Công trường thiếu cát
Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Nguyễn Thái Sơn, Đội trưởng Đội Khai thác cát, Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn (nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) cho biết, mỏ cát tỉnh Đồng Tháp cấp cho công ty theo cơ chế đặc thù ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò.
Sau gần 6 tháng, công ty khai thác khoảng 2.500m3/ngày, tương đương 50.000m3/tháng, phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
"Công trường khai thác cát vẫn làm việc khẩn trương. Tuy nhiên, do giới hạn công suất khai thác nên số lượng cấp về cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vẫn không đủ", anh Sơn cho biết thêm.
Anh Trịnh Ngọc Đông, quản lý mỏ cát giao cho Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) thông tin, tính đến thời điểm này, mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao, nhà thầu trực tiếp khai thác được 336.764m3.
Với số lượng này, mỗi ngày, nhà thầu chỉ được phép khai thác tối đa khoảng 2.700m3 cát/ngày. Trong khi nhu cầu cát về công trường phục vụ thi công cần gấp đôi so với số lượng được phép khai thác mới đảm bảo tiến độ.
"Trên hai xáng cạp có 10 công nhân. Công trường cao tốc thì cần thêm cát, nhưng công nhân tại công trường mỏ cát chỉ làm việc một buổi là đã đủ số lượng được phép khai thác", anh Đông thông tin thêm.
Nhà thầu chờ được nâng công suất
Theo anh Sơn, gói thầu cao tốc trục dọc miền Tây do Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn phụ trách dài gần 5km, cần 700.000m3 cát. Theo tính toán, để bù tiến độ, mỗi tháng, nhà thầu cần từ 70.000 - 80.000m3 cát/tháng mới đảm bảo tiến độ thi công.
"Nhà thầu đề xuất nâng công suất khai thác theo tháng là để thuận lợi hơn trong quá trình khai thác.
Ví dụ như ngày hôm nay, sà lan chở cát về công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau quay lại chưa kịp thì công ty khai thác ít hơn công suất được cấp phép. Còn ngày hôm sau nhiều sà lan về, nhà thầu sẽ khai thác bù lại số lượng của ngày hôm trước", anh Sơn nói.
Anh Sơn cho biết thêm, qua thời gian khai thác, mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao cho công ty vẫn đảm bảo về mặt trữ lượng và độ sâu theo quy định. Bên cạnh đó, công ty cũng đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục đề xuất được nâng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu thi công.
"Nếu đề xuất nâng công suất khai thác cát được chấp thuận trong tháng 6 thì việc thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ rất thuận lợi. Điều này dẫn đến tiến độ thi công dự án sẽ đạt theo kế hoạch đề ra", anh Sơn chia sẻ.
Đại tá Trần Hải Bắc, Giám đốc Ban Trường Sơn Nam, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thông tin, gói thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau do đơn vị phụ trách có tổng chiều dài 21km, khối lượng cát cần khoảng 3,6 triệu m3.
Đến nay, tiến độ tổng thể đạt 36%, nhưng việc thi công đường chỉ mới đạt 20%, chậm khoảng 10% so với kế hoạch. Trong khi đó, thời gian gia tải nền đường mất từ 6-10 tháng.
Nhu cầu cát về công trường đảm bảo tiến độ thi công là 11.000m3 cát/ngày. Thế nhưng, mỗi ngày, nhà thầu chỉ được cấp 6.000m3 cát/ngày. Tuy có cát nhưng công trình vẫn chưa thể đẩy nhanh để bù tiến độ.
"Sau thời gian khai thác, các đơn vị liên quan đo đạc thường xuyên và mỏ cát do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trực tiếp khai thác vẫn đảm bảo độ sâu và trữ lượng được phép khai thác.
Để có thể nâng công suất khai thác, nhà thầu đã thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định. Thế nhưng, thời gian khi nào được nâng công suất thì chưa có thông tin cụ thể nên vẫn phải chờ", đại tá Bắc thông tin thêm.
Một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Tháp cho hay Sở này có nhận văn bản của các nhà thầu khai thác cát đề xuất nâng công suất khai thác tại những mỏ cát được tỉnh bàn giao theo cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, việc có được nâng công suất hay không còn phải đợi hội đồng của tỉnh tổ chức họp xem xét, đánh giá mới có quyết định cụ thể.
Công trình khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026. Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án khoảng 18,1 triệu m3. Riêng năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận