Hạ tầng

Nhà thầu cao tốc ngóng gỡ nút thắt vật liệu

17/03/2023, 06:00

Cận ngày về đích, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 vẫn đang trông ngóng nguồn đất đắp để hoàn thành đồng bộ dự án.

Nhà thầu đứng ngồi không yên

img

Một đoạn của tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã hoàn thành lắp dải phân cách giữa, mặt đường êm thuận

Trung tuần tháng 3/2023, trên công trường gói thầu XL4 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hàng trăm công nhân vẫn luân phiên nhau vận hành dây chuyền thi công “3 ca, 4 kíp” để hoàn thành khối lượng công việc còn lại.

Đảm nhận thi công hơn 35km đường và 18 cầu tại gói thầu, ông Nguyễn Công Ý, Giám đốc điều hành thuộc Tổng công ty Vinaconex cho biết, tính đến nay, sản lượng thi công của đơn vị đạt hơn 70% giá trị hợp đồng.

Nhà thầu đang bắt tay thảm lớp bê tông nhựa C12,5 đáp ứng yêu cầu hoàn thành, đưa tuyến chính vào khai thác trước ngày 30/4/2023.

Việc thi công tuyến chính trên đà bứt tốc, song, vị lãnh đạo này lại vô cùng sốt ruột khi tiến độ thi công hạng mục đường gom, cầu vượt ngang chưa đạt được kỳ vọng bởi việc gia hạn các mỏ đất đắp theo cơ chế đặc thù chưa được chấp thuận.

Tính đến ngày 14/3, khối lượng đất đắp tại gói thầu vẫn thiếu khoảng 347.000m3 chặt (tương đương gần 460.000m3 rời).

Trong thời gian chờ thủ tục gia hạn cấp phép khai thác đất tại các mỏ Sông Thiêng, Phú Thái, Lâm Giang theo cơ chế đặc thù, nhà thầu bắt buộc phải lặn lội đến các mỏ thương mại xa hơn để mua đất, duy trì thi công.

Đáng nói, tại thời điểm bỏ thầu, giá đất đắp tính ở vị trí xa nhất chỉ 155.000 đồng/m3 thì hiện tại, giá thành vật liệu đất đắp từ các mỏ Chóp Vung, Sa Phát (cách công trường khoảng 30km) đến chân công trình lên tới 210.000 đồng/m3.

Với khối lượng huy động hơn 150.000m3 đất huy động từ các mỏ thương mại thời gian qua, nhà thầu đã lỗ khoảng 30 tỷ đồng so với giá bỏ thầu.

“Năng lực của máy móc, thiết bị đang huy động tại hiện trường có thể tiêu thụ được 12.000m3 ngày. Tuy nhiên, với lượng đất khiêm tốn chỉ 4.000 - 5.000m3 như hiện tại (do cự ly xa), khoảng 2/3 xe máy, thiết bị, lực lượng nhân công phục vụ dây chuyền nền đang nằm chơi, tiền khấu hao nhà thầu phải bỏ ra khoảng 600 triệu đồng/ngày”, ông Ý chia sẻ và cho biết, điều kiện bắt buộc để thông xe tuyến chính là các cầu vượt ngang phục vụ người dân đi lại bằng phương tiện thô sơ, xe máy… phải được hoàn thành để đảm bảo tiêu chuẩn vận hành, khai thác đường cao tốc.

Trong khi đó, 14 cầu vượt ngang thuộc gói thầu XL4 vẫn đang thiếu 76.000m3 đất đắp để hoàn thành. Điều kiện tiên quyết để các mốc tiến độ được đáp ứng là việc gia hạn khai thác cho 3 mỏ theo cơ chế đặc thù phải hoàn thành trong tháng 3/2023.

Lo tiến độ

img

Một số điểm tại các cầu vượt dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết do thiếu đất đắp nên chưa thể thi công hoàn thiện

Kế cận dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây cũng đang gặp nút thắt vật liệu đất đắp để hoàn thành hạng mục đường gom và các hạng mục khác.

Ông Phạm Thanh Bình, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, theo báo cáo, nhu cầu đất đắp còn lại của dự án khoảng 620.000m3.

Để hoàn thành dự án, các nhà thầu đã triển khai thủ tục xin gia hạn thời gian khai thác 5 vị trí (trữ lượng còn lại khoảng 960.000m3) đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép trước đó.

Tuy nhiên, đề xuất này chưa được chấp thuận do Thanh tra Chính phủ đang thực hiện thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án giao thông quan trọng quốc gia, trong đó có dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây.

Với dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, xác định nếu chờ ý kiến kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ mới xem xét việc gia hạn sẽ mất thời gian ít nhất khoảng 1 tháng, để có vật liệu đất thi công, ngày 7/3/2023, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà bố trí cuộc họp với thành phần: Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT và các cơ quan đơn vị có liên quan xem xét việc gia hạn các vị trí hạ cốt nền cải tạo đất nông nghiệp nâng cao hiệu quả cây trồng, vật liệu đất dôi dư trong quá trình thực hiện được thu hồi để sử dụng cho dự án.


“Nhằm đáp ứng tiến độ bàn giao hạng mục đường gom, yêu cầu đặt ra là việc gia hạn khai thác đất phải xong trong tháng 3/2023. Đến 30/4/2023, công tác đắp đất phải hoàn thiện.

Nếu chậm trễ, sang tháng 5 thời tiết khu vực bước vào mùa mưa, công tác đắp đất sẽ rất khó thi công, tiến độ hoàn thành đường gom sẽ rất khó đáp ứng”, lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long lo ngại.

Chỉ còn cách thời gian cán đích khoảng 3 tháng, song, hiện tại, gói thầu XL3 dự án đoạn QL45 - Nghi Sơn cũng đang mỏi mắt chờ đất đắp.

Một cán bộ ban điều hành thuộc nhà thầu Vinaconex cho biết, trong phạm vi 2,5km đường phụ trách thi công, tổng nhu cầu đất đắp của Vinaconex là hơn 613.000m3.

Phục vụ nhu cầu dự án, mỏ Đức Minh được cấp thẩm quyền địa phương cấp phép với trữ lượng dự kiến gần 1 triệu m3, đáp ứng đủ khối lượng đất đắp còn thiếu của gói thầu. Tuy nhiên, quá trình khai thác, do vỉa đất mỏng, trữ lượng đất khai thác không được như kỳ vọng.

Phạm vi thi công của Vinaconex còn gần 223.000m3 vẫn phải trông chờ địa phương cấp phép thêm mỏ vật liệu. Theo kế hoạch, thời hạn cán đích của gói thầu XL3 là ngày 20/6/2023. Nếu trong tháng 3 này, nguồn đất đắp không được thi công, nguy cơ vỡ tiến độ gói thầu là rất lớn.

“Vừa chạy vừa xếp hàng” để kịp nguồn đất thi công

Thông tin thêm về khó khăn nguồn vật liệu thi công, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban QLDA 2 cho biết, theo hợp đồng, tổng khối lượng đất đắp nền đường gói thầu XL3 là hơn 1,5 triệu m3. Đến nay, đơn vị đã thi công hơn 899.000m3. Khối lượng đất đắp còn thiếu khoảng 650.000m3.

Hiện nay, trên công trường gói thầu XL3 chỉ có duy nhất mỏ đất Đức Minh đầy đủ thủ tục pháp lý và được phép khai thác, song, khả năng cung cấp rất hạn chế nên chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.

Ban QLDA 2 đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ban, ngành liên quan đẩy nhanh các thủ tục pháp lý còn lại và đưa vào khai thác đối với mỏ Hải Phát và mỏ đất Đồng Vàng trên địa bàn TX Nghi Sơn. Nếu thuận lợi, trong khoảng 15 ngày nữa, nút thắt về nguồn đất có thể khơi thông.

Với gần 1.000.000m3 đất đắp còn thiếu tại dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, theo ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án, giải quyết nhu cầu thi công trước mắt, ban điều hành dự án đã đề nghị các nhà thầu chủ động huy động khoảng 300.000m3 đất từ các mỏ thương mại.

Với khối lượng còn lại, Ban QLDA và nhà thầu đang kiến nghị gia hạn 6 mỏ vật liệu được cấp phép theo cơ chế đặc thù đã hết hạn. Đến nay, thủ tục xin cấp phép của 4/6 mỏ vật liệu đã được hoàn thiện trình cơ quan có thẩm quyền địa phương xem xét, chấp thuận.

Để dự án có được nguồn đất thi công trong thời gian sớm nhất, các Sở, ngành liên quan của địa phương, Ban QLDA đã thống nhất “vừa chạy, vừa xếp hàng”, triển khai song song các thủ tục cấp phép.

“Quá trình thực hiện, vướng mắc ở đâu, địa phương sẽ hỏi cấp thẩm quyền (như Bộ Tài nguyên và Môi trường) đến đó. Không đợi hỏi xong, trả lời xong mới triển khai thủ tục”, ông Huy nói và kỳ vọng, với sự hỗ trợ tối đa từ cấp thẩm quyền địa phương, việc gia hạn mỏ vật liệu sẽ được chấp thuận vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 để hoàn thành, bàn giao hạng mục đường gom trong tháng 6/2023 theo yêu cầu.

Chiều 15/3, đoàn công tác của Bộ GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai nhằm tháo gỡ những vướng mắc về nguồn đất đắp cho hai tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo.

Theo báo cáo của các đơn vị liên quan, điểm khó nhất hiện nay với 2 dự án là nguồn vật liệu đất đắp để thi công đường gom, đường đầu cầu, đang thiếu khoảng 1,5 triệu m3. Nếu cấp mỏ theo các thủ tục hiện nay thì không thể kịp với tiến độ dự án, bởi chỉ còn 45 ngày.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng một lần nữa đánh giá tầm quan trọng của hai tuyến cao tốc, đồng thời nhấn mạnh, không thể để đường gom, cầu vượt chưa hoàn thành khi tuyến chính khánh thành, đưa vào khai thác dịp 30/4.

Bộ trưởng đề nghị hai địa phương Đồng Nai, Bình Thuận phối hợp để báo cáo, kiến nghị Chính phủ cho gia hạn các mỏ đất để cấp cho dự án. Bởi nếu tiến hành theo các thủ tục thông thường như hiện nay sẽ không đủ thời gian thực hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.