Cát vừa thiếu, vừa nhiều tạp chất
Tại công trường mỏ cát thuộc các xã Tân Hòa, Tân Trung (huyện Phú Tân) và xã Bình Thủy (huyện Châu Phú) được tỉnh An Giang giao do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trực tiếp khai thác, những ngày qua rất nhộn nhịp.
Tại đây, hai xáng cạp đang được công nhân điều khiển đưa từng gàu cát lên sà lan chở về phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, theo đúng trữ lượng hàng ngày được phép khai thác.
Anh Nguyễn Văn Hữu, quản lý mỏ cát, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, gần hai tháng mỏ cát này hoạt động đã khai thác được 134.000m3.
"Trên mỗi xáng cạp, nhà thầu bố trí 5 công nhân luân phiên làm việc. Thời gian bắt đầu khai thác hàng ngày từ 7h và kết thúc lúc 17h", anh Hữu nói.
Tuy nhiên, cũng theo anh Hữu, mỏ cát này trước đây đã được khai thác. Cho nên hiện nay, khi nhà thầu khai thác tiếp thì cát lại không được tốt, chủ yếu là cát non.
Ngoài ra, mỏ cát do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trực tiếp khai thác có nhiều tạp chất, tức là lớp bùn phía trên dày. Điều này dẫn đến hoạt động khai thác có phần tốn thêm chi phí và thời gian làm việc.
"Qua khảo sát, đánh giá và thực tế khai thác, mỏ cát này có tới 30% tạp chất. Do vậy, muốn khai thác được cát, nhà thầu phải bốc lớp bùn ra và khi lấy cát lên thấy đảm bảo mới đưa lên sà lan chở về công trường cao tốc", anh Hữu cho biết thêm.
Còn tại mỏ cát ở khu vực sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân (An Giang) do Công ty CP Hải Đăng trực tiếp khai thác cũng đang gặp khó khăn do vướng luồng hàng hải.
Ông Huỳnh Bảo Châu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Hải Đăng cho biết, mỏ cát được tỉnh An Giang cấp cho công ty theo cơ chế đặc thù có diện tích 51,67ha, trong đó khu I diện tích 35,16ha và khu II diện tích 16,51ha.
Tại mỏ cát này, công ty bố trí ba xáng cạp phục vụ khai thác, với dung tích gần 3,5m3.
Nhưng hiện tại chỉ hoạt động được trong phạm vi 10ha. Số diện tích còn lại vướng luồng hàng hải nên vẫn chưa thể khai thác.
"Liên quan đến vấn đề này, Công ty CP Hải Đăng cũng đã thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục có liên quan trình Bộ GTVT để xin điều chỉnh luồng hàng hải.
Việc này giúp nhà thầu có thể khai thác phần diện tích còn lại tại mỏ cát được tỉnh An Giang cấp cho công ty theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau", ông Châu thông tin.
Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, đến nay, tiến độ thực hiện cao tốc Cần Thơ - Cà Mau mới đạt 30%.
Nguyên nhân là do khối lượng cát đưa về công trường chậm so với nhu cầu do công suất khai thác bị khống chế.
"Do vậy,n đạt mục tiêu năm 2025 hoàn thành cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo Nghị quyết của Đại hội 13 thì tháng 10/2024 phải đắp xong cát, chờ nền đất cố kết, tháng 6/2025 mới làm móng mặt đường kịp", ông Thi cho biết thêm.
Địa phương giải thích lý do chưa nâng công suất
Những mỏ cát ở An Giang đều đang vướng khó khăn như trên. Do đó, một số nhà thầu đã đề nghị tỉnh Đồng Tháp nâng công suất khai thác những mỏ cát đã cấp để bù lại phần nào...
Đến nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao 7 mỏ cát (6 mỏ trên sông Tiền và 1 mỏ trên sông Hậu) cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù để phục vụ thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với tổng trữ lượng khoảng 5,7 triệu m3.
Theo Sở TN&MT Đồng Tháp, hiện có 5 nhà thầu nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nâng công suất khai thác cát 5 mỏ cát trên sông Tiền.
Có hai mỏ cát thuộc xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Tổng công ty Xây dựng số 1); xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh và xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn).
Ba mỏ cát còn lại thuộc xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Công ty CP Xây dựng Tân Nam); xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Công ty TNHH Xây dựng công trình và Thương mại Hoàng Anh) và thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (Công ty CP Hải Đăng).
Sau khi rà soát, kiểm tra yêu cầu của các nhà thầu, Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan họp xem xét nâng công suất cho các dự án.
Tuy nhiên, qua cuộc họp, các đơn vị, địa phương không thống nhất việc tăng công suất đối với ba dự án thuộc các xã Tân Mỹ, Tân Khánh Trung của huyện Lấp Vò được giao cho các công ty Tân Nam, Hoàng Anh, Trường Sơn.
Nguyên nhân là do ba dự án này nằm liền kề nhưng chỉ chạy mô hình thủy lực (dùng tính toán độ ổn định lòng sông và đường bờ) riêng lẻ cho từng dự án, không chạy mô hình thủy lực chung cho cả khu vực ba dự án.
Do vậy, chưa đủ cơ sở đánh giá toàn diện ảnh hưởng của việc tăng công suất đến lòng bờ, bãi sông cả khu vực.
Đồng thời, thời gian chạy mô hình thủy lực khoảng 1 - 2 tháng sau mới có kết quả chính xác. Khi có kết quả chạy mô hình sẽ quá thời hạn để nâng công suất theo yêu cầu của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận.
Bên cạnh đó, đường bờ thuộc xã Tân Mỹ và xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò) đã xảy ra hiện tượng sạt lở vào năm 2017.
Thời gian gần đây, tiếp tục xảy ra sạt lở khu vực Cồn Ông, thuộc xã Tân Khánh Trung, lân cận khu vực khai thác của Công ty Hoàng Anh.
Đối với hai dự án thuộc xã Phú Thuận B và thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự được giao cho Công ty Xây dựng số 1 và Công ty Hải Đăng, các đơn vị liên quan cho rằng, có thể xem xét tăng công suất khai thác khi đủ điều kiện và cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh mô hình thủy lực.
Tuy nhiên, hiện tại, hai công ty này vẫn chưa hoàn thành việc cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung mô hình thủy lực theo quy định nên chưa thể nâng công suất khai thác.
Công trình khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026. Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án khoảng 18,1 triệu m3. Riêng năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận