Cát không đạt yêu cầu thi công cao tốc
Trong số ba tỉnh miền Tây được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cấp cát phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thì Đồng Tháp đã rất chủ động sớm bàn giao 7 mỏ cát với tổng trữ lượng 7 triệu m3 theo quy định.
Những khối cát đầu tiên được đưa về công trường cao tốc trục dọc miền Tây trong những ngày giữa tháng 10/2023 là tín hiệu tích cực để công trình trọng điểm quốc gia hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Dù vậy, sau 8 tháng khai thác, hiện có hai mỏ cát đang được ngành chức năng của tỉnh Đồng Tháp cho tạm ngưng vì liên quan đến sạt lở và khai thác quá độ sâu văn bản phê duyệt.
Còn mỏ cát do Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn trực tiếp khai thác cũng đang phải tạm ngưng ba tuần qua do cát xấu, không đạt yêu cầu của cơ quan chuyên môn trong việc gia tải nền đường.
"Công ty đã cho tạm ngưng việc khai thác cát từ ngày 21/6 đến nay. Nguyên nhân là mỏ cát có nhiều sình (bùn) dẫn đến việc khai thác gặp khó khăn.
Trong khi cát đưa về công trường cũng không đảm bảo chất lượng phục vụ thi công gói thầu cao tốc Cần Thơ - Cà Mau", ông Nguyễn Văn Kiên, cán bộ làm việc tại mỏ cát của Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn nói.
Ông Kiên cho biết thêm, cát xấu dẫn đến việc thi công ở công trường gặp khó khi bơm cát lên đắp nền đường mất nhiều thời gian để xử lý lớp bùn trên bề mặt.
"Nếu như cát tốt thì khi bơm lên nền đường để thực hiện gia tải sẽ thuận lợi. Còn với mỏ cát này, sình tràn lên theo cát khi bơm. Nhà thầu phải dùng các thiết bị xúc lên rồi mới bơm được đoạn tiếp theo", ông Kiên dẫn giải.
Cát đã thiếu lại không được nâng công suất
Cũng theo ông Kiên, mỏ cát được Đồng Tháp bàn giao cho công ty theo cơ chế đặc thù thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò, có diện tích 20,97ha. Tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác khoảng 482.000 m3.
Đến nay, gần 6 tháng khai thác, công ty khai thác được 190.000m3 cát. Như vậy, trung bình mỗi tháng, nhà thầu chỉ có thể khai thác khoảng 32.000m3 cát trong khi trữ lượng được phê duyệt là 60.000m3/tháng.
"Việc số lượng khai thác ít hơn trữ lượng được phép là vì mỏ cát khó khai thác. Theo trữ lượng đã được phê duyệt, nếu như ngày hôm trước làm không đạt thì ngày hôm sau cũng không được phép khai thác bù", ông Kiên chia sẻ.
Theo đại diện đơn vị khai thác này, để bù tiến độ, mỗi tháng nhà thầu cần từ 70.000 - 80.000m3 mới đảm bảo cho việc thi công. Thế nhưng, với mỏ cát được cấp, nhà thầu khai thác tối đa công suất thì cũng chỉ mới đạt 75% nhu cầu.
"Trong khi trên thực tế khai thác, mỏ cát chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thi công gói thầu cao tốc Cần Thơ - Cà Mau do công ty chúng tôi thi công", ông Kiên thông tin thêm.
Đại tá Trần Hải Bắc, Giám đốc Ban Trường Sơn Nam, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao cho đơn vị khai thác thuộc xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh và xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò.
"Đến nay, nhà thầu đã khai thác được 420.000m3 cát. Số lượng này đạt khoảng 50% tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác tối đa tại mỏ cát này", ông Bắc cho biết thêm.
Cũng theo ông Bắc, mỏ cát tại tỉnh Đồng Tháp phục vụ gói thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn phụ trách thực hiện đến tháng 9/2024 là sẽ khai thác hết trữ lượng phân bổ.
Trong khi đó, để có thể nâng công suất, nhà thầu mất khoảng hai tháng hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định. Như vậy, tức là tới tháng 8/2024, nếu thuận lợi, nhà thầu sẽ được nâng công suất thì việc này cũng không còn ý nghĩa.
"Để có đủ số lượng cát trong quá trình thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cấp bù bằng cách sử dụng cát từ những mỏ cát An Giang cấp theo cơ chế đặc thù và điều phối cát từ cao tốc trục ngang sang trục dọc để đảm bảo tiến độ thi công", ông Bắc nói.
Công trình khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026. Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án khoảng 18,1 triệu m3. Riêng năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận