Một trong những nội dung được quan tâm nhất là quy định về nguồn tiền thưởng và công thức tính mức thưởng.
Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Đăng Trương, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ KH&ĐT xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Đăng Trương
Tiết kiệm được bao nhiêu, thưởng bấy nhiêu
Có ý kiến cho rằng, nguồn tiền thưởng lấy từ phần chi phí tiết kiệm được chưa hợp lý, bởi thực tế, qua đấu thầu, tỷ lệ tiết kiệm được rất ít. Vì vậy, có thể xem xét trích thêm nguồn thưởng từ kinh phí dự phòng của dự án. Quan điểm của ông thế nào?
Theo quy định về cơ cấu tổng mức đầu tư, chi phí dự phòng đã có chức năng và nhiệm vụ riêng, vậy nên không thể sử dụng để thưởng cho nhà thầu trong trường hợp này được.
Năm 2013, sau khi Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Bắc Hồ Linh Đàm hoàn thành, Ban quản lý dự án Thăng Long từng kiến nghị Bộ GTVT thưởng gần 180 tỷ đồng cho các nhà thầu do đã vượt tiến độ. Cụ thể, liên danh Samwhan (Hàn Quốc) - Cienco 4 được đề nghị thưởng gần 78 tỷ đồng vì sớm hoàn thành gói thầu số 1 (đoạn Mai Dịch - Trung Hòa) trước 263 ngày; nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) được đề xuất thưởng 102 tỷ đồng vì vượt tiến độ gói thầu số 2 (đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân) trước 454 ngày.
Việc đề xuất thưởng dự án nói trên thực hiện theo điều khoản hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Trong trường hợp vượt tiến độ, nhà thầu được thưởng 1,12% giá trị hợp đồng cho mỗi 28 ngày rút ngắn. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, các nhà thầu chỉ nhận được một phần giá trị làm lợi của việc rút ngắn tiến độ từ nguồn vốn còn dư tại dự án.
Trên thực tế triển khai các gói thầu giao thông thời gian qua cũng cho thấy, giá cả các loại nguyên vật liệu đầu vào đều biến động căng thẳng. Kinh phí dự phòng của dự án cũng không đủ để bù đắp cho phần chi phí bị trượt giá, nay nếu lại phải chi thêm cho việc thưởng càng không phù hợp.
Theo Nghị quyết 43 và hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này, đối với dự án giao thông quan trọng được áp dụng cơ chế chỉ định thầu, tiết giảm 5%.
Và chính khoản chi phí tiết giảm 5% đó được sử dụng làm phần thưởng động viên những nhà thầu rút ngắn tiến độ.
Quan điểm của những người soạn thảo là, sau đấu thầu, chỉ định thầu, chúng ta tiết kiệm được bao nhiêu thì sẽ thưởng bấy nhiêu, tối đa cho đến khi hết nguồn.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng cho thấy, những nhà thầu đẩy được tốc độ thi công nhanh, vượt tiến độ không nhiều, cũng có ý kiến còn e ngại 5% này chưa chắc đã dùng hết.
Mặt khác, quan điểm của chúng tôi là, muốn biết mức trích thưởng 5% thấp hay cao thì phải triển khai đã.
Trong một dự án có nhiều gói thầu, có nhà thầu làm nhanh, có nhà thầu làm chậm. Vậy, việc tính thưởng sẽ được đánh giá như thế nào, trường hợp chỉ một vài gói thầu vượt tiến độ nhưng cả dự án vẫn chưa về đích sớm, tuyến đường chưa hoàn thành?
Về nguyên tắc, chỉ khi thông tuyến toàn bộ dự án thì việc rút ngắn tiến độ mới mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, rút ngắn thời gian thực hiện 1 gói thầu cũng giúp tiết kiệm nhiều chi phí cho nhà thầu, chủ đầu tư, cho xã hội như chi phí quản lý dự án, tư vấn giám sát, thời gian khấu hao máy móc thiết bị...
Chưa kể, khi có một hay một vài gói thầu về đích sớm, sẽ giúp việc thi công các gói thầu liên quan được dễ dàng, thuận lợi hơn; “đánh tín hiệu”, thậm chí gây sức ép để các gói thầu còn lại phải tìm mọi cách đẩy nhanh tiến độ.
Do đó, quan điểm của chúng tôi là, gói thầu nào hoàn thành sớm sẽ được xem xét khen thưởng cho gói thầu đó.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh mục tiêu vượt tiến độ, cần có thêm thước đo rõ ràng về các điều kiện khác để được thưởng như: Đảm bảo chất lượng, thi công sáng tạo...? Theo ông, ý kiến này có cơ sở để được xem xét không?
Tôi phải nhấn mạnh rằng, đích cuối cùng của quá trình thi công một gói thầu là hoàn thành công trình.
Để hoàn thành công trình thì cần có giải pháp kỹ thuật, phương án thi công, năng lực quản lý, giám sát… Trong quá trình thực hiện tất cả các khâu, các yêu cầu đó, nhà thầu có thể thoải mái sáng tạo, thoải mái áp dụng các công nghệ, phương thức quản lý mới nhất, hiệu quả nhất, nhưng vẫn phải đi đến đích cuối cùng là hoàn thành vượt tiến độ. Do đó, tiến độ vẫn là cơ sở cuối cùng để xem xét thưởng.
Tất nhiên, tiến độ đi đôi với chất lượng. Gói thầu sau khi hoàn thành sẽ phải được nghiệm thu theo đúng quy định về pháp luật xây dựng. Chúng ta không bàn chuyện rút ngắn tiến độ thi công mà không bảo đảm về chất lượng.
Phát hiện vi phạm sẽ thu hồi tiền thưởng
Theo dự thảo, việc thưởng hợp đồng chỉ được xem xét đối với các gói thầu không vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, đấu thầu, an toàn lao động, bảo vệ môi trường. (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn). Ảnh: Tạ Hải
Dự thảo cũng nêu rõ, việc thưởng hợp đồng chỉ được xem xét đối với các gói thầu không vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, đấu thầu, an toàn lao động, bảo vệ môi trường… và các quy định khác của pháp luật liên quan... Quy định này có chồng chéo hoặc làm “phức tạp hóa” quá trình xét thưởng, thưa ông?
Dự thảo vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng sẽ thể hiện rõ, nhà thầu được thưởng vượt tiến độ với điều kiện không vi phạm các quy định của pháp luật.
Trên thực tế, khi thực hiện 1 gói thầu, biện pháp tổ chức thi công đã phải lồng ghép tất cả các quy định của pháp luật. Ví dụ: Khi khai thác vật liệu, đào, đắp... nếu có thì phải đảm bảo theo quy định về bảo vệ môi trường. Hay trong thi công, sử dụng lao động thì phải đảm bảo pháp luật về an toàn lao động...
Tất cả những yêu cầu đó đã được ràng buộc chặt chẽ với mọi nhà thầu, gói thầu, không phải chỉ áp dụng cho riêng gói thầu được thưởng.
Ở đây chỉ nhắc lại và nhấn mạnh, nếu không tuân thủ một trong những quy định của pháp luật, thì có vượt tiến độ cả chục lần cũng không được thưởng, không những vậy còn bị xử lý theo mức độ vi phạm.
Mặt khác, cũng là để nhấn mạnh rằng, nhà thầu không vì bất cứ lý do gì, càng không thể vì khoản thưởng mà bất chấp các quy định của pháp luật như thi công ẩu, ép người lao động làm việc trái quy định…
Tiến độ thi công dự án giao thông chịu sự tác động từ nhiều yếu tố khách quan, trong đó, điểm nghẽn phổ biến nhất là chậm giải phóng và bàn giao mặt bằng. Việc xét thưởng đã tính đến những yếu tố tác động này chưa, thưa ông?
Thời gian thực hiện gói thầu đã được loại trừ đi thời gian thực hiện các công việc không thuộc trách nhiệm của nhà thầu.
Trong đó, giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của chủ đầu tư. Khi nào chủ đầu tư giải phóng xong mặt bằng, giao mặt bằng sạch mới xác định thời gian nhà thầu thi công.
Chính vì thế, nhà thầu làm tốt nhưng dự án vẫn bị chậm do những yếu tố không thuộc trách nhiệm của họ, họ vẫn có thể được thưởng.
Dự thảo đã quy định cụ thể về mức thưởng, phía được thưởng và thẩm quyền của cơ quan cho phép áp dụng chưa? Bởi việc này nếu không làm chặt chẽ có thể gây khó khăn trong công tác hậu kiểm như thanh, quyết toán hoặc thanh tra, kiểm toán...
Quan điểm của ban soạn thảo là xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ, chất lượng dự án, nhất là những dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án giao thông. Mà đã khuyến khích thì phải đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, kể cả hậu kiểm.
Công tác hậu kiểm dự án nếu có là hậu kiểm chung, không đặt ra việc hậu kiểm riêng cho phần khen thưởng.
Chủ đầu tư, đại diện là ban quản lý dự án sẽ soát xét hồ sơ để thực hiện xét thưởng và thanh toán tiền thưởng. Người có thẩm quyền khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu cho áp dụng cơ chế này cũng như sau này có trách nhiệm giám sát chung.
Ở đây cũng đã đặt ra yêu cầu, nhà thầu khi hoàn thiện hồ sơ thưởng phải cam kết, nếu sau này phát hiện ra có sự gian dối, vi phạm... để trục lợi thì phải hoàn trả lại khoản tiền thưởng.
Có thể áp dụng ngay từ cuối năm nay
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn. Ảnh: Tạ Hải
Có quan điểm cho rằng cần mở rộng hình thức thưởng, ngoài thưởng bằng tiền thì có thể thưởng bằng hình thức khác như ưu tiên, cộng điểm khi tham gia các gói thầu khác. Đề xuất này có cơ sở để áp dụng không, thưa ông?
Chính sách này Bộ GTVT đã có quy định rồi. Trong cơ sở dữ liệu các nhà thầu, đơn vị nào làm tốt thì cũng đã có đánh giá.
Khi xem xét dự án khác, bản chất quy định đấu thầu cũng như của ngành giao thông đã xét đến lịch sử hoàn thành đưa vào điểm ưu tiên. Do đó, nghị định này không đặt vấn đề đó nữa.
Theo dự kiến, quy định này khi nào được áp dụng và ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của chính sách này trong thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông, dự án trọng điểm?
Dự kiến đầu tháng 11, Bộ KH&ĐT trình Chính phủ dự thảo Nghị định này. Nếu được thông qua, có hiệu lực, thì có thể áp dụng cho những gói thầu được ký kết hợp đồng, khởi công vào cuối năm nay.
Tôi cho rằng chưa thể đánh giá hiệu quả cụ thể, vì phải chờ đưa vào thực tiễn. Tuy nhiên, tín hiệu ban đầu khi lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo cho thấy nhiều nhà thầu, hội xây dựng... mong muốn được sớm áp dụng.
Trước mắt, tôi cho rằng, đây là “liều thuốc” động viên cho nhà thầu. Quy định cũng tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho thông điệp: Nhà nước sẵn sàng thưởng cho những doanh nghiệp có năng lực làm tốt, mang lại lợi ích cho quốc gia.
Còn quá trình thực hiện thì phải vừa làm vừa đánh giá, rút kinh nghiệm để ban hành những quy định chặt chẽ, phạm vi rộng hơn, tính khả thi cao hơn.
Hiện, dự thảo quy định mới áp dụng cho lĩnh vực giao thông, dự án trọng điểm trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế. Nếu việc áp dụng có hiệu quả, chúng ta cũng có thể xem xét mở rộng cho các nhà thầu thi công các gói thầu trong các lĩnh vực khác nữa.
Cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam:
Cân nhắc lấy nguồn thưởng từ quỹ dự phòng
Việc xây dựng nghị định về thưởng - phạt là cần thiết để động viên nhà thầu hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, nguồn thưởng lấy từ phần chi phí tiết kiệm chưa hợp lý. Thực tế, những năm qua, trải qua quá trình đấu thầu, tỷ lệ tiết kiệm được thường rất ít. Vì vậy, cần phải lấy từ kinh phí dự phòng của dự án.
Quỹ dự phòng này phải được duy trì xuyên suốt từ khi triển khai đến khi hoàn thành dự án, đảm bảo tính khả thi. Trường hợp đơn giá thi công vượt bởi lý do bất khả kháng, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, các chủ đầu tư phải lập lại mặt bằng giá mới và kiến nghị Bộ KH&ĐT đề xuất duyệt bổ sung kinh phí, không thể lấy kinh phí dự phòng.
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam:
Xét thưởng phải sòng phẳng, không cào bằng
Tiêu chí của việc thưởng tiến độ không thể cào bằng theo kiểu làm nhanh thì thưởng, làm chậm thì phạt mà phải được xác lập phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng gói thầu, phải có thước đo rõ ràng, điều kiện tiến độ, chất lượng và hàm lượng sáng tạo như thế nào thì được thưởng và mức thưởng ra sao.
Trong cơ chế xét thưởng, cần phải có sự ưu tiên (có thể là cộng điểm, tăng hệ số khuyến khích) đối với những gói thầu gặp nhiều yếu tố phức tạp như: Mỏ vật liệu xa, tỷ lệ nền phải xử lý đất yếu cao, biến động giá vật liệu đột ngột, không thể lường trước...
Cơ chế thưởng cũng cần tập trung vào những gói thầu đóng vai trò là “nút thắt” tiến độ dự án. Tránh trường hợp, có doanh nghiệp trúng được gói thầu hội tụ đầy đủ yếu tố thuận lợi (gần mỏ vật liệu, tỷ lệ đất yếu thấp, thiết kế kỹ thuật chuẩn) thì phăng phăng về đích và được thưởng. Trong khi có những gói thầu bất lợi đủ bề, nhà thầu cũng nỗ lực nhưng thời gian rút ngắn không cao lại không được tính thưởng hoặc mức thưởng không xứng đáng.
Ông Nguyễn Lê Bách, Phó Giám đốc Ban Kế hoạch Kỹ thuật, Tập đoàn Đèo Cả:
Băn khoăn công thức tính thưởng
Về công thức tính toán, chúng tôi vẫn còn rất nhiều băn khoăn. Ở đây, trong khi quy định số tiền phạt được xác định trên % của giá trị vi phạm thì quy định thưởng lại không được xác định trên % của giá trị làm lợi. Nếu tính đúng như công thức của phạt hợp đồng, nhà thầu có thể được hưởng lên đến 12% giá trị làm lợi (lợi ích từ việc giảm chi phí quản lý, trượt giá, đẩy nhanh đưa công trình vào sử dụng, kinh tế, xã hội của đất nước).
Tuy nhiên, với cách thức tính hiện nay, cộng thêm việc mặt bằng thi công khó khăn, khối lượng lớn, kinh nghiệm ở cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, thì nhiều nhất, nhà thầu chỉ nhận được 0,5% giá trị gói thầu (tiết kiệm 5% nhân với tỷ lệ đẩy nhanh tối đa 3 tháng/30 tháng).
Ngoài ra, phải làm rõ, việc thưởng hợp đồng không làm thay đổi, giảm trừ đi nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với các khoản phải trả khác cho nhà thầu trong hợp đồng. Ví dụ như những tổn thất mà nhà thầu phải chịu do sự chậm trễ, sai sót của bên chủ đầu tư.
Quy định cũng phải rõ ràng hơn về việc thế nào giải pháp, công nghệ mới, điều chỉnh biện pháp.
Nam Khánh (Ghi)
Nghiên cứu công thức xác định số tiền thưởng
Gửi văn bản góp ý dự thảo vào tháng 8/2022, Bộ GTVT cho biết, theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, có 3 dự án/11 gói thầu thi công xây dựng cầu đường bộ từ nhóm A trở lên do Bộ GTVT là cấp quyết định đầu tư rút ngắn được tiến độ. Tỷ lệ rút ngắn tiến độ so với yêu cầu hợp đồng từ 8 - 50%.
Về công thức xác định số tiền thưởng được tính bằng phép nhân giữa số tiền dư sau đấu thầu, tỷ lệ thời gian rút ngắn, hệ số khuyến khích (đang tạm tính bằng 2 hoặc 2,5), theo Bộ GTVT, với công thức này, tỷ lệ thời gian rút ngắn và hệ số khuyến khích có mối quan hệ tỷ lệ nghịch.
Số tiền thưởng lại quy định không vượt quá số tiền dư sau đấu thầu. Do đó, tỷ lệ thời gian rút ngắn càng nhiều thì hệ số khuyến khích càng nhỏ và ngược lại.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất số tiền thưởng cần được nghiên cứu theo hướng tính bằng số tiền dư sau đấu thầu nhân với tỷ lệ phần trăm được xác định theo tỷ lệ thời gian rút ngắn.
Áp dụng tại 19 dự án trọng điểm
Trong dự thảo, Bộ KH&ĐT đã đưa ra danh mục dự án thuộc phạm vi áp dụng Nghị định thưởng hợp đồng của Chính phủ trong thời gian tới gồm 19 dự án giao thông trọng điểm trên cả nước (cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020; giai đoạn 2021-2025; Vành đai 4 Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; dự án thành phần 1A Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 TP.HCM; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1; dự án đường Hồ Chí Minh; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; cao tốc Bến Lức - Long Thành; cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án đường sắt đô thị Hà Nội; dự án đường sắt đô thị TP.HCM…
Về nguồn tiền thưởng hợp đồng, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng phần vốn dư sau đấu thầu (bao gồm cả chỉ định thầu) và chi phí tiết kiệm trong quá trình thực hiện gói thầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận