 370.000m3 cát đắp nền. Đến nay, nhà thầu cũng đã được tỉnh giao mỏ cát theo cơ chế đặc thù với số lượng được phép khai thác là 300.000m3 cát.

"Nhà thầu đang đợi khai thác mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp cấp theo cơ chế đặc thù để tăng tốc thi công. Theo dự kiến ban đầu, mỏ cát sẽ được khai thác trong tháng 11, nhưng đến nay vẫn chưa khai thác được do còn vướng nhiều thủ tục", thiếu tá Hùng thông tin.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Tháp cho biết, mỏ cát được tỉnh cấp theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công dự án thành phần 2, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua tỉnh chưa được khai thác là do thủ tục đóng cửa mỏ chưa thực hiện xong.

"Mỏ cát này trước đây đã được khai thác, do vậy, muốn cấp mới phải thực hiện xong các bước đóng cửa mỏ. Theo kế hoạch và thông tin tại các cuộc họp, mỏ cát sẽ được khai thác vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau", đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm.

Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có tổng chiều dài khoảng 11,43km. Trong đó, khoảng 3,8km đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và hơn 7,62km qua tỉnh Tiền Giang.
Dự án do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư. Dự án có điểm đầu giao với dự án thành phần 1, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu tại Km16 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Điểm cuối của dự án giao với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại lý trình Km 98+950 cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8km thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè (Tiền Giang).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.