Thông điểm nghẽn mặt bằng trước 30/9
Ngày 14/9, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chủ trì đoàn công tác Bộ GTVT trực tiếp kiểm tra hiện trường thi công cao tốc Vân Phong - Nha Trang, họp kiểm đếm tiến độ thi công, tiến độ GPMB... với chủ đầu tư, nhà thầu, địa phương.
Báo cáo thứ trưởng, ông Trần Đình Tuyên, Phó giám đốc Ban QLDA 7 (Chủ đầu tư dự án) cho biết, đến nay, địa phương đã bàn giao mặt bằng hơn 76km, đạt 92% chiều dài toàn tuyến. Trong đó, mặt bằng có thể tiếp cận để thi công được khoảng 90%. Dự kiến cuối tháng 9 này, 2 khu TĐC cao tốc còn lại trong tổng số 6 khu sẽ hoàn thành.
Các vướng mắc mặt bằng còn lại chủ yếu do hạ tầng kỹ thuật chưa thể di dời, mặt bằng xôi đỗ.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, đã thống nhất phương án 164 vị trí hạ tầng kỹ thuật (HTKT) trên toàn tuyến. Nhưng đến nay, địa phương mới triển khai được khoảng 50 vị trí đường điện trung hạ thế, ống nước sinh hoạt, đường cáp viễn thông... Gần 100 vị trí còn lại đang trong quá trình thẩm định phê duyệt.
"Sau khi nhận mặt bằng, hiện các nhà thầu tổ chức thi công đồng loạt, có hơn 40 mũi thi công đường, cầu với gần 1.500 nhân lực và hơn 700 thiết bị xe máy", ông Tuyên báo cáo.
Theo Ban QLDA7, Khánh Hòa đã cấp phép khai thác 8 mỏ vật liệu đá, cát với trữ lượng 4,68 triệu mét khối, đáp ứng 75% nhu cầu cho toàn dự án
Những vướng mắc còn tồn tại về công tác GPMB được chỉ ra có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
"Trước 30/9, tỉnh sẽ giải quyết hết những điểm nghẽn mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án", ông Dần nói.
Tập trung di dời hạ tầng kỹ thuật trên tuyến
Đại diện chủ đầu tư, nhà thầu kiến nghị địa phương sớm hoàn thiện khu TĐC cao tốc còn lại, đồng thời tập trung di dời hạ tầng kỹ thuật trên tuyến... Đây là 2 điểm nghẽn chính khiến công địa thi công chưa thể đồng bộ.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sơn Hải (nhà thầu thi công gói XL02) cho biết, đoạn tuyến Sơn Hải thi công còn 6 trường hợp còn vướng mắc cần được giải quyết.
"Sơn Hải đang đứng đầu về khối lượng, vượt 9% so với hợp đồng. Tranh thủ thời tiết nắng ráo chúng tôi luôn huy động cao nhất nhân, vật lực làm 3 ca, 4 kíp nhưng giờ vẫn vừa làm vừa chờ mặt bằng. Nếu được bàn giao sớm, chắc chắn khối lượng thi công tăng trưởng tích cực", ông Hải nói.
Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐ Công ty CP Lizen (nhà thầu thi công gói XL01) cũng cho rằng, việc GPMB trung bình đạt 90% nhưng mới có thể triển khai thi công khoảng 78%, do mặt bằng "xôi đỗ", không có đường tiếp cận thi công gây khó khăn công tác vận chuyển vật liệu, thiết bị.
Ngoài ra, việc chưa di dời HTKT, đặc biệt đường dây 110kV, 220kV đã ảnh hưởng tới công tác vận chuyển vật tư, tiến độ thi công và gây mất an toàn.
Ghi nhận trên toàn tuyến, dọc gói thầu XL01 (qua huyện Vạn Ninh) còn 11 vị trí chưa bàn giao mặt bằng (2,46km), trên đó có 78 vị trí công trình HTKT.
Tại gói thầu XL02 (đoạn qua TX Ninh Hoà), có 2 đoạn (dài 0,65km) chưa bàn giao với 4 công trình HTKT cần di dời.
Tranh thủ mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ
Trực tiếp kiểm tra hiện trường, lắng nghe báo cáo, kiến nghị của các đơn vị chức năng, địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ghi nhận nỗ lực triển khai dự án của chủ đầu tư, nhà thầu, sự phối hợp hỗ trợ của địa phương. Đến nay, tiến độ dự án tích cực, thậm chí vượt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, theo thứ trưởng, giữa các gói thầu chưa có sự đồng bộ về tiến độ. Vì vậy, đứng đầu các liên danh nhà thầu cần phải nỗ lực cùng nhau hỗ trợ thi công, bảo đảm tiến độ chung toàn dự án.
"Các nhà thầu phải huy động tối đa nhân lực, thiết bị. Khu vực nào địa phương đã bàn giao mặt bằng cần tăng tốc thi công ngay để bù tiến độ cho các đoạn chưa có mặt bằng. Chủ đầu tư, nhà thầu phải có kế hoạch thi công hàng ngày, hàng tuần, kiểm soát tiến độ, không chủ quan lơ là, đặc biệt trước mùa mưa lũ cận kề", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo, để đáp ứng yêu cầu giải ngân nguồn vốn được giao các nhà thầu thi công phải quyết tâm hơn nữa. Trên công trường có giải pháp thi công linh hoạt hiệu quả. Như tập trung thi công hệ thống thoát nước xong cơ bản trước mùa mưa. Tăng cường nhân sự cho công tác lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán...
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị các địa phương bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Trong đó, ưu tiên GPMB các vị trí có đường công vụ, đường tiếp cận công trường, vị trí cầu và các vị trí đào phá đồi đất, đá để khai thác vật liệu đắp tận dụng nền đường ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.
Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang nằm trên địa bàn Khánh Hoà, có điểm đầu (Km285+000) kết nối đường dẫn cửa phía Nam hầm Cổ Mã (huyện Vạn Ninh); điểm cuối (tại khoảng Km368+350) kết nối cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Tổng chiều dài 83,35km (qua địa bàn 4 huyện, thị: Vạn Ninh, TX Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh). Tổng mức đầu tư 11.808 tỷ đồng. Chủ đầu tư Ban QLDA 7 (Bộ GTVT)
Công tác giải ngân vốn lũy kế sản lượng thực hiện tới nay đạt 1.167/7.138,09 tỷ đồng (đạt 16,4% giá trị hợp đồng); theo kế hoạch 1.127/7.138,09 tỷ đồng (tương ứng 15,8% giá trị hợp đồng), nhanh 0,6% so với kế hoạch đề ra.
Tiến độ giải ngân từ đầu năm 2023 đến nay, 2.136/3.607 tỷ đồng (đạt 59% kế hoạch được vốn năm 2023).
Clip hiện trường: Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Vân Phong - Nha Trang ngày 14/9
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận