Vừa làm vừa lo
Có mặt tại công trường thi công cao tốc Vân Phong - Nha Trang, ghi nhận của PV báo Giao thông, khu vực từ Km289+700 trở đi, nhiều đường điện từ cao thế 110kV, trung thế 22kV cho đến hạ thế 6kV vẫn "bủa vây". Tại một số vị trí, dây điện thậm chí còn võng xuống thấp. Nhà thầu Công ty CP Hải Đăng phải đóng khung barie giới hạn độ cao của xe tải vào ra đổ vật liệu.
Vừa bước xuống từ cabin xe tải 79H-000.41, lái xe Nguyễn Văn Quang của Công ty CP Hải Đăng như thở phào nhẹ nhõm. Quang cho biết, xe anh mới đổ vị trí dưới đường dây 22kV, do mặt bằng vị trí ngày càng cao, chuyến anh đổ là chuyến cuối cùng bởi đã chạm vào "giới hạn đỏ" của khoảng cách an toàn dưới hành lang đường điện.
"Lúc dốc ben đổ những gàu đất cuối cùng, lo lắm. Tôi phải nhờ đồng nghiệp đứng trước để xi nhan. Dù đã đổ nhiều vị trí kiểu này trên tuyến nhưng lần này đến lần khác, vẫn không hết nỗi lo sợ trong đầu khi tiếp cận dưới đường dây", anh Quang chia sẻ.
Trong hơn 22km đoạn tuyến thuộc gói XL02 (dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang) mà Tập đoàn Sơn Hải đang thi công thì có tới 20 vị trí đường dây (1 đường 220kV, 1 đường 110kV, 8 đường trung thế, 10 đường hạ thế) đến nay vẫn chưa di dời hạ tầng.
Tại lý trình Km366+200 và Km364 (đoạn tuyến do Tập đoàn Sơn Hải thi công) có hai vị trí đường dây 110kV và đường trung thế vắt qua tuyến. Tại hai vị trí này, đơn vị thi công phải trừ hai rãnh sâu ngang tuyến nhằm hạ thấp cao độ của mặt bằng tuyến để xe, máy đi qua tạo khoảng cách an toàn với lưới điện đang "treo" trên nóc xe.
Tài xế Trần Ngọc Tín, lái xe ben 73H-007.76 (Tập đoàn Sơn Hải) cho hay, khi đổ vật liệu gần đường điện mà trời mưa thì rất đáng ngại, sợ nhất là hiện tượng phóng điện từ đường dây. Cho nên, mỗi khi thi công dưới đường điện, anh thận trọng từng tí một.
"Mỗi khi lái xe đến vị trí có đường điện chạy trên đầu, tôi có cảm giác như đường dây điện như đang sát sạt nóc xe. Có cái gì đó đang đè trên đầu. Tuy nhiên, cảm giác đó cũng chỉ là thoáng qua. Bởi phải hết sức tập trung cho mọi thao tác để mọi thứ đều êm xuôi. Cho dù, mất thêm thời gian nhưng tất cả vì sự đảm bảo an toàn trong thi công", anh Quang chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Điều hành dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang (Tập đoàn Sơn Hải) cho biết, trước đây, đơn vị đã dùng biện pháp duy nhất là đổ đất đá xa vị trí dưới đường dây rồi dùng máy ủi đẩy vào từng ít một vào. Tuy nhiên, cũng chỉ được một khối lượng nhất định vì nóc ca bin máy ủi cũng có nguy cơ chạm vào dây điện.
"Nhà thầu luôn quán triệt bộ phận thi công trực tiếp phải đảm bảo an toàn trong lao động. Hiện nay, chân công trình đã đến cao độ nên dừng hết. Đất đắp nền cũng chạm ngưỡng chiều cao, do không đảm bảo tĩnh không đường điện nên nhiều đoạn phải dừng lại. Bởi mỗi khi xe ben, xe cẩu hoạt động sẽ tiềm ẩn nguy cơ phóng điện. Giờ đây, chỉ có chờ di dời đường diện mới thi công tiếp", ông Huy cho biết.
Ngày 30/5/2023, một chiếc xe tải nâng ben để đổ vật liệu đắp đường công vụ, dù ở vị trí cách xa đường dây 110kV Vạn Ninh 2 (thuộc xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh) nhưng vẫn xảy ra vụ phóng điện. Tuy không có tai nạn xảy ra tuy nhiên vụ việc khiến toàn bộ huyện Vạn Ninh và phía nam tỉnh Phú Yên bị mất điện.
Sớm giao mặt bằng cho nhà thầu
Cũng như nhiều dự án, công tác thực hiện di dời công trình đường điện tại dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang ở nhiều địa phương dọc tuyến chậm do thiếu chuyên môn, kinh nghiệm để thực hiện, đặc biệt đối với công trình đường điện cao thế (220 kV và 110kV). Cùng với đó, thủ tục thực hiện di dời phức tạp, công tác bố trí mặt bằng cũng cần nhiều thời gian nên việc di dời bị trễ.
Tại huyện Vạn Ninh, đến nay, địa phương đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu tiếp cận thi công được khoảng 92%. Tuy nhiên, có 41 vị trí giao cắt đường điện cao thế, trung và hạ thế chưa được di dời.
Theo báo cáo của huyện này, hồ sơ di dời các vị trí điện trung và hạ thế đã được phê duyệt. 7 vị trí đường điện 110 kV sau khi trình Sở Công thương Khánh Hoà thẩm định, dự kiến đến ngày 20/10 phê duyệt.
Còn 6 vị trí đường 220kV, huyện đang lấy ý kiến đơn vị chủ quản (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương) để hoàn thiện hồ sơ để trình thẩm định, dự kiến 30/10 sẽ xong.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, địa phương đang rốt ráo thực hiện, đường 220kV đang làm quy trình thẩm định, đường 22kV và đường 0,4kV, huyện đã phê duyệt hồ sơ, dự toán di dời và phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị thi công để di dời.
Tại TX Ninh Hoà, có 23 vị trí giao cắt. Đối với các công trình thuộc thị xã phê duyệt có 19 vị trí mới lập hồ sơ.
Đối với công trình do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định (4 vị trí 220kV), huyện mới lập hồ sơ, chưa lấy ý kiến các đơn vị chủ quản, chưa trình thẩm tra, thẩm định thiết kế.
Để đảm bảo tiến độ dự án, ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang (Ban QLDA 7) cho biết, đã đề nghị TX Ninh Hoà ưu tiên di dời tạm 3 vị trí đường dây hạ thế để thi công cầu Sông Lốp, cầu Thân Trung Thượng, khu vực nút giao Quốc lộ 26 để thi công nền đường và lao lắp dầm cầu vượt Quốc lộ này.
Được biết mới đây, ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà đã giao Sở Công thương quan tâm thẩm định các hồ sơ do địa phương đưa lên làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
"Cần tập trung đẩy nhanh công tác lấy ý kiến, trình thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế các công trình điện cao thế 110KV và 220KV. Đối với công tác di dời điện trung và hạ thế cần đẩy nhanh việc lựa chọn nhà thầu để di dời sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công", ông Nam cho biết.
Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng chiều dài hơn 83km, đi qua 4 huyện, thị: Vạn Ninh, TX Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hoà.
Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang có 89 vị trí giao cắt với đường điện. Trong đó có 11 đường 220kV, 9 đường 110kV, 69 đường điện trung, hạ thế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận