Đơn giá thi công tăng tới 30%
Những ngày đầu tháng 3/2022, không khí căng thẳng bao trùm căn phòng làm việc của ông Nguyễn Hữu Tới, Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) khi cả 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam doanh nghiệp tham gia thi công xây lắp đang chật vật xoay xở với sự biến động giá cả của nhiên, vật liệu.
“Đơn giá thi công gói thầu tại 3 đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã tăng 20 - 30%. Gói thầu tại hai dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đơn vị tham gia sau, chỉ số giá được áp dụng tốt hơn, đơn giá thi công cũng đội lên hơn 10%”, ông Tới than thở.
Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đang lo lắng trước tình trạng nhiên, vật liệu tăng phi mã (Trong ảnh: Thi công cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45)
Theo ông Tới, tại thời điểm Vinaconex bỏ thầu, giá thép tròn chỉ khoảng 12.000 đồng/kg, giá dầu khoảng 11.000 - 12.000 đồng/lít.
Đến nay, giá thép đã lên đến hơn 18.000 đồng/kg, giá dầu đã chạm ngưỡng 21.000 - 22.000 đồng.
Riêng tại gói thầu số 3-XL dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây (Liên danh Vinaconex - Trung Chính đảm nhận), với số lượng thép sử dụng cho gói thầu khoảng 8.700 tấn, chênh lệch giữa giá thép dự toán và giá thị trường khoảng gần 60 tỷ đồng.
Cũng tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, ban điều hành nhà thầu CIENCO4 tại gói thầu 2-XL cũng đứng ngồi không yên do chi phí thi công ngày càng đắt đỏ, vượt xa dự toán ban đầu.
Ước tính, hiện việc vận hành máy móc, thiết bị tại gói thầu CIENCO4 đảm nhận cần khoảng 54.000 lít dầu/tháng. Công trình trên tuyến có nhu cầu sử dụng 4.000 - 5.000 tấn thép phục vụ thi công 10 - 12 cây cầu.
Với giá cả hiện nay, mỗi tháng, nhà thầu bị phát sinh gần 600 triệu tiền dầu, chi phí mua sắt thép phát sinh khoảng 24 - 30 tỷ đồng so với thời điểm bỏ thầu.
“Tính toán cho thấy, đơn giá thi công các gói thầu CIENCO4 đang tham gia tại các dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu hiện đều tăng từ 15 - 20%”, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc CIENCO4 chia sẻ.
Những ngày qua, Ban điều hành gói thầu số 13 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 cũng lo sốt vó trước đà tăng của nhiên, vật liệu.
Đại diện Ban điều hành gói thầu số 13 thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, nếu thời điểm bỏ thầu, giá thép chỉ khoảng 12.000 đồng/kg, hiện đã lên 18.000 đồng, thậm chí có thời điểm là 20.000 đồng/kg.
Giá thép vượt 50% so với dự toán, trong khi chỉ số giá xây dựng địa phương công bố ở các quý trước đó chỉ tăng 7 - 8%. Mức điều chỉnh này không thể giúp nhà thầu bù được giá thực tế.
Ước tính, các hạng mục do Tổng công ty Trường Sơn phụ trách tại gói thầu cần thêm khoảng 1.000 tấn thép. Nếu chỉ số giá địa phương không được cập nhật sát với thị trường, nhà thầu phải chịu lỗ 6 - 8 tỷ đồng đối với vật liệu này.
Về nhiên liệu, nhu cầu sử dụng 2.000 lít dầu/ngày cho máy móc, thiết bị cũng đang “ngốn” của nhà thầu thêm 18 - 20 triệu đồng/ngày.
Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - QL45 cho biết, theo khảo sát, hiện giá của các loại vật liệu chính phục vụ thi công tăng so với thời điểm dự toán từ 22 - 56%.
“Mặc dù vậy, giá vật liệu, nhiên liệu chưa vượt chi phí dự phòng của các gói thầu xây lắp, chưa ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án”, ông Long thông tin.
Có thể bù giá trực tiếp?
Theo Phó tổng giám đốc Vinaconex Nguyễn Hữu Tới, hiện tại các gói thầu xây lắp thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn đầu tư công đều áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo chỉ số giá.
Tuy nhiên, chỉ số giá địa phương công bố được tính toán trên cơ sở giá vật liệu do các doanh nghiệp của địa phương công bố với khả năng cung cấp không lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật không đòi hỏi cao.
Hiện nay, giá nhiên liệu vẫn căn cứ vào giá công bố của các doanh nghiệp lớn như Petrolimex. Chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm công bố giá xăng, dầu phục vụ thi công dự án.
Về lâu dài, việc giao cho một cơ quan như Bộ Xây dựng quản lý tổng thể về vấn đề công bố giá vật liệu xây dựng, giá nhiên liệu và chỉ số giá xây dựng cho các dự án giao thông trọng điểm cần phải nghiên cứu để đảm bảo quyền lợi cho nhà thầu và tiến độ dự án.
Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT
Tại dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, tiêu chuẩn kỹ thuật của các loại vật liệu đưa vào thi công yêu cầu cao, phải huy động rất lớn trong khoảng thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng biến động giá lớn.
“Việc sử dụng chỉ số giá chung cho địa phương công bố cho các loại vật liệu trên địa bàn là chưa phù hợp. Địa phương cần xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng hàng tháng để áp dụng riêng cho các gói thầu/dự án thành phần, phản ánh đúng mức độ biến động giá xây dựng trên thị trường khu vực xây dựng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Tới đề xuất.
Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành thì kiến nghị, các cấp chức năng cần nghiên cứu với những vật liệu bình thường, ít biến động cho phép nhà thầu điều chỉnh theo chỉ số giá địa phương công bố.
Đối với vật liệu tăng đột biến (xăng dầu, sắt thép, nhựa đường…) thì phân tách cho bù giá trực tiếp để doanh nghiệp không rơi vào cảnh kiệt quệ.
Theo ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT), theo hình thức hợp đồng đang áp dụng đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam hiện nay, chỉ số giá do các địa phương công bố làm cơ sở để cơ quan chức năng điều chỉnh giá các gói thầu. Việc địa phương công bố đúng, đủ giá và chỉ số giá sẽ quyết định vấn đề.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng hoặc có công bố nhưng không theo kịp giá thị trường.
Để ứng phó với tình trạng “bão giá” vật liệu, ngay từ năm 2021, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp với giá cả thực tế của thị trường làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng.
“Thực hiện chỉ đạo, Cục QLXD&CLCTGT cũng đang tổng hợp, phối hợp tham mưu Bộ GTVT văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phản ánh về tình hình biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu, tác động của biến động giá đối với giá thành các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm và đề xuất các giải pháp tháo gỡ”, ông Tiến nói.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh, hiện việc công bố giá một số loại vật liệu xây dựng và chỉ số giá xây dựng dù được giao cho địa phương, song không thể thiếu được bàn tay “nhạc trưởng” của Nhà nước.
Ở các đợt biến động, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cần nghiên cứu đưa ra khung giá chung nhất. Các địa phương có trách nhiệm cập nhật thường xuyên khung giá này, kịp thời điều chỉnh, không để xảy ra việc điều chỉnh giá, chỉ số giá chậm trễ hoặc điều chỉnh không sát với thực tiễn (quá cao hoặc quá thấp).
“Đề xuất cho phép áp dụng hình thức điều chỉnh giá từ chỉ số giá sang phương pháp bù giá trực tiếp của một số nhà thầu cũng cần được xem xét. Tuy nhiên, mức độ bù trừ phải được tính toán hợp lý.
Cơ sở giá để phục vụ quy trình bù trừ trực tiếp đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công phải là giá do cơ quan quản lý Nhà nước như: Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính thống kê mức tăng trong từng thời kỳ (tháng, quý), đưa ra mức bình quân chung nhất, không thể sử dụng báo giá do nhà thầu kê khai”, TS, Thịnh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận